Mẹ thiên nhiên vĩ đại chăm chút cho chúng ta từng ly từng tí một, ở đâu cũng sẵn có lương thực và thuốc men, có điều ai sẽ là người nhận ra điều đó. Thật vậy, ngay cả cây bèo tây tưởng như chỉ dùng vào nuôi heo và vài chút việc vặt thì cũng có thể dùng để làm thuốc.
Bèo tây còn gọi là bèo lục bình (cũng gọi là bèo Nhật Bản) có một sức sống thật ‘hoang dại’ vì người ta có thể tìm thấy nó ở khắp nơi trên thế giới, chỉ cần có nước và không bị lạnh là chúng có mặt. Tốc độ phát triển nhanh chóng của bèo tây khiến nhiều khi người ta lúng túng không biết xử lý ra sao, đành khép vào diện… thực vật nguy hại. Thực ra cây bèo tây có nhiều công dụng, gồm cả khả năng trị bệnh cho người nữa.
Theo kết quả nghiên cứu của El-Shemy và cộng sự (Đại học Cairo, Ai Cập), chiết xuất từ cây lục bình (Eichhornia crassipes) có tính kháng khuẩn, có thể kìm hãm sự phát triển của các khuẩn Gram (–) và (+). Một số phân đoạn của chiết xuất cũng có hoạt tính kháng nấm Candida albicans. Ngoài ra, các tác giả cũng thấy chiết xuất có tác dụng chống oxi hóa, chống lại một số tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư vú. Phân tích sơ bộ chiết xuất lục bình đã tìm ra một số hoạt chất thuộc nhóm alkaloid, dẫn xuất của phthalate, propanoid và phenyl. Kết quả này mở ra triển vọng nghiên cứu sâu thêm cho các ứng dụng dược lý từ bèo lục bình.
Bèo tây … cây thuốc dân gian
Tại Việt Nam, một số kinh nghiệm dân gian về việc sử dụng lục bình cũng đã được ghi chép lại. Có thể lấy lá bèo tươi rửa sạch rồi đem giã với muối để đắp lên các loại ung nhọt, khi khô sẽ thay phần khác, làm như vậy nhiều lần sẽ thấy giảm đau và hết sưng tấy. Nếu đã mưng mủ thì sẽ chóng vỡ mủ và chóng khỏi. Để chữa hạch cổ tràng nhạc người ta dùng thân lá bèo phơi khô sao thơm rồi phối hợp với vài vị thuốc khác. Khi bị ho đờm hay ho gió người ta có thể chưng một nắm hoa bèo lục bình với đường phèn để uống.
Bèo lục bình chứa nhiều chất dinh dưỡng nên từ lâu đã được dùng làm thức ăn cho người và cho gia súc, gia cầm. Một số nơi, bà con nông dân có tập quán ăn ngó bèo lục bình, đọt non và cuống lá được dùng để nấu canh với tép, cá lóc, tôm khô…
Bên cạnh đó, người ta dùng bèo lục bình để sản xuất các loại phân hữu cơ, lọc nước, làm đồ thủ công mỹ nghệ, nhiên liệu để sản xuất điện biogas… 100% có ích cho cuộc sống.
Bi tình sử mang tên… Lục Bình
Cái tên Lục Bình được cho rằng có nguồn gốc từ một câu chuyện tình giữa chàng Lục Xương và nàng Thy Bình…
Ngày xưa, xứ Bình Dương nổi tiếng vì có nhiều cây ăn trái quả ngon trái ngọt nặng trĩu quanh năm. Với lại trai tráng gần xa thường thích những cô gái Bình Dương vì họ – con gái Bình Dương được trời phú cho dáng dấp đẹp đẽ mê hồn, phủ lên vai là mái tóc dài óng mượt quanh năm thơm ngát.
Xóm Hạnh Dương có cô gái tuổi tròn 14, duyên dáng tên là Thy Bình. Nàng vốn con nhà trâm anh thế phiệt, cha nàng từng làm quan Lễ bộ trong triều. Về già, ông lấy việc ruộng vườn cây trái làm chính và mau chóng trở thành ông chủ toàn các vườn cây trái trong tỉnh.
Lục Xương vốn là chàng trai 16 tuổi, cha làm nghề lái thuyền cập bến Hạnh Dương mua trái cây của quan Lễ bộ để đem về các tỉnh xa bán. Nhiều lần nhìn thấy cô gái con quan Lễ chàng đã rơi vào chữ tình lúc nào chẳng hay.
