Đại Kỷ Nguyên

‘Thiên tài điên’ xuất hiện trả lời về cặp song sinh chỉnh sửa gen ra đời ở Trung Quốc

Chiều ngày 28/11 ông Hạ Kiến Khuê đã có mặt trong Hội nghị thượng đỉnh Quốc tế về chỉnh sửa gen người lần thứ hai tại Hồng Kông và có bài phát biểu cũng như trả lời các câu hỏi của giới truyền thông. Sau cuộc họp, nhiều học giả tham gia hội nghị đã chỉ trích cách làm của ông.

Ông Hạ Kiến Khuê xuất hiện diễn thuyết và lảng tránh vấn đề nhạy cảm

Theo nguồn tin tức tổng hợp, trong bài phát biểu ông Hạ bày tỏ, tin tức về em bé được chỉnh sửa gen ra đời tại Trung Quốc là vì vô tình mới bị công bố. Nguyên nhân “do tính bảo mật của thử nghiệm không được đề cao nên dữ liệu mới bị rò rỉ”. Hiện tại, cặp vợ chồng sinh ra hai bé song sinh này đang ở trong tình trạng giám sát chặt chẽ. Ban đầu, tổng cộng có 7 cặp vợ chồng tham gia thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện tổng cộng 31 phôi và 70% đã chỉnh sửa gen.

Trong buổi thảo luận ông tiết lộ, ngoài cặp song sinh này còn có một phụ nữ đang mang thai có phôi thai đã được chỉnh sửa cũng tham gia. Nhưng đây là trường hợp “mang thai hóa học”, có nghĩa là phải bỏ thai sớm. Ông cũng tiết lộ, dựa trên tình hình hiện tại thử nghiệm lâm sàng này đã bị đình chỉ.

Khi được hỏi: “Chỉnh sửa gen của các tế bào không được sự đồng thuận của toàn thế giới bao gồm cộng đồng người Hoa trên trường quốc tế. Tôi giả sử ông đã biết đó là ranh giới đỏ tại sao vẫn lựa chọn việc vượt qua nó? Tại sao ông lại tiến hành các thử nghiệm lâm sàng này?”. Lúc đó, ông Hạ đã lảng tránh trả lời và nhìn ra chỗ khác. Theo Minh báo, nhiều học giả tham gia cuộc họp sau khi kết thúc đã chỉ trích cách làm của ông ta.

Robin Lovell-Badge, một thành viên trong ủy ban trù bị Hội nghị thượng định về chỉnh sửa gen người thế giới, tại hội nghị sau khi nghe ông Hạ trả lời phỏng vấn đã bày tỏ, ông Hạ Kiến Khuê không hề công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng, đã tự ý quyết định thực hiện nghiên cứu chuyên sâu hơn. Ông ta cũng chưa nhận được sự đồng ý và giúp bệnh nhân hiểu rõ tình hình đã tự thực hiện một cách độc lập, lại càng không tự đảm bảo tính hợp pháp của nghiên cứu. Robin Lovell-Badge mô tả, cách làm của ông ta chính là một bước lùi trong sự phát triển của công nghệ y học thế giới, không làm được việc tự chịu trách nhiệm của một nhà khoa học cần có.

Nguồn tài trợ cho dự án là từ Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, mục tiêu của dự án là để “sản xuất” (từ nguyên gốc trong thông báo) ra được em bé có thể miễn dịch với virus HIV (Ảnh: Adobe Stock)

Giáo sư Trương Phong đến từ viện Công nghệ Massachusetts bày tỏ, cho dù đạt được mục tiêu chính xác khi chỉnh sửa gen, và tránh được những khía cạnh ảnh hưởng đến gen khác, CRISPR-Cas9 vẫn đang trong giai đoạn cải thiện. Giáo sư cũng chỉ rõ, đây là thí nghiệm không nên được thực hiện, và chưa từng nghe nói có nhà khoa học nào thực hiện làm điều này. Thử nghiệm này về cơ bản không được xảy ra nếu nó được chấp thuận theo tiêu chuẩn đạo đức bình thường.

Thư đồng ý cho phép thực hiện dự án được đưa ra ánh sáng với các điều khoản khắc nghiệt

Khi trả lời câu hỏi, ông Hạ cũng tiết lộ nguồn tài trợ cho thử nghiệm. “Chi phí y tế của bệnh nhân là tiền riêng của tôi, các chi phí cho những xét nghiệm kiểm tra ban đầu là từ quỹ của trường đại học chi trả”.

Trong thư thông báo cho phép thực hiện dự án sửa đổi gen người của ông Hạ được chia sẻ trên trang mạng www.ngocn.net cũng cho thấy, nguồn tài trợ cho dự án là từ Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, mục tiêu của dự án là để “sản xuất” (từ nguyên gốc trong thông báo) ra được em bé có thể miễn dịch với virus HIV.

Về nguy cơ đối diện với tác dụng không mong muốn ngoài mục tiêu, trong thư đồng ý cũng nêu rõ, nhóm nghiên cứu không chịu trách nhiệm về rủi ro này, bởi vì hậu quả vượt quá khả năng của khoa học và công nghệ của y học hiện đại. Nhóm nghiên cứu không thể hoàn toàn loại trừ nguy cơ bé bị nhiễm virus HIV từ người mẹ khi thụ tinh nhân tạo, nguy cơ này các tình nguyện viên phải tự gánh chịu. Nếu người mẹ hoặc bé bị nhiễm AIDS, nhóm nghiên cứu sẽ không chịu trách nhiệm. Nếu bé sơ sinh bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, và các bệnh di truyền thông thường, nhóm dự án không chịu trách nhiệm.

Hạ Kiến Khuê được đồng nghiệp nhận xét là ‘thiên tài điên’. (Ảnh: epochtimes.com)

Trong quá trình nghiên cứu, nếu các tình nguyện viên bị thương tổn, mức tiền bồi thường nhiều nhất mà nhóm nghiên cứu chi trả là 50.000 NDT. Tuy nhiên, nếu người tham gia rút khỏi thử nghiệm giữa chừng, người đó sẽ phải chi trả khoản tiền phạt 100.000 NDT. Trước đây, ông Hạ bày tỏ, sẽ chịu trách nhiệm về em bé này.

Đồng nghiệp nhận định ông giống như ‘thiên tài điên’

Từ khi đi học, ông Hạ tỏ rõ niềm yêu thích với vật lý. Thời trung học, còn tự mình tạo ra một phòng thí nghiệm nhỏ ở nhà để theo đuổi đam mê này. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc khoa vật lý và du học ở Mỹ về, năm 2012, ông Hạ trở về Thâm Quyến và trở thành một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ phương Nam. Ba năm sau, ông thành lập 2 công ty xét nghiệm di truyền, đặt mục tiêu hàng đầu là nghiên cứu về trình tự gen phục vụ cho mục đích y tế.

Trong thời gian làm việc cùng Hạ, nhiều đồng nghiệp so sánh ông với nhà sáng lập Tesla Elon Musk. “Thông minh, điên rồ, sáng tạo là những từ tốt nhất để mô tả anh ấy”, một đồng nghiệp của ông nói.

Theo SCMP, ông từng liên kết với một nhóm các bệnh viện tư nhân nổi tiếng của Trung Quốc để cung cấp dịch vụ cho các bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và da liễu.

Một trong số này là Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thâm Quyến HarMoniCare, nơi Hạ khẳng định đã báo cáo về nghiên cứu chỉnh sửa gen của mình mặc dù bệnh viện này chối bỏ mọi liên quan.

Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version