Trong xã hội ngày nay, các chứng bệnh rối loạn tâm lý đang gia tăng ở nhiều đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không ít lần bạn nghe thấy một ngôi sao K-pop tự vẫn vì trầm cảm, một học sinh tự vẫn vì áp lực gia đình. Vậy, những tác động ảnh hưởng đến tinh thần của mỗi người là gì? Và làm thế nào để các bạn trẻ có thể vượt qua sự bủa vây của những trạng thái tiêu cực?
Để đối phó với tỷ lệ trầm cảm và tự tử gia tăng trong giới trẻ ở Hoa Kỳ, một số tiểu bang nơi này đã hành động. Năm 2018, tiểu bang Utah thông qua dự luật tuyên bố, học sinh được phép có một ngày nghỉ với lý do sức khỏe tâm thần. Tiểu bang Oregon theo gót Utah, năm 2019 khi ban hành một luật tương tự.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà tâm lý học Caroline Clauss-Ehlers, tại Rutgers, Đại học Bang New Jersey, nói với Healthline: “Đây là một ý tưởng tuyệt vời, đặc biệt với đối tượng là thanh thiếu niên, bởi vì trầm cảm và lo lắng đang phổ biến ở nhóm tuổi này”.
Liên minh Quốc gia về bệnh tâm thần cho biết, cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 17 bị rối loạn sức khỏe tâm thần mỗi năm.
“Các trường học nhận ra rằng, có lẽ nên có một ngày sức khỏe tâm thần sẽ tốt hơn là để trẻ tự vượt qua những việc không thể đối phó. Đây là sự hỗ trợ to lớn để học sinh cảm thấy được hiểu, chấp nhận, và khiến học sinh biết cách chấp nhận bản thân nhiều hơn”, nhà trị liệu nghề nghiệp Shelli Dry – Giám đốc trung tâm Enable My Child nói.
Tại sao con bạn cần một ngày sức khỏe tâm thần?
Cho dù con bạn học trường có ngày sức khỏe tâm thần hay không, sau đây có thể là lý do mà trẻ đáng được có:
1. Trẻ đang hình thành các mối quan hệ
Bởi vì nhiều thanh thiếu niên đang xây dựng mối quan hệ với các bạn bè đồng trang lứa theo một triển vọng tốt đẹp, lãng mạn. Vậy nên, khi mối quan hệ xảy ra vấn đề, các bạn trẻ có thể gặp khó khăn trong việc ứng xử.
Chúng có thể cảm thấy như thế giới xung quanh đang kết thúc. Do đó, chúng trở nên bất mãn với mọi thứ. Điều này có thể tạo ra căng thẳng và lo lắng. Lúc này, bạn trẻ tập trung quá mức vào rắc rối của mối quan hệ và có thể không quan tâm đến người khác.
2. Áp lực học tập
Mục tiêu đạt điểm tốt có thể tạo ra áp lực cho trẻ. Các áp lực của việc học tập tốt hoặc một số học sinh vào học trường mà ba mẹ mong muốn cũng gây nên căng thẳng cho các em. Một trong những câu hỏi thường trực của sinh viên là: “Tôi có đủ giỏi không? Tôi có đủ thông minh không?”.
Những học sinh trung học đặc biệt cảm thấy áp lực thêm khi nói đến giáo dục đại học. Vì vào đại học rất tốn kém, nên nhiều phụ huynh có áp lực cho con dành học bổng, chọn trường tốt và chúng bỗng chốc lại có thêm áp lực.
Điều này cũng liên quan đến thể thao và các hoạt động ngoại khóa khác. Thể thao là một áp lực rất lớn đối với nhiều thanh thiếu niên bởi vì đó là cách để họ tỏa sáng. Và nếu họ không đủ sức, họ có thể phải cố gắng quá. Từ đó tự làm khó bản thân.
3. Sang chấn tâm lý do gia đình
Khi cha mẹ ly dị, mất việc hoặc bị bệnh, những đứa trẻ gặp phải một phản ứng điển hình là lo lắng. Đứa trẻ sẽ cảm thấy thiếu hụt tình cảm, không được an toàn. Trong trường hợp này, ba mẹ nên giảm bớt lo lắng của trẻ bằng cách giao tiếp cởi mở hơn. Ba mẹ có thể không hiểu hết tâm trạng của trẻ. Nhưng hãy nhớ rằng, trẻ tiếp thu hết những gì đang diễn ra và những gì ba mẹ trải qua.
Vậy nên trong lúc lúc này, điều bạn cần làm là nói với chúng rằng: “Ta không biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng hiện tại, ta sẽ cố gắng làm mọi việc ổn trở lại được chứ?”
4. Trẻ được chẩn đoán bệnh tâm thần
Nếu một đứa trẻ có vấn đề về tâm thần đã được chẩn đoán, thì chúng khó có thể xử lý các sự kiện trong đời xảy ra với chúng. Vì điều này, chúng cần có ngày sức khỏe tâm thần hoặc nhiều hơn.
Ngày sức khỏe tâm thần là một khởi đầu tuyệt vời cho trẻ em có tình trạng sức khỏe tâm thần đã biết, nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo rằng trẻ được điều trị với một chuyên gia tâm lý nếu chúng gặp căng thẳng.
Khi nào cần có một ngày sức khỏe tâm thần?
Mặc dù một số căng thẳng là trạng thái bình thường, nhưng nó có thể trở thành vấn đề khi có sự cộng hưởng của nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc sống của một đứa trẻ.
Cô Dry nói: “Các chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyên nên nhìn vào việc có bao nhiêu chuyện xảy ra liên tiếp. Nếu có một cuộc ly hôn của ba mẹ, điều đó tạo ra một chút căng thẳng, nhưng không phải lúc nào cũng đạt đến mức ‘độc hại’. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ trải qua một cuộc ly hôn của ba mẹ, một cái chết của người thân, một điểm số tệ, hoặc gặp rắc rối trong các mối quan hệ, tất cả xảy ra cùng nhau trong một thời gian ngắn có thể tạo ra mức độ ‘căng thẳng độc hại'”.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy con bạn có thể bị choáng ngợp bởi các sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng:
- Hành vi và tính cách thay đổi. Ví dụ, con bạn thường hướng ngoại và đột nhiên trở nên dè dặt.
- Bắt đầu tự cô lập: Trong khi những người trẻ có xu hướng ra ngoài và tương tác với mọi người, thì đứa trẻ của bạn lại ở lì trong phòng của mình.
- Dễ bị kích thích: Con bạn trở nên nóng tính hoặc thể hiện thái độ tức giận.
- Thay đổi vật lí: Các vấn đề sức khỏe tâm thần trước tiên có thể là đau đầu, đau dạ dày và buồn ngủ.
Nếu con của bạn có những dấu hiệu trên, có thể trẻ cần một ngày sức khỏe tâm thần rồi đấy! Đó là ngày mà chúng có thể thư giãn, nạp lại năng lượng, nói về những lo lắng với ba mẹ và nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần (nếu cần). Tốt nhất, trong những lúc này, ba mẹ nên sắp xếp thời gian bên cạnh con của mình để có thể hiểu hơn về những lo lắng của con.
Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?
Theo Healthline