Đại Kỷ Nguyên

“Tắm rừng”: Liệu pháp chữa bệnh độc đáo từ Nhật Bản mang hiệu quả bất ngờ

Nhật Bản có một liệu pháp trị liệu độc đáo gọi là “tắm rừng”, với kết quả chữa bệnh ấn tượng và đã được khoa học chứng minh.

Bạn có biết đi dạo trong rừng có thể giúp hạ huyết áp?

Các nghiên cứu gần đây cũng đã hé mở mối liên hệ giữa thiên nhiên với việc cải thiện các triệu chứng của các vấn đề sức khỏe như tim mạch, ung thư, lo lắng và rối loạn khả năng tập trung.

Nhiều nền văn minh cổ đại và một số người trong xã hội hiện đại đã nhận thức được huyền năng chữa bệnh của thiên nhiên, nhưng đây là lần đầu tiên lợi ích tuyệt vời này của thiên nhiên đối với các loài sinh vật được khoa học công nhận.

Shinrin-Yoku – liệu pháp rừng cây thực sự có hiệu quả

Vào những năm 80, người Nhật Bản phát triển một phương pháp trị liệu gọi là Shinrin-yoku, dịch theo nghĩa đen là “tắm rừng”. Đây là một liệu pháp hỗ trợ sức khỏe thông qua việc đắm mình trong rừng cây hay các môi trường thiên nhiên khác.

Trong số nhiều lợi ích của Shinrin-yoku phải kể đến là giảm stress.

Yoshifumi Miyazaki, một chuyên gia về liệu pháp rừng cây tại Đại học Chiba ở Nhật Bản đã khám phá ra rằng, những người dành 40 phút đi bộ trong một khu rừng tuyết tùng có nồng độ hóc môn stress cortisol thấp hơn, vốn có liên quan với huyết áp và chức năng hệ miễn dịch, so với khi họ dành 40 phút đi bộ trong phòng thí nghiệm.

“Tôi rất kinh ngạc. Dành thời gian trong rừng có thể kích hoạt trạng thái nghỉ ngơi sinh lý”, ông Miyazaki nói.

Kinh nghiệm cho thấy mùi hương của cây cối, thanh âm của con suối và cảm giác từ ánh nắng mặt trời thông qua những tán lá cây có tác dụng trấn an, xoa dịu. Trí tuệ của cổ nhân quả không sai, ông Miyazaki cho hay.

Trong hai năm 2005 và 2006, ông đã tiến hành nghiên cứu trên 260 người tại 24 khu vực. Kết quả cho thấy nồng độ trung bình của cortisol tuyến nước bọt, một loại hóc môn stress, ở những người ngắm cảnh rừng cây trong 20 phút là thấp hơn 13,4% so với những ai ngắm cảnh phố xá đô thị.

Điều này cho thấy rừng cây có thể làm giảm stress và khiến mọi người cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Các phát hiện từ các thí nghiệm sinh lý khác, bao gồm mức độ dao động nhịp tim và huyết áp, cũng củng cố cho kết luận này.

Con người đã sinh sống cùng với thiên nhiên trong 5 triệu năm qua. Chúng ta được sinh ra để hòa hợp với môi trường thiên nhiên. Do vậy chúng ta cảm thấy stress tại khu vực thành thị”, ông cho hay.

“Khi tiếp xúc với thiên nhiên, cơ thể chúng ta trở lại trạng thái cân bằng vốn có”.

Rừng cây giúp phòng chống ung thư

Tiến sĩ Qing Li, một giáo sư tại Đại học Y Nippon ở Tokyo, phát hiện thấy thực vật và cây cối tiết ra hợp chất thơm gọi là phytoncides. Khi được hít vào, hợp chất thơm này có thể thúc đẩy các thay đổi về sinh học và sức khỏe theo cách thức tương tự liệu pháp mùi hương (aromatherapy), vốn cũng đang được nghiên cứu xoay quanh các hiệu quả chữa bệnh của nó.

GS Li đã tiến hành thí nghiệm để kiểm định giả thuyết rằng, việc dành thời gian trong rừng làm gia tăng hoạt động của tế bào sát thủ tự nhiên (Natural killer cells – NK) ở người, một thành phần của hệ miễn dịch giúp chống lại ung thư.

Trong một thí nghiệm vào năm 2006, 12 người dành 2 đêm tại một khu rừng ở Quận Nagano. Họ đi tản bộ tổng cộng 3 lần và nghỉ ở một khách sạn trong rừng. Năm 2007, 13 y tá nữ thực hiện một chuyến đi tương tự đến một khu rừng khác trong quận.

Hoạt động NK được quan sát gia tăng ở cả hai nhóm, và sự gia tăng này được duy trì trong khoảng 30 ngày sau đó, GS Li cho hay.

“Khi hoạt động NK gia tăng, sức mạnh miễn dịch được cải thiện, từ đó tăng cường sức kháng cự với stress”, GS Li nói, đồng thời cho biết liệu pháp rừng cây chủ trị cho các bệnh nhận thiếu sức đề kháng sẽ được phát triển trong vài năm tới.

Liệu pháp tự nhiên là một ân huệ. Tôn trọng tự nhiên và bạn sẽ được ban cho một sức khỏe tốt.

Quý Khải (dịch từ messagetoeagle)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version