Tình dâng lên như sóng, một hôm nhân lúc quan Lễ và mọi người không để ý, chàng đánh liều chạy đến chỗ Thy Bình và… bày tỏ lòng mình.
Vốn cũng đã nhiều lần thấy sự siêng năng chịu khó với lại thấy chàng trai cũng có vẻ hiền lành, nàng cũng không lấy làm giận vì sự đường đột, cả gan mà chỉ ngạc nhiên và cười như nắc nẻ:
– Vậy ư? Chỉ khi nào anh giàu có thì tôi mới chịu lấy anh.
Thy Bình cười nụ cười hàm tiếu trong như ngọc và lui bước vào trong nhà.
Và bẵng đi từ dạo ấy không thấy Lục Xương theo cha tới Hạnh Dương cất trái cây về nữa.
Thắm thoát đã hơn một năm, một hôm trên chiếc thuyền của người buôn trái cây người ta lại thấy chàng trai Lục Xương ngày nào, trên vai anh là một cái bao to.
Cũng cách thức như thế, Lục Xương tìm cách đền chỗ Thy Bình.
Chàng mở chiếc bao cho Thy Bình thấy trong bao là vô số ngọc trai quý giá, chàng kể là chàng đã đựơc một người Tàu chỉ cho bí quyết làm ngọc trai và chàng cũng đã là một thương gia buôn bán ngọc trai giàu có và nhắc lại lời hứa năm nào.
Thy Bình thoáng chốc ngạc nhiên vì Lục Xương nhưng lại thoái thác:
– Thế anh có biết chữ không, chỉ khi nào anh đỗ làm quan thì tôi mới chịu lấy anh.
Thế rồi với vẫn nụ cười hàm tiếu trong như ngọc ấy nàng lui vào trong nhà để lại Lục Xương vẻ bần thần u buồn lộ rõ trên mặt.
Thời gian lại thấm thoát trôi qua, mới đây mà đã gần hai năm nữa.
Sáng mùa thu năm ấy, có một chiếc thuyền quan cập bến Hạnh Dương. Hai tên lính trình giấy cho người nhà quan Lễ, xin cho Tân trạng nguyên Lục Xương được đặc cách gặp tiểu thư Thy Bình. Quan Lễ rất lấy làm ngạc nhiên vì ngài không biết chuyện riêng của hai người nhưng cũng vẫn đồng ý để Tân trạng nguyên gặp mặt Thy Bình.
Lục Xương nhắc lại lời hứa.
Tiểu thư Thy Bình bối rối vì không ngờ cơ sự lại xảy ra như vậy, nhưng trong thâm tâm của nàng có gì đó không vừa ý.
Nàng cất lời:
– Xin Tân trạng nguyên thứ lỗi, vì dẫu sao thì Tân trạng nguyên cũng xuất thân bần hàn nên…
Lục Xương nghe đến đó thấy đất trời dường như đổ sập, bao nỗ lực của chàng…… chàng lảo đảo đứng không vững và phải nhờ hai anh lính hầu vực đỡ. Thế là chàng buồn bã cáo tạ Thy Bình và xin phép về thuyền.
Thy Bình vẫn đứng đó, nàng cũng không hiểu vì sao nàng lại làm thế với Lục Xương, nhìn theo hướng con thuyền của Lục Xương đang dần xa bến Hạnh Dương.
Bất thình lình, nàng nhìn thấy Lục Xương từ trên thuyền đã nhảy xuống sông tự tử…trong sóng nước cuồn cuộn.
Và dường như lúc này, nàng đã cảm thấy yêu Lục Xương thực sự, sức mạnh con tim khiến nàng la lớn: “Lục lang, chờ thiếp với” và nàng cũng nhảy xuống dưới dòng nuớc xiết mong được tới cùng Lục Xương…
Quan Lễ và quân lính mọi nguời cố gắng tìm vớt xác của hai người nhưng vì sông cuộn nước xiết nên người ta chỉ vớt được xác của Lục Xương và mang thi hài chàng lên thuyền về chôn nơi quê hương bản xứ.
Và sau đó trên khúc sông Hạnh Dương người ta thấy xuất hiện một thứ bèo lạ, lá to, cứ tìm cách bám theo áp sát những con thuyền đi ngang qua. Người ta nói đó là hồn của tiểu thư Thy Bình tìm đến Lục Xương.
Và người Hạnh Dương gọi thứ bèo đó là Lục Bình để nhắc về một bi tình sử.
Đình Vũ (st)
Xem thêm: