Đại Kỷ Nguyên

Tâm sự của một người trầm cảm sau sinh, làm cách nào để vượt qua…

Trở thành một người mẹ là điều tuyệt vời nhưng những khó khăn cũng đến cùng lúc đó. Người mẹ sẽ gặp thử thách mới để làm quen với cuộc sống có thêm đứa trẻ – ngoại hình cơ thể bị biến đổi, ngủ ít hơn rất nhiều… Phụ nữ sau sinh có thể nhận phải những cảm giác tiêu cực, đôi khi là bị sốc tâm lý.

Tôi có người bạn cùng học y vừa sinh con được gần 2 tháng. Hôm rồi, nhân tiện đi công tác gần chỗ cô ấy nên ghé vào thăm hai mẹ con. Đến nơi, thấy đứa bé đang ngủ ngon lành trong vòng tay của mẹ, thật dễ mến. Còn bạn tôi thì suýt chút nữa tôi không nhận ra, cô tăng cân lên rất nhiều, tăng hơn 20kg so với lúc chưa có con.

Cô ấy sinh mổ, bé trai, nặng 3,4 ký. Tôi nhấn nhẹ môi trên của bé xuống, rồi trò chuyện mấy câu:

– Trộm vía con đáng yêu quá! Niềm vui của mẹ Hạnh đây rồi nè!

Hạnh ôm con cao hơn một chút, tươi cười nói thay con: “Phải rồi cô, nhưng cháu cũng hư lắm, quấy mẹ cháu suốt thôi”.

Đứa trẻ nằm ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ. (Ảnh: Pixabay)

Đúng là sự việc trước mắt không phải toàn niềm vui như tôi đang thấy. Cô bạn bắt đầu kể lể với tôi:

– Cậu có biết không, để được như hôm nay, tớ phải trải qua thời gian thật kinh khủng đó. Khi mang thai thì háo hức chờ con đến bên lắm. Mua sắm đủ thứ, chuẩn bị đủ thứ. Thế rồi, ngày con chào đời cũng đến. Nhưng chỉ được vài hôm đầu thôi, sau đó tớ bắt đầu cảm thấy mọi thứ tồi tệ đang nối gót nhau đến với tớ.

– Đến mức như vậy sao? – Tôi ngưng ngắm nhìn đứa trẻ, ngước lên hỏi Hạnh.

– Ừ, nó đúng như vậy đấy. Ban đầu chỉ là vì em bé quấy khóc quá, đảo lộn hết giờ sinh học của tớ. Tớ bắt đầu thức đêm, ngủ không yên giấc, luôn trong tình trạng mệt mỏi và thiếu ngủ. Chỉ cần một chút tiếng động mà con gây ra thôi là tớ đã giật mình dậy rồi. Sau đó, tớ bắt đầu cảm thấy nó thật phiền phức, có cảm giác ghét con và thấy hối hận khi sinh ra nó. Có lúc còn nhìn nó khóc mà mặc kệ nữa. Nghĩ lại lại thấy thương con.

Đứa bé cựa mình. Bạn tôi dừng lại chút, vén lại cái tã lót vào nếp rồi vỗ nhẹ em bé mấy cái. Cô nhìn tôi mỉm cười:

– Lúc ấy, nhìn lại bản thân, tớ thấy thật chán nản, thân hình thì phát phì; còn đâu thời còn là con gái, vóc dáng mặn mà, rồi những buổi rong rủi chỗ này chỗ kia. Hơn nữa, chồng tớ đi làm cả ngày. Ở nhà có hai mẹ con trong phòng với nhau. Thấy thực sự ngột ngạt.

Nhưng mà, cũng nhờ mình học y nên biết được đây là những dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh. Mặc dù đã cố gắng tự mình vượt qua, tớ cũng phải mất 2 tuần đầu sống trong trạng thái như vậy. Cuối cùng, không thể chịu được nữa, tớ phải chia sẻ thẳng thắn với ông xã. Thật không ngờ, sau khi lắng nghe tớ nói xong, anh ấy viết đơn lên công ty xin nghỉ việc không lương hẳn 1 tháng để ở nhà giúp đỡ vợ, sợ có chuyện không hay xảy ra. Ông bà nội ngoại biết chuyện cũng tận dụng thời gian không đi làm sang thăm cháu thường xuyên. Bây giờ, tinh thần tớ cũng đã ổn định lại rồi.

– Ừm, cậu có phúc đấy, lấy được ông chồng hiểu chuyện như vậy. May mà cậu được học qua tình trạng này trên trường lớp rồi, biết cách để vượt qua. Chứ bây giờ, nhiều phụ nữ lâm vào hoàn cảnh này cũng không biết là mình bị bệnh, làm sao để thoát ra. Nhiều vụ việc thương tâm chắc cậu cũng nghe qua rồi đó.

