Theo Đông y nước bọt có công dụng nhuận ngũ tạng, bổ não ích tủy, làm tăng nguyên khí ở đan điền, tăng tân dịch, giải độc trừ tà, làm sáng mắt, mềm da, thông khiếu và kéo dài tuổi thọ. Y thư cổ cũng viết: “Nước bọt nhiều, ngậm trong miệng và nuốt đi có thể nhuận ngũ tạng, làm đẹp da, làm con người trường sinh bất lão”.
Rất nhiều người có thói quen nhổ nước bọt, do cảm thấy nước bọt ngậm trong miệng khó chịu, nuốt xuống thì không sạch sẽ, nhưng trên thực tế nước bọt vô cùng có lợi đối với thân thể.
Nước bọt chứa nhiều nước, nguyên tố vi lượng, chất điện giải, các kháng thể, enzym… rất hữu ích đối với sức khỏe. Không chỉ có tính năng diệt khuẩn, giảm tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp, mà còn hỗ trợ tiêu hóa thức ăn.
Không có nước bọt thì sẽ ra sao?
Thường thấy nhất đồng thời cũng là nguy hại lớn nhất chính là sâu răng do không có nước bọt giúp vệ sinh, bảo vệ khoang miệng và gây ra các bênh liên quan đến răng miệng khác nữa. Người ít nước bọt cũng sẽ cảm thấy nhiều khó chịu, như hôi miệng, đắng miệng lưỡi khô hay ăn không ngon. Chính vì vậy đối với những người khô miệng trong bữa cơm thường có một cốc nước, hay ăn cơm với canh, đi ra ngoài thường hay chuẩn bị chai nước.
8 công dụng của nước bọt
1. Cầm máu
Nước bọt có tác dụng tăng nhanh đông máu. Do đó khi bị vết thương trong miệng hay sau khi nhổ răng nước bọt trong miệng có tác dụng hỗ trợ cầm máu.
2. Bôi trơn
Nước bọt có chứa chất nhầy giúp khoang miệng luôn trơn bóng mềm mại. Những người bị khô miệng hoặc khát nước chắc chắn sẽ thấu hiểu được tầm quan trọng của nước bọt.
3. Vệ sinh
Nước bọt có tác dụng vệ sinh, rửa trôi những chất cặn bẩn trong khoang miệng, giữ vệ sinh cho khoang miệng.
4. Làm loãng
Khi những thứ gây kích thích như đồ chua, cay, đắng vào khoang miệng, nước bọt sẽ tăng tiết nên giúp pha loãng, làm giảm khó chịu, dễ dàng nhổ ra hoặc nuốt xuống.
5. Kháng khuẩn
Trong nước bọt có chứa các thành phần có tác dụng kháng khuẩn, có thể phòng ngừa nhiễm trùng khoang miệng, họng, lợi.
6. Trị thương
Trong nước bọt chứa chất giúp vết thương nhanh chóng khép miệng vết thương, nhanh lành vết bỏng.
7. Hỗ trợ tiêu hóa
Nước bọt có chứa enzym hỗ trợ tiêu hóa tinh bột, giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thu chất này.
8. Chống lão hóa
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong nước bọt chứa các hooc-môn và IgA giúp kéo dài tuổt thọ và ngăn ngừa sự lão hóa, suy thoái của các tổ chức cơ thể.
Theo kinh nghiệm dân gian, người ta có thể dùng nước bọt buổi sáng để chữa mụn hạt cơm bằng cách bôi liên tục nước bọt vào buổi sáng từ 5-10 ngày, hạt cơm sẽ tự teo và rụng đi mà không để lại dấu vết gì. Ngoài ra nước bọt còn có tác dụng chữa mụn nhọt sưng đau, bỏng da nông, nước bọt dùng để chữa muỗi đốt cũng rất hiệu quả: dùng nước bọt bôi liên tục 30 phút 1 lần sẽ có tác dụng làm hết ngứa và sưng đau.
Có thể thấy, nước bọt là thứ quý giá của cơ thể, không nên tùy ý lãng phí, bỏ đi. Nhiều y gia xưa coi nước bọt là “dòng suối dưỡng sinh”. Chính vì vậy nước bọt còn được gọi là thần thủy, ngọc tương, kim tân ngọc dịch.
Một số thực phẩm sinh nước bọt
Có thể dùng một số vị thuốc có tác dụng sinh nước bọt như sơn tra, ngũ vị tử, mạch môn. Câu nói “Vọng mai chỉ khát” tức là trông mơ giải khát cũng đã nói đến thực phẩm có tác dụng sinh nước bọt hàng đầu. Quả mơ tính bình, vị chua, có tác dụng nhuận phổi trị ho, sinh nước bọt. Tuy nhiên người đau dạ dày lại không nên ăn nhiều đồ chua.
Thuật dưỡng sinh với nước bọt
Mỗi sáng dậy sau khi rửa mặt, đưa nhẹ đầu lưỡi lên vòm miệng, nước bọt sẽ tiết ra, đợi nước bọt tràn đầy khoang miệng thì dùng lưỡi đảo quanh miệng vài lần rồi từ từ nuốt xuống. Hoặc khi rảnh rỗi, dùng lưỡi đảo quanh miệng, đợi cho miệng tụ đầy nước bọt, thì dùng nước bọt súc miệng vài lần rồi nuốt xuống.
Đại Hải tổng hợp
Xem thêm: Chải đầu, nuốt nước bọt, va răng, 8 bí quyết sống thọ theo Trung y
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.