Đại Kỷ Nguyên

Tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm do chủ quan với cúm A/H3

Cúm A/H3 là chủng virus cúm thông thường, người bệnh thường khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời để diễn tiến nặng, gây nguy hại sức khỏe.

Theo Thanh Niên, mới đây trường hợp bệnh nhân V.T.M.T (39 tuổi, Giồng Trôm, Bến Tre) tử vong do mắc cúm A/H3.

Trước đó, bệnh nhân T. bị sốt, ho đã tự mua thuốc về uống. Tình trạng không thuyên giảm, bệnh nhân tiếp tục điều trị ở phòng khám tư với tình trạng sốt, ho kèm theo khó thở, ăn uống kém.

Ngày 25/8, nhập viện Nguyễn Đình Chiểu trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, ngưng tim 2 lần. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phế quản cấp, đã điều trị nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Khuya 26/8, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (Tp.HCM) với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi cúm, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng, rối loạn điện giải, trào ngược dạ dày thực quản.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân T. dương tính với cúm A/H3. Bệnh nhân được điều trị thở máy, lọc máu, vận mạch, kháng sinh…

Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân mê sâu, không đáp ứng các điều trị, gia đình xin về. Bệnh nhân T. đã tử vong tại nhà sau đó.

Người nhà chia sẻ với Đời Sống Việt Nam, bệnh nhân T. không có tiền sử bị bệnh tim mạch hay đái tháo đường, cách đây 3 năm có mổ bướu giáp. Bệnh nhân T. thường xuyên tiếp xúc và chuyên chở gà.

Bác sĩ Võ Hồng Khanh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, cúm A/H3 là chủng virus cúm thông thường, thường khỏi sau 3-4 ngày.

Nhiễm cúm A/H3, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Biến chứng thường xảy ra ở trẻ em, người già hoặc những người có bệnh mãn tính. Hiện, cúm A/H3 đã có vắc-xin phòng ngừa.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân; che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

3. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

4. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.

Tổng hợp

(Tổng hợp)

Exit mobile version