– Thì đó, lúc học chỉ nghĩ sao lại khổ thế. Đến khi mình bị rồi mới hiểu. Lúc đó, mình chẳng nghĩ được gì hết ngoài mấy thứ tiêu cực…

Tôi cười, vút vút bàn tay nhỏ xíu của đứa trẻ. Nhìn nó trong vòng tay ấm áp của mẹ thầm nghĩ: “Con thật may mắn vì mẹ con đã vượt qua được giai đoạn trầm cảm sau sinh này…”

Trên thực tế, tình trạng của bạn tôi cũng là điều mà nhiều phụ nữ sau sinh gặp phải. Nhân đây, tôi cũng muốn gửi mấy dòng thông tin về căn bệnh trầm cảm sau sinh này tới các độc giả. Hi vọng các bạn sẽ vượt qua hoặc có thể giúp đỡ được người xung quanh mình.

Vậy trầm cảm sau sinh là gì? Triệu chứng biểu hiện của căn bệnh này ra sao và làm gì để bạn vượt qua nếu gặp phải?

Làm sao để có thể vượt qua nếu bị trầm cảm sau sinh? (Ảnh: Pixabay)

Trầm cảm sau sinh là một dạng trầm cảm lâm sàng nghiêm trọng liên quan đến thời kỳ mang thai và sinh nở. Ngày nay, nó thực sự phổ biến hơn bạn nghĩ. Một nghiên cứu trên 10.000 bà mẹ có trẻ sơ sinh cho thấy cứ 7 bà mẹ thì có 1 người bị trầm cảm sau sinh.

Loại trầm cảm này có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên sinh bé. Nhưng thường xuất hiện phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu sau khi sinh. Nếu mắc bệnh, bạn sẽ thấy buồn bã, vô vọng và tội lỗi vì bạn có thể cảm thấy không muốn gắn kết, hoặc chăm sóc em bé của bạn.

Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh

Hormone: Nồng độ một số hormone của bạn tăng lên khi mang thai. Sau khi em bé được sinh ra, chúng giảm xuống đột ngột. Sự thay đổi nhanh chóng này có thể gây ra trầm cảm ở một số phụ nữ. (Nếu bạn từng cảm thấy ủ rũ, cáu gắt trước kỳ kinh, bạn sẽ biết hormone có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào).

Tiền sử trầm cảm: Trước đây bạn đã từng bị trầm cảm, hoặc trong gia đình có ai đó bị trầm cảm. Bạn cũng sẽ tăng khả năng mắc bệnh.

Căng thẳng và các vấn đề trong cuộc sống: Nếu bạn không muốn mang thai, hoặc chồng và gia đình không giúp bạn chăm sóc em bé, bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm khi mới làm mẹ. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở phụ nữ đang có những vấn đề rắc rồi về tiền bạc, ma túy, rượu hoặc các nguồn gây căng thẳng lớn khác. Những phụ nữ rất trẻ chưa sẵn sàng chăm sóc em bé cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng biểu hiện

Biện pháp phòng ngừa

Sau khi em bé được sinh ra nên nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình. Để tinh thần thật thoải mái, có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Nếu nghĩ rằng bạn bị trầm cảm sau sinh, hãy nói chuyện với người thân và bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể giúp bạn điều trị để trở về trạng thái bình thường.

Tâm lý trị liệu: Tâm lý trị liệu, hoặc liệu pháp nói chuyện, thường được ưu tiên. Bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ chuyên điều trị trầm cảm sau sinh. Một nhà trị liệu có thể hỗ trợ cảm xúc và giúp bạn hiểu được cảm xúc của mình để vượt qua trầm cảm sau sinh.

Nhóm hỗ trợ trầm cảm sau sinh: Các nhóm hỗ trợ có thể rất hữu ích nếu bạn đang gặp vấn đề. Họ có thể cung cấp thông tin và ý tưởng về cách đối phó tốt hơn với những căng thẳng hàng ngày.

Sống với trầm cảm sau sinh: Ngay khi phát hiên trầm cảm sau sinh, hãy cố gắng dành thời gian cho bản thân. Ra khỏi phòng mỗi ngày, ngay cả khi chỉ là đi dạo quanh nhà. Chia sẻ nhiều hơn với gia đình, bạn bè và đừng cố gắng tự làm mọi thứ.

Tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp nâng cao tinh thần của bạn. Khi bạn đã hồi phục thể chất sau khi sinh, hãy cố gắng tập thể dục mỗi ngày. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau khi sinh con, ngay khi sức khỏe cho phép, tập thể dục làm tăng cảm giác hạnh phúc. Ngồi thiền cũng là một cách hay để giảm bớt tình trạng căng thẳng, lo lắng, thanh lọc tinh thần.

Thuốc chống trầm cảm sau sinh: Việc sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm được các bác sĩ rất cân nhắc vì còn liên quan đến vấn đề cho con bú.

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng vừa phê duyệt một loại thuốc chống trầm cảm sau sinh mới có tên là Brexanolone. Các nhà nghiên cứu cho biết, loại thuốc này phải truyền trong vòng 60 giờ và có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.

Như vậy, phụ nữ nên nhớ rằng, trầm cảm sau sinh là một tình trạng y tế. Nó không liên quan gì đến tính cách của bạn, hay bạn là một người mẹ tốt như thế nào, hoặc bạn yêu con nhiều ra sao. Do đó, nó cũng giống như bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác và bạn cần được chăm sóc để tốt hơn.

Ngân Hà

Video hay

Exit mobile version