Ngày nay phụ nữ bị da khô, thần sắc tối dường như khá phổ biến. Bạn có dùng mỹ phẩm thế nào cũng chỉ là che đậy qua loa, cái gốc rễ thiếu khí huyết không đào bỏ được, càng ngày càng nhanh lão hóa, và còn có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm khác.

Theo các chuyên gia, thiếu khí huyết bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đa phần là từ lối sống gấp gáp căng thẳng tích tụ lại.

1. Ăn uống thất thường, ăn thực phẩm lạnh

Nếu sáng sớm vội vàng thì sẽ nhịn ăn sáng hoặc ăn qua loa, có ăn cũng như vậy cũng gần bằng không. Buổi tối rảnh rỗi thì lại ăn quá nhiều. Điều này vô tình làm tổn thương dạ dày và rối loạn các cơ quan tiêu hóa, từ đó cơ thể hấp thụ thực phẩm khó khăn, dẫn đến thiếu máu.

Ngoài ra, ăn uống các món ăn lạnh thường xuyên sẽ làm cho các tạng phủ trong cơ thể dễ dàng bị nhiễm lạnh, từ đó ảnh hưởng đến công năng của tạng phủ mà gây ra nhiều bệnh.

Ăn uống đồ lạnh thường xuyên gây dương khí hao tổn. (Ảnh: Lylyapp.me)

2. Làm việc quá sức, suy nghĩ quá nhiều

Khi cơ thể phải chịu đựng sự căng thẳng trong thời gian dài sẽ dẫn đến mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, từ đó tổn thương đến khí huyết, cơ thể dần dần suy nhược, các mạch máu trên cơ thể vận hành khó khăn, chức năng nội tạng giảm, khả năng miễn dịch kém, khả năng đối phó với hoàn cảnh bên ngoài sa sút dần, các bệnh mãn tính bắt đầu xuất hiện.

Vì thế, để không làm tổn hại quá lớn đến sức khỏe, phụ nữ nên ý thức nhiều hơn đến việc điều chỉnh nhịp sinh hoạt hợp lý, có làm việc, có nghỉ ngơi.

Làm việc quá sức, suy nghĩ căng thẳng dễ dẫn đến cơ thể suy nhược. (Ảnh: Benh.edu.vn)

3. Thức khuya, mất ngủ, ngủ nướng

Chúng ta đều biết rằng thức khuya hay mất ngủ đều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Đầu tiên là tổn thương khí huyết, sau đó ảnh hưởng đến dung nhan.

Dù bận cỡ nào, từ 11h đêm đến 1h sáng bạn đều phải cho cơ thể ở trong trạng thái ngủ sâu. Đây là thời gian não, cơ quan nội tạng và toàn bộ cơ thể cần nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc, từ đó tái tạo và hồi sinh năng lượng mới.

Thức khuya càng nhiều, tỉ lệ người mắc bệnh thiếu máu càng cao, một loạt các bệnh xuất phát từ nguyên nhân khí huyết suy nhược sẽ bắt đầu tìm đến bạn.

Thức khuya khiến da bị lão hóa và suy giảm miễn dịch. (Ảnh: Bonrelist. com)

4. Lười vận động

Khi cơ thể hoạt động, khí huyết sẽ vận hành trơn tru. Còn người ngồi yên, khí huyết sẽ đình trệ.

Nếu người thường xuyên ngồi trong phòng điều hòa, môi trường thiếu khí sẽ dẫn đến các mạch máu bị cản trở, ứ đọng trong tử cung dẫn đến cơ thể lạnh và khí huyết ngưng trệ, gây ra đau bụng kinh.

5. Tâm trạng xấu, suy nghĩ tiêu cực, thái độ bi quan

Cảm xúc là yếu tố rất dễ bị mọi người coi nhẹ, thậm chí bỏ qua. Trên thực tế, nếu một người luôn luôn hờn dỗi, tức giận, mặt nặng mày nhẹ thì sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt khí huyết.

