Vừa đi chơi về, thấy chai nước lọc để trên bàn, em L. 16 tuổi lấy uống thì thấy nóng ran từ cổ xuống bụng. Gia đình đã đình đã đưa em đi bệnh viện nhưng hậu quả để lại vẫn thật đáng tiếc.
Đó là chuyện đã xảy ra với D.K.L (ngụ tại Bạc Liêu). Khi người mẹ chạy vào mới biết con trai đã uống nhầm chai đựng hóa chất (chất xúc tác làm composite chuyên dùng cho tàu ghe), vội đưa tới bệnh viện gần nhà.
Cậu thiếu niên được chuyển tiếp tới bệnh viện đa khoa Cà Mau. Các bác sĩ đã rửa ruột, rửa dạ dày. 9 ngày sau, bệnh nhân được cho xuất viện.
Từ khi về nhà, em không ăn uống được, mỗi khi ăn thứ gì vào đều ói ra hết. Gia đình đưa cậu đi khám nhiều nơi nhưng tình trạng không cải thiện. Trong 6 tháng, cân nặng của L. sụt 12 kg.
Lúc tới bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thăm khám, cậu bé bị suy nhược, cân nặng chỉ còn 28 kg.
Khi mổ để đặt ống truyền dưỡng chất, bác sĩ phát hiện toàn bộ dạ dày của bệnh nhân đã teo nhỏ, xơ cứng. Thực quản và ruột nối với dạ dày bị bịt kín khiến thức ăn không thể lọt qua.
Bệnh nhân sau đó được tạo hình dạ dày từ ruột non và dần dần tự uống được sữa, ăn được cháo loãng, thể trạng ngày một tốt hơn.
Theo BS Đào Trung Hiếu, Phó GĐ bệnh viện Nhi đồng 1, uống nhầm hóa chất thường gặp ở trẻ nhỏ, tất nhiên sự việc xảy ra với thiếu niên 16 tuổi như thế này rất hiếm gặp.
BS Hiếu cảnh báo các bậc phụ huynh nên để các loại hóa chất trong chai có nhãn mác, tránh xa tầm với của trẻ và tuyệt đối không để lẫn với đồ uống khác trong nhà.
Cách đây không lâu, bé trai 17 tháng tuổi ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai cũng rơi vào tình trạng nguy kịch, suy gan, thận do uống phải xăng để trong chai nước giải khát ở góc sân nhà.
Cách xử lý khi trẻ uống nhầm hóa chất
Uống nhầm hóa chất là một dạng tai nạn khá phổ biến ở trẻ em và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thường là tùy vào loại chất mà các cháu bé uống lầm.
Nếu tình huống đó xảy ra, người lớn nên nhanh chóng quan sát thứ các em uống nhầm là chất gì. Thông tin này rất quan trọng trong việc xử lý ban đầu cũng như nên được cung cấp cho bác sĩ khi bé nhập viện.
Nếu chất uống nhầm là hóa chất không bay hơi, khi phát hiện cháu sặc, hãy giúp cháu nôn ra. Đơn giản nhất là dùng một miếng vải nhỏ bọc đầu ngón tay, đặt nhẹ vào nửa bên trong của lưỡi, sẽ kích thích cho bé nôn.
Sau khi nôn ra, hãy nhanh chóng đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Tuy nhiên, nếu bé uống phải chất bay hơi, ví dụ như nước rửa sơn móng tay của mẹ, xăng dầu… thì việc nôn ra có thể khiến hơi của hóa chất tác động xấu đến bé hơn. Tình huống này thì phụ huynh phải đưa bé vào viện cấp cứu gấp, không nên mất thời gian tìm cách xử lý vì vào viện mới có đủ những phương tiện cần thiết để giúp bé.
Các biện pháp như uống nhiều nước, nước chanh thường là vô thưởng vô phạt, nhưng tốt nhất là không nên áp dụng. Bé đang sặc, và có thể đau đớn do miệng, họng bị tổn thương, bắt uống này nọ có khi còn làm xấu đi tình hình.
Trường hợp các bé uống phải chất đựng trong các chai nhựa có màu, ví dụ như chai trà, nước ngọt… là rất phổ biến. Vì thế, tuyệt đối không nên bỏ hóa chất trong những chai này mà cần cất giữ ở xa tầm tay trẻ em.
Minh Thành