Nghe vậy mà không chỉ là vậy, trong y học cổ truyền người ta thường gặp các danh từ như tạng Tâm, tạng Can, tạng Tỳ, tạng Phế, tạng Thận… khi dịch ra ngoại ngữ, thậm chí khi chuyển sang Tây y thì nội hàm đã thay đổi, dẫn đến cách khám và điều trị hoàn toàn khác nhau và xuất hiện hiện tượng trị gốc và trị ngọn.
Một bệnh nhân đến gặp bác sỹ Đông y khám bệnh, sau khi xem mạch xong:
Thầy: Bác có vấn đề về Thận rồi,
Bệnh nhân: Tôi vừa đi xét nghiệm xong, Thận tôi không bị gì cả.
Thầy hỏi tiếp: Đêm bác có đi tiểu không?
Bệnh nhân: ờ, ờ… 5, 6 lần gì đó.
Sau đó thầy gửi 3 thang thuốc thận, bệnh nhân đem về nhà uống. Một tuần sau bệnh nhân gặp thầy thuốc: Thầy cho tôi 3 thang nữa, tôi đỡ tiểu đêm rồi.
Vấn đề này tại sao xuất hiện? Hãy xem cách tiếp cận: Tây y dùng danh từ Thận để chỉ cho cơ quan của Thận, vì thế khi Thận biểu hiện ra trên lâm sàng: Có đầy đủ các chỉ tiêu xét nghiệm thì mới kết luận Thận có hay không có bệnh. Đông y ngược lại, không nhìn vào cơ quan mà nhìn vào công năng của tạng Thận.
Công năng này được biểu hiện trên mạch lý thông qua khí huyết. Mạch của thận ở bộ xích tay trái, xem độ phù trầm, nhanh chậm, mạnh yếu mà biết được tình trạng của khí huyết ở tạng Thận, khí huyết có tương thông? Khí hư hay huyết hư… mà đánh giá tình hình của tạng Thận. Từ đó sớm có kết luận tạng Thận bệnh hay không bệnh.
Đông y dùng danh từ Thận tượng là tượng trưng cho cả cái hệ thống phức tạp chi phối con người, ít nhất là về những mặt bài tiết, nội tiết, tính dục, chứ không hề chỉ đơn thuần là hai cơ quan hình hạt đậu nằm hai bên cột sống ngang tầm thắt lưng, tức là bao gồm cơ quan và công năng của Thận. Vì tượng ở đây ý chỉ là tương tự, mô phỏng – vậy nên Thận tượng chỉ là danh từ đặt ra để mô phỏng lại toàn bộ hệ thống của Thận (bao gồm hữu hình – cơ quan và vô hình – công năng, mà trong đó bao gồm sự tương quan giữa các tạng tượng như: Phế – Thận, Tâm – Thận, Can – Thận, Tỳ – Thận… )
Đông y quan niệm rằng các đường kinh đi ở phần ngoài cơ thể, vì vậy thuộc biểu (biểu chỉ phần ngoài của cơ thể), trong khi các tạng phủ vì ở bên trong nên thuộc lý. Dĩ nhiên nói biểu tức là đã nghĩ đến lý, bởi vì phải có lý thì mới có biểu: Nếu không có những tạng phủ ở bên trong, thì lấy gì để so sánh, để đi đến kết luận là kinh mạch ở phần ngoài? Nói cách khác, ngoài tức là xét tương đối đối với trong, biểu tức là xét tương đối đối với lý.
Nhưng trong cái biểu, cái ngoài, cũng có những phần rất ngoài, những phần ngoài vừa, những phần ngoài ít. Do đó, ta có những đường kinh rất biểu – biểu trung chi biểu: Biểu ở trong biểu – nghĩa là những đường kinh nằm rất cạn, rất ngoài. Có những đường kinh nằm sâu, nằm trong, tức là những đường kinh biểu trung chi lý: Lý ở trong biểu, tức là phần sâu ở trong phần cạn.
Lại có những đường kinh nằm lưng chừng hoặc nửa phần cạn nửa phần sâu: Bán biểu bán lý. Đối với âm dương cũng vậy, luôn luôn phải hiểu âm dương theo nhãn quan tương đối, tỷ giảo. Phía trước cơ thể chẳng hạn là âm nếu so với phía lưng, nhưng cùng ở phía trước, thì ngực là dương nếu đối với bụng. Đầu là dương nếu so với phần thân mình còn lại, nhưng chỉ trong phạm vi đầu thì trán ít dương hơn gáy. Phần dưới cơ thể đành là âm, nhưng mặt ngoài của hai chi thì ít âm hơn mặt trong v.v…
Cho nên, sử dụng 2 từ biểu lý, phân biệt một đường kinh là thuộc biểu, một đường kinh khác là thuộc lý, cũng chỉ là một cách diễn tả tư tưởng gượng ghép, khiên cưỡng: Bởi vì khi đã định cho sự vật một cái danh để chỉ vật ấy thì ta đã vô tình lìa xa cái chân diện mục của chính sự vật, tức là cái chân lý toàn diện của sự vật.
Bởi lẽ Lão Tử giảng: “Danh khả Danh phi thường danh”, vậy nên có thể nói: Dương khả dương phi thường dương, âm khả âm phi thường âm, hàn khả hàn phi thường hàn, biểu khả biểu phi thường biểu… Thế nên sở dĩ lại gọi đó là Đạo cũng chỉ là điều vạn bất đắc dĩ, cũng chỉ vì quán lệ ngôn ngữ mà đành gượng kêu thôi: “Ngô bất tri kỳ Danh, (cưỡng) tự chi viết Đạo”, ta không biết tên, gượng gọi đó là Đạo.
Vì vậy, những danh từ căn bản của Đông y là những danh từ không thể nào chuyển dịch được sang ngoại ngữ. Làm sao dịch nổi, khi những từ ấy được khai sinh trên triết lý “Thực vô danh, danh vô thực” (thực thì không có tên, có tên thì không phải thực thể nữa), theo đúng tinh thần của Dương Chu, một triết gia tiên phong của phái Hoàng Lão.
Cho nên giới nghiên cứu y học phương Đông của quốc tế chỉ còn một cách duy nhất là la tinh hóa những từ âm, dương biến chúng thành yin, yang. Cho nên những danh từ của Tây y liver, kidneys để chỉ các từ Can, Thận của y cổ truyền thì không thể miêu tả được thực thể của nó. Vì các tạng phủ của Đông y là những tạng tượng, mà ý niệm về tượng là ý niệm hết sức khúc triết, trùm phủ hầu như lên tất cả triết lý của Dịch: “Dịch giả tượng giả” (Dịch là tượng vậy).
Cao Sơn