Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm mốc phát triển, lây nhiễm trong không khí. Trẻ em sức đề kháng yếu là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Dưới đây là 7 bệnh nguy hiểm trẻ dễ mắc trong tiết trời nồm ẩm, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
1. Cảm cúm
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Một số bệnh cúm thường gặp trong tiết trời nồm ẩm như cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B…
2. Sốt virus
Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất đặc biệt khi trời nồm ẩm. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ bị sốt virus, bạn nên cho trẻ nghỉ học, cách ly. Bên cạnh đó, gia đình nên có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh bệnh kéo dài.
3. Viêm phế quản
Viêm phế quản ở trẻ em là một bệnh khá phổ biến, đặc biệt là khi thay đổi thời tiết. Trẻ bị viêm phế quản thường có dấu hiệu đường thở dưới hay cuống phổi bị viêm nhiễm, sưng đau.
Viêm phế quản khiến cho trẻ ho nhiều, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới phổi.
4. Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh lây nhiễm do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm nhưng dễ bùng phát vào thời điểm giao mùa nhất là mùa mưa, thời tiết ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển.
Trẻ có biểu hiện như sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi ban hồng và sau đó chuyển dần thành bọng nước, xuất hiện ở cơ thể, đầu, mặt, tay, chân, miệng… Khi trẻ bị thủy đậu, các bậc cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế khám để có chỉ định điều trị phù hợp.
5. Bệnh sởi
Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…
Tuy lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp tử vong.
6. Bệnh tiêu chảy cấp
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virus Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng.
Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và có thể dẫn tới tử vong.
7. Mẩn ngứa do côn trùng đốt
Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện cho ve, bọ chó, kiến ba khoang… sinh sôi, phát triển, tấn công trẻ nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo, vết cắn hoặc đốt côn trùng có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, bởi hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn non yếu. Nếu để trẻ gãi, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, khiến vi khuẩn càng dễ dàng tấn công.
Nọc côn trùng có thể gây nhiều triệu chứng toàn thân như sốt, lạnh, nôn, ban da, ngứa, vàng da, co cứng cơ hay cứng cả vùng nhiễm khuẩn. Khi thấy trẻ bị đốt sưng đỏ, ngứa rát, gia đình nên kiểm tra và đưa đi khám tránh da liễu.
Lưu ý:
– Không cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với người bị bệnh.
– Rửa tay thường xuyên, làm sạch da sau khi đi ngoài đường, ở nơi đông người, nhiều khói bụi về nên rửa mặt sạch sẽ.
– Đảm bảo vệ sinh môi trường sống luôn sạch sẽ, khô thoáng… Để tránh ẩm ướt trong nhà cần hạn chế mở cửa nhiều trong thời gian này, sử dụng điều hoà, máy hút ẩm…
– Giữ cho chăn gối và khăn mặt luôn sạch sẽ: Chăn gối, khăn mặt cũng sẽ dễ dàng trở thành ổ vi khuẩn nếu bạn không thường xuyên thay giặt và giữ khô thoáng trong tiết trời nồm ẩm. Vì vậy, mọi người nên thay chăn ga gối thường xuyên cũng như chuẩn bị 2-3 chiếc khăn mặt bông mềm.
– Không mặc quần áo ẩm: Vào thời gian