Đây là liệu pháp tự nhiên cổ truyền đã được chính phủ Nhật Bản đưa vào chương trình y tế công cộng quốc gia trong bối cảnh con người hiện đại thiếu vắng hơi thở của thiên nhiên hơn bao giờ hết. Vượt qua biên giới nước Nhật, liệu pháp này đang ngày càng trở nên phổ biến tại các nước phương Tây.
Chúng ta là nên thuộc về thiên nhiên
Kể từ thời điểm mới xuất hiện trên Trái Đất, con người đã hòa mình cùng với thiên nhiên, được thiên nhiên nuôi dưỡng, che chở để đi đến ngày hôm nay. Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta dành phần lớn thời gian trong môi trường tự nhiên. Vậy nhưng ngày nay con người đang dần rời xa bàn tay bao bọc đó. Đã có lúc, nhân loại muốn làm chủ thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho lợi ích cá nhân mà không cân nhắc đến quy luật tự nhiên.
Rồi những lời cảnh báo ập đến, những thảm họa do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường khiến nhân loại hiểu rằng: bảo vệ mẹ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ nhân loại, nhân loại chỉ có thể khai thác một cách khéo léo trong giới hạn nhất định, thuận theo quy luật tự nhiên để tạo điều kiện sống thích hợp cho con người.
“Chúng ta là một phần của thiên nhiên. Nếu tự tách mình khỏi môi trường thiên nhiên thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên chúng ta” – Clemens Arvay, nhà sinh học
Tại thành phố lớn nơi những khu rừng xanh mát được thay thế bằng các tòa nhà chọc trời, chúng ta đang ngày ngày bận rộn trong công việc, vùi đầu trong căng thẳng. Nhà báo về môi trường Richard Louv đã mô tả trẻ em ngày nay đang mắc một chứng gọi là “rối loại thiếu môi trường thiên nhiên”. Nền văn hóa và môi trường sống hiện đại đang làm nản lòng những bước chân tìm về cội nguồn.
“Tắm rừng” là một liệu pháp điều trị chính thống tại Nhật Bản. Liệu pháp được công nhận trong bối cảnh con người hiện đại thiếu vắng hơi thở tự nhiên hơn bao giờ hết.
Tại Nhật Bản, tắm rừng trở thành một một phần của chương trình y tế công cộng quốc gia ở Nhật Bản vào năm 1982 khi Bộ Lâm nghiệp nước này cho ra đời cụm từ shinrin-yoku, một thuật ngữ chỉ việc “đắm mình vào không gian rừng” hay “tắm rừng”.
Liệu pháp tắm rừng kỳ thực rất đơn giản nhưng ẩn chứa nội hàm thâm sâu: chỉ cần ở giữa những hàng cây. Không cần đi bộ đường dài, cũng không cần tính bước đi. Bạn có thể ngồi hoặc đi dạo, vì điều quan trọng nhất là đắm mình vào thiên nhiên, chứ không phải hoàn thành bất cứ một mục tiêu nào cả.
Tắm rừng giúp tăng cường miễn dịch, chống ung thư
Hầu hết các bằng chứng chúng ta biết đều đến từ Nhật Bản, nơi mọi người coi đi bộ giữa rừng cây là biện pháp điều trị chính thống. Năm 2012, các trường đại học Nhật Bản đã thành lập một khoa nghiên cứu y học mới có tên là Forest Medicine (Y học rừng). Nguồn gốc của nhánh y học này đến từ truyền thống xa xưa của người Nhật, truyền thống “tắm rừng”.
Các nghiên cứu cho thấy không khí trong rừng làm tăng các protein ngăn ngừa ung thư, hoặc chống lại khối u nếu bạn bị ung thư. Hoạt động chống ung thư vẫn tiếp diễn nhiều ngày sau khi bạn rời khỏi rừng cây xanh.
Nếu bạn dành cả ngày trong rừng, bạn sẽ có thêm 40% tế bào diệt tự nhiên trong máu – Clemens Arvay
Những tế bào diệt tự nhiên phản ứng nhanh chóng với các tế bào nhiễm virus và việc hình thành khối u, giúp tăng cường hệ miễn dịch và khả năng phòng chống ung thư
Đó là nhờ các loại tinh dầu khác nhau, thường được gọi là phytoncide, được tìm thấy trong gỗ, thực vật, và một số trái cây và rau quả, được cây tiết ra để tự bảo vệ mình khỏi vi trùng. và côn trùng. Không khí trong rừng không chỉ đem lại cảm giác trong lành hơn, mà thực tế còn chứa hoạt chất phytoncide có khả năng tăng cường chức năng hệ miễn dịch.
Năm 2012, các trường đại học Nhật Bản thành lập một khoa nghiên cứu y học mới gọi là Y học Rừng
Hệ miễn dịch là đội đặc nhiệm bảo đảm an ninh cho cơ thể, khi hệ miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động trơn tru sẽ làm tăng cường khả năng phòng ngừa và chống bệnh tật của cơ thể.
Anh Michael Bischoff tin rằng tiếp xúc với tự nhiên đã giúp cải thiện bệnh tình của anh. Bischoff đã thực hành tắm rừng trong khu rừng dọc sông Mississippi. Anh hình thành thói quen kể từ khi các bác sỹ đã làm hết mọi thứ họ có thể để chữa căn bệnh ung thư não tiến triển nhanh chóng.
“Tôi đã trải qua mọi biện pháp điều trị thông thường: hóa trị, xạ trị, thử nghiệm lâm sàng và qua ba lần phẫu thuật” Bischoff cho biết. “Nhưng sau khi tuân theo các biện pháp điều trị, các bác sỹ nói với tôi rằng tiên lượng vẫn không tốt. Hầu hết mọi người đều mất không lâu sau khi phát hiện bệnh như tôi, nhưng họ không thể làm được gì”.
Sau đó Bischoff biết về liệu pháp tắm rừng thông qua một website Caring Bridge. Khuyến cáo cho rằng anh nên tắm rừng một lần mỗi tuần, nhưng Bischoff quyết định rằng bệnh tình nghiêm trọng của anh cần tần suất tắm thường xuyên hơn: tắm rừng hàng ngày.
Kể từ đó, anh thấy mình bớt đau đầu, bớt lo âu, sợ cái chết, cảm thấy ngày càng thư thái và tin tưởng mình có thể lành bệnh. Tắm rừng cũng thay đổi cái nhìn của anh. Từ chỗ chăm chăm vào cơ thể và sự sống còn, đến coi bản thân là một phần của môi trường tự nhiên bao la.
Tắm rừng giúp tâm hồn thư thái
Theo những cuộc thử nghiệm khác của Trung tâm Môi trường, Sức khỏe và Khoa học thực địa thuộc đại học Chiba Nhật Bản, thì môi trường rừng dẫn đến nồng độ cortisol (chất sinh ra khi bị stress) thấp hơn, làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, hoạt động của thần kinh giao cảm và đối giao cảm tốt hơn so với môi trường thành thị.
Nói một cách khác, được đắm mình trong thiên nhiên khiến các đối tượng nghiên cứu ít bị kích động hơn về mặt sinh lý. Họ cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn và khó bị căng thẳng hơn sau khi tắm rừng.
Một nghiên cứu về ảnh hưởng của tắm rừng cho thấy những người tham gia nghiên cứu giảm đáng kể giảm hành vi thù địch và sự trầm cảm, và tăng sự năng nổ, hoạt bát sau khi được tiếp xúc với cây cối.
Trên thực tế, nhiều học sinh có thành tích học tập kém không phải vì trẻ không thông minh, mà phần nhiều vì những nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ. Nhưng môi trường tự nhiên sẽ giúp trẻ có được sự điềm tĩnh. Các chuyên gia đã gợi ý “một liều lượng thiên nhiên” nhất định như một phần trong việc điều trị các rối loạn tập trung của trẻ em.
Thiên nhiên cũng giúp bạn có một trí tuệ sắc bén hơn, theo giáo sư tâm lý học môi trường Rachel và Steven Kaplan. Hai ông đã chỉ ra rằng sự tiếp xúc với tự nhiên giúp phục hồi khả năng chú ý, tập trung cần thiết cho học tập và làm việc.
Bí quyết của liệu pháp tắm rừng
Tắm rừng không chỉ đem đến không khí trong lành, đem đến những hợp chất giúp tăng cường miễn dịch. Liệu pháp còn mang theo âm hưởng từ trí tuệ sâu sắc của cổ nhân. Bạn thử để ý một chút, liệu pháp có tên gọi “tắm rừng” mà không phải là “ngắm rừng”. Trọng tâm của liệu pháp tắm rừng chính là một dạng thiền, chú trọng đến tâm thái.
Ngắm rừng, thưởng ngoạn cũng là một cách để xả bỏ căng thẳng, nhưng đơn thuần là thông qua sự thỏa mãn về mặt thị giác. Tiến xa hơn, tắm rừng yêu cầu toàn bộ các giác quan, toàn bộ mọi suy nghĩ đều đắm mình trong bản tính của thiên nhiên chân thật, vô tư.
Bạn thử nghĩ xem, bản tính thiên nhiên vốn chân thật, vô tư, trái ngược với những tranh đấu, ân oán tình thù trong thế gian. Chỉ có buông bỏ mọi toan tính, tranh giành, mong cầu trong xã hội, bạn mới thật sự đắm chìm vào thiên nhiên thuần tịnh, bất giác thấy mình hòa làm một với bản tính của tự nhiên, cảm nhận được sự tĩnh lặng và thanh tịnh trong tâm hồn.
Những căng thẳng, lo toan sẽ dần nhạt nhòa, thay vào đó là ánh nắng chan hòa không mưu tính , là tiếng chim hót tô điểm cho thế gian chẳng cầu báo đáp, là tiếng suối róc rách trong veo, là những chiếc lá đu đưa trong gió chẳng tranh giành, vạn sự vạn vật đều cùng tấu chung một nhịp điệu hòa ái, để tạo nên môi trường sống thật hoàn hảo cho nhau. Trái ngược với cuộc sống bon chen xô bổ ngoài kia, thiên nhiên thật chân thành, mãi ở đó khoe sắc, nâng đỡ con người mà chẳng mong cầu điều chi.
Đứng trước thiên nhiên, lớp vỏ bọc hình thành trong xã hội phút chốc tan rã, để bạn thấy được sự bình yên thật sự trong tâm hồn, thấy được bản ngã ngây thơ và chân thật. Bạn sẽ không còn phải gồng mình, không phải lẩn trốn trong chiếc vỏ bọc để chống đỡ với những mưu toan ngoài xã hội phức tạp.
Tắm rừng, thực chất là mượn không gian thiên nhiên để buông bỏ những tâm phiền não trong cuộc sống xô bồ, cuối cùng hòa mình trong bản tính của tự nhiên. Lão Tử cũng từng giảng: Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên. Đạo gia giảng “phản bổn quy chân” để được trường sinh, cũng có nghĩa là buông bỏ đi lớp vỏ bọc hình thành trong xã hội để quay trở về với bản tính tự nhiên, thuần chân.
Trong phép dưỡng sinh của y học cổ truyền, dưỡng tâm được đặt lên hàng đầu. Nếu bạn quả thực đắm mình trong thiên nhiên, tâm tự nhiên sẽ thanh tịnh, bách bệnh khó mà sinh ra được.
Đại Hải