Các chuyên gia cảnh báo, việc đeo tai nghe liên tục trong thời gian dài với âm lượng lớn có thể dẫn đến viêm, điếc đột ngột.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, sử dụng tai nghe liên tục, kéo dài trong nhiều giờ với âm lượng cao kích thích thẳng vào ốc tai, tai trong có thể dẫn đến viêm.
Các biểu hiện viêm tai như thoái hóa sức nghe, nghe giảm dần so với âm thanh bên ngoài, ù tai, nhức đầu, chóng mặt, tức ngực…
Dưới đây là những sai lầm khi đeo tai nghe ảnh hưởng đến thính giác:
Đeo tai nghe liên tục trong thời gian dài
Ốc tai thu nhận các kích thích sóng âm, có nhiều tế bào thính giác, trong đó nhiều tế bào chịu trách nhiệm nghe các tần số khác nhau. Âm thanh, tiếng ồn quá mạnh, kéo dài sẽ gây ra trạng thái kích thích liên tục, làm mệt thính giác.
Nghe nhạc quá to khi dùng tai nghe không gây ảnh hưởng ngay, tuy nhiên lâu dài chúng sẽ làm suy giảm thính lực, thậm chí điếc đột ngột, đau viêm mống tai ngoài.
Các bác sĩ khuyến cáo, cường độ âm thanh không nên vượt quá 80 dB, đặc biệt khi nghe nhạc.
Ngủ quên khi nghe nhạc
Nghe nhạc bằng tai nghe khi ngủ, não vẫn phải tiếp tục làm việc ngay cả khi cơ thể đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Nếu kéo dài thói quen này gây tổn thương cơ quan thính giác, hệ thần kinh trung ương.
Không vệ sinh tai nghe
Đầu tai nghe không được vệ sinh thường xuyên, đặc biệt với loại có gắn bông mút là nơi lưu trú của vi khuẩn, vi nấm phát triển khiến tai dễ bị viêm nhiễm nấm.
Ngoài ra, khi dùng tai nghe kích thước không phù hợp dễ gây ra đau nhức tai, đau đầu…
Lời khuyên
– Chọn mua tai nghe vừa vặn của mình. Nếu tai nghe có miếng bọc bên ngoài, bạn nên thay định kỳ mỗi tháng/lần.
– Thường xuyên vệ sinh tai nghe, tránh để ở những nơi mất vệ sinh.
– Sau 15 phút đeo tai nghe, bạn nên bỏ ra để tai được nghỉ ngơi. Không nên đeo tai nghe quá 2 giờ/ngày và đặc biệt không nên đeo khi ngủ.
– Người mắc bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì làm cho viêm tai dễ tái phát.
– Nếu đau tai, chảy nước trong tai phải đi khám ngay.
– Tránh để âm lượng quá lớn, giữ sao để cường độ âm thanh không vượt qua 60%.
Phương Nam