Đại Kỷ Nguyên

Thanh lọc các chất thải cho não bộ chỉ với một tư thế ngủ thuận theo tự nhiên

Các nghiên cứu cho thấy rằng, cơ thể người và ngay cả trong tự nhiên thích ứng rất tốt với tư thế ngủ nghiêng để loại bỏ hiệu quả các chất thải từ quá trình trao đổi chất ra khỏi bộ não.

So với nằm ngửa hay nằm úp, nằm ngủ nghiêng một bên có thể là cách tốt nhất để bộ não của bạn xả sạch các chất thải. Nó thậm chí còn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, và các bệnh thần kinh khác.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) để ghi lại hình ảnh về con đường glymphatic của bộ não, một hệ thống phức tạp có nhiệm vụ thanh lọc chất thải và các hóa chất độc hại ra khỏi não bộ.

Tư thế nằm nghiêng một bên là tư thế tốt nhất để loại bỏ các chất thải khỏi não bộ. Nó cũng là tư thế ngủ phổ biến nhất của con người và nhiều loại động vật khác. Sự tích tụ chất thải và độc tố ở não có thể góp phần làm phát triển bệnh Alzheimer và các bệnh về thần kinh khác, các nhà nghiên cứu cho biết.

Họ đã sử dụng MRI từ nhiều năm nay để kiểm tra con đường thải độc glymphatic trên các động vật gặm nhấm được dùng để làm thí nghiệm. Phương pháp này đã giúp xác định và định nghĩa con đường glymphatic, tại đó dịch não tủy (CFS) thấm vào não và trao đổi với dịch kẽ (ISF) để thải chất thải – tương tự như cách hệ lymphatic (hệ bạch huyết) của cơ thể thải chất độc ra khỏi các cơ quan nội tạng.

Tư thế nằm và chất lượng giấc ngủ

Ảnh positivemed.com

Lúc ngủ là thời điểm mà con đường thải độc glymphatic của não hoạt động hiệu quả nhất. Các chất thải của não bao gồm amyloid β (chất dạng tinh bột) và các protein tau, các loại hóa chất có tác động không tốt lên não nếu chúng tích tụ lại.

Trong một nghiên cứu mới công bố trên Khoa học Thần kinh, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ cùng với mô hình động học để xác định tỷ lệ dịch não tủy và dịch kẽ trao đổi trong não chuột đã bị gây mê khi nó nằm ở 3 tư thế – nằm nghiêng, nằm úp và nằm ngửa.

“Các phân tích cho thấy một cách nhất quán rằng hệ thống vận chuyển glymphatic là hiệu quả nhất ở tư thế nằm nghiêng khi đem so sánh với các tư thế nằm ngủ khác”, Helene Benveniste, nhà nghiên cứu chính và là một giáo sư khoa gây mê và X-quang tại Trường Y học thuộc Đại học Stony Brook cho biết.

Tư thế phổ biến nhất

Benveniste và tác giả Hedok Lee, phó giáo sư về gây mê và X – quang, đã phát triển các tư thế an toàn cho thí nghiệm. Lulu Xie, Rashid Deane và Maiken Nedergaard, tất cả đều là thành viên của Trường Đại học Rochester, đã sử dụng kính hiển vi huỳnh quang và chất đánh dấu phóng xạ để hỗ trợ thêm cho dữ liệu Cộng hưởng từ cũng như để đánh giá ảnh hưởng của tư thế cơ thể đối với sự giải phóng chất dạng tinh bột (amyloid) khỏi não bộ.

“Điều thú vị là tư thế nằm ngủ nghiêng đã khá phổ biến ở người và hầu hết các loại động vật – ngay cả trong tự nhiên – và có vẻ như chúng ta thích ứng với tư thế ngủ nghiêng là cách để rũ sạch hiệu quả nhất các rác thải từ quá trình trao đổi chất ra khỏi bộ não của chúng ta, những thứ vốn được hình thành trong khi chúng ta thức”, Maiken Nedergaard cho biết.

Nghiên cứu này do đó đã bổ sung luận điểm củng cố thêm cho quan niệm rằng giấc ngủ có một chức năng sinh học khác là để làm sạch những chất thải được tích lũy trong não bộ khi chúng ta thức. Nhiều loại bệnh mất trí nhớ có liên quan đến rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả tình trạng khó ngủ.

“Nó củng cố thêm nhận thức rằng rối loạn giấc ngủ có thể đẩy nhanh sự mất trí nhớ ở người bệnh Alzheimer. Những phát hiện của chúng tôi mang lại một cái nhìn mới về chủ đề này bằng việc chỉ ra rằng tư thế khi ngủ quan trọng như thế nào”, cô giải thích.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, trong khi nhóm nghiên cứu suy đoán con đường glymphatic ở người sẽ làm sạch não bộ một cách hiệu quả nhất khi chúng ta ngủ với tư thế nằm nghiêng so với các tư thế khác, thì việc kiểm tra bằng MRI hoặc các phương pháp hình ảnh khác ở con người là một bước cần thiết đầu tiên.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Thu Hiền biên dịch

Exit mobile version