Tức giận khiến cho khí huyết hao tổn. (Ảnh: Thanhnien.vn)

Những dấu hiệu dễ nhận biết của chứng thiếu khí huyết

Cơ thể muốn vận hành được là nhờ thông qua máu để vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác nhau, nuôi dưỡng các cơ quan lục phủ, ngũ tạng. Phụ nữ khi đủ khí huyết có sắc mặt tươi tắn, làn da sáng mịn…

Ngược lại, nếu bị thiếu máu, thường có các dấu hiệu như: Tay chân lạnh, sắc mặt chuyển vàng hoặc trắng bệch, da khô, tàn nhang, mất ngủ, tóc khô rụng chẻ ngọn, tứ chi suy nhược, các cơ quan khác trong cơ thể dễ hình thành những bệnh lý nguy hiểm..

Về lâu dài, nếu không phát hiện và bổ sung khí huyết kịp thời, có thể ảnh hưởng cuộc sống, công việc hàng ngày. Thậm chí còn gây ra các căn bệnh nguy hiểm.

Giải pháp khắc phục và bổ sung khí huyết

Bổ sung các thực phẩm chứa sắt vào chế độ ăn giúp tăng cường khí huyết. (Ảnh: Cuocsongkhoedep.com)
  • Ăn uống điều độ, đúng giờ, chú ý ăn sáng đầy đủ, không ăn thực phẩm lạnh.
  • Không nên làm việc quá sức, suy nghĩ quá căng thẳng, áp lực.
  • Không nên thức khuya, không ngủ nướng.
  • Thường xuyên vận động, thể dục thể thao hàng ngày.
  • Duy trì tâm trạng vui vẻ, yêu đời, thái độ sống lạc quan, nhẹ nhàng, thoải mái.
  • Chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn thêm nhiều hơn các thực phẩm bổ máu như: Thịt nạc, cá, trứng, các loại sữa,gan động vật, rau dền, củ cải, khoai tây, củ cải đỏ, khoai môn, bí đỏ, bí đao, dưa hấu…

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng bài thuốc dân gian bổ khí huyết với Long nhãn và Tây dương sâm như sau.

Long nhãn có tác dụng bổ máu (Ảnh: En.VietmaPlus.vn)

Nguyên liệu: Thịt Long nhãn khô và Tây dương sâm (nghiền thành bột để dễ hấp thu) dùng tỉ lệ 10:1.

Tác dụng: Bài thuốc này có tác dụng bổ khí huyết. Những người thiếu máu, thiếu sức sống, đặc biệt là phụ nữ sau sinh, ăn xong sẽ cải thiện tình trạng bệnh đáng kể. Nhiều người sẽ tránh được bệnh mệt mỏi, thở gấp, đau đầu, mất ngủ, mộng mị, khí sắc kém.

Cách làm: Dùng 300 gram thịt nhãn, rửa qua với nước ấm, ngâm khoảng 5 – 10 phút, để làm cho thịt long nhãn mềm ra.

Khi thịt long nhãn nở mềm, có thể khuấy cho nhuyễn như bột làm bánh, khi tiếp xúc với hơi nóng có thể biến thành màu hơi đen.

Cho bột tây dương sâm vào bát long nhãn, trộn nhuyễn thành hỗn hợp sệt. Nếu muốn dễ ăn và điều vị thì nên thêm 1 chút đường trắng (hoặc khi uống tự thêm đường sau cũng được).

Để nguyên hỗn hợp trong bát, cho vào nồi hấp cách thủy ít nhất 10 tiếng. Hấp thành cao xong, có thể lấy ra cất vào tủ bảo quản ăn dần.

Cách uống: Mỗi ngày lấy một thìa nhỏ, hòa vào trong cốc nước rồi uống. Nên uống 2 lần, sáng và tối.

Lưu ý: Vị thuốc này quý, nhưng long nhãn thuộc tính nóng, ăn nhiều dễ gây bốc hỏa, không dùng cho người âm hư hỏa vượng.

Lan Oanh