Đại Kỷ Nguyên

Tâm thần phân liệt theo nhìn nhận của Đông y

Đông y nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu gây chứng tâm thần phân liệt là bởi mất sự cân bằng âm dương trong cơ thể, hệ thống nội tạng gặp vấn đề.

Theo các nhà khoa học, bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ khoảng 0,3-1% dân số ở các quốc gia và thường xảy ra ở những người trẻ từ 18-40 tuổi. Trong Đông y không có tên bệnh tâm thần phân liệt, nhưng theo triệu chứng lâm sàng thì bệnh này thuộc phạm vi chứng điên cuồng. Nó phát sinh do sự mất cân bằng âm dương và rối loạn chức năng tạng phủ. Đông y phân thành các thể bệnh cụ thể như sau:

Các thể bệnh tâm thần phân liệt theo Đông y

Chứng tâm thần phân liệt thể đàm thấp kết tụ: Biểu hiện chủ yếu là tư duy phân tán, tình cảm lạnh nhạt, hành vi chậm chạp, thích cô độc, có ảo giác, vùng thượng vị đầy tức, miệng nhớt dính, rêu lưỡi dày.

Chứng tâm thần phân liệt thể đàm hỏa nhiễu thần minh: Triệu chứng chủ yếu là bứt rứt không yên, hò hét lung tung, mắt tai đỏ, tinh thần kích động, ít ngủ hoặc thức trắng đêm, thích ăn đồ lạnh, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.

Chứng tâm thần phân liệt thể khí trệ huyết ứ: Triệu chứng chủ yếu là bứt rứt không yên, nói năng bậy bạ, hành vi vô ý thức, ảo giác nghe nhìn, sắc mặt tối sạm, nữ giới mất kinh hoặc kinh có huyết cục, chất lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết.

Chứng tâm thần phân liệt thể âm hư hỏa vượng: Triệu chứng chủ yếu là hưng phấn, hiếu động, nghe nhìn có ảo giác, hát ca cười nói huyên thuyên, đánh người, phá của, ăn nhiều, dục tính mạnh, người gầy, miệng khô khát, lưỡi đỏ ít rêu.

Chứng tâm thần phân liệt thể dương hư: Bệnh nhân sợ lạnh, chân tay lạnh co ro, nói ít, người yếu mệt, da mặt sạm, không buồn ăn uống, chất lưỡi bệu nhạt, rêu lưỡi trắng.

Ảnh minh họa: read01.com

Các triệu chứng tâm thần phân liệt

1. Hoang tưởng: Là những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn đúng, không thể giải thích hay phê phán được.

2. Ảo thanh: Là bệnh nhân nghe một hay nhiều giọng nói tưởng tượng vang lên trong đầu hay vang bên tai. Nội dung thường là: đe doạ, buộc tội, chưởi bới hay nhạo báng bệnh nhân. Ngoài ra, họ cũng sẽ có một số phản ứng tùy theo nội dung của ảo thanh thí dụ như họ sẽ bịt tai khi nội dung của ảo thanh là chưởi bới, sẽ có hành vi tự vệ nếu nội dung của ảo thanh là đe doạ ……

3. Rối loạn khả năng suy nghĩ: Lời nói trở nên khó hiểu, đang nói bỗng đột ngột ngưng lại rồi một lúc sau mới nói tiếp chủ đề cũ hay nói sang chuyện khác. Đôi khi nói lung tung đến nỗi người nghe không hiểu bệnh nhân muốn nói gì.

4. Mất đi ý muốn làm việc: Đầu tiên bệnh nhân sẽ không thể tiếp tục làm việc tốt tại cơ quan hay học tập tốt trong trường học. Nếu nặng hơn sẽ không còn làm tốt được các công việc hằng ngày như làm việc nhà, giặt giũ, nấu ăn … và nặng nhất là sẽ không chú ý đến vệ sinh cá nhân, không tắm rửa, ăn uống kém …

5. Giảm sự biểu lộ tình cảm:  Bệnh nhân không phản ứng trước các sự kiện vui buồn hoặc ngược lại đối với sự kiện vui thì buồn và đối với sự kiện buồn thì tỏ ra vui.

6. Cách ly xã hội: Họ không muốn tiếp xúc với những người khác, không muốn nói chuyện với cả người thân trong gia đình.

7. Không nhận thức được bản thân đang bị bệnh: Thông thường nhiều trường hợp không nghĩ rằng mình bị bệnh, do đó từ chối khám chữa.

Ảnh minh họa: kknew.cc

Nguyên nhân gây tâm thần phân liệt

– Điên: do lo nghĩ quá độ, tân dịch ngưng trệ, đờm che lấp thanh khiếu gây ra.

– Cuồng: do khí uất hóa ra Hoả, kết hợp với đờm trọc, hỏa ở Can Đởm bốc lên, tâm thần bị quấy nhiễu gây ra bệnh.

– Yếu tố di truyền: con của người bố hoặc người mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt có 10% nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt và 90% không mắc bệnh này. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh ở những người này cao gấp 10 lần tỉ lệ trong dân số nói chung.

– Yếu tố sinh hoá: người ta tin rằng có một số chất, đặc biệt là chất dẫn truyền thần kinh trung gian được gọi là Dopamin. Sự mất cân bằng hoá học có thể do ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố di truyền.

– Các mối quan hệ gia đình: không có bằng chứng nào gợi ý rằng các mối quan hệ gia đình gây ra bệnh. Tuy nhiên, một số người bệnh tâm thần phân liệt nhạy cảm với bất kỳ sự căng thẳng nào trong quan hệ gia đình mà đối với họ có thể liên quan tới sự tái phát của bệnh.

– Môi trường: Người ta nhận thấy rất rõ rằng những mâu thuẫn gây sang chấn này thường đóng vai trò như các sự kiện gây áp lực ở những người kém chịu đựng. Người bệnh tâm thần phân liệt trở nên lo âu, cáu kỉnh và không thể tập trung chú ý trước bất kỳ một triệu chứng cấp tính rõ rệt nào. Điều này làm cho các mối quan hệ xấu đi, có thể dẫn tới li dị hoặc thất nghiệp, những hiện tượng này sau đó thường bị đổ lỗi cho sự thúc đẩy bệnh, khi mà thực tế chính các biểu hiện bệnh lý đã gây ra sự khủng hoảng này. Bởi vậy, không phải bao giờ cũng xác định rõ ràng stress là yếu tố thúc đẩy hay là hậu quả của bệnh.

Ảnh minh họa: guebanget.com

Phương pháp phòng ngừa chứng tâm thần phân liệt

1. Tự học cách điều chỉnh và giảm bớt gánh nặng và căng thẳng gây ra do áp lực công việc và học tập. Tự học cách sắp xếp công việc một cách hợp lý, kết hợp công việc và nghỉ ngơi, tránh gây căng thẳng áp lực mệt mỏi quá nhiều lên não, từ đó mới có thể tăng hiệu quả công việc và ngăn ngừa bệnh tâm thần.

2. Học cách suy nghĩ tích cực và hình thành tư duy lạc quan vui vẻ. Mặc dù rất khó để thay đổi khi quan niệm cố hữu đã hình thành, tuy nhiên nếu kiên trì và có niềm tin vào cuộc sống, duy trì một thái độ tích cực và lạc quan sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.

3. Khi xử lý các mâu thuẫn xung đột trong cuộc sống, nên lấy sự rộng lượng bao dung để đối đãi với mọi người. Nên học cách cảm thông chia sẻ lẫn nhau, không nên vì những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và công việc mà tính toán thiệt hơn. Đây là một trong phương pháp ngăn chặn căng thẳng giữa các cá nhân một cách hiệu quả. Cần đặc biệt lưu ý khi xử lý những mối quan hệ trong gia đình, với đồng nghiệp và hàng xóm.

4. Học cách làm việc theo khả năng của mình, tránh làm những việc quá sức ảnh hưởng tới thể chất và não bộ. Không nên quá cố chấp, bảo thủ về ý kiến của bản thân để ngăn ngừa bệnh.

Theo Kknews.cc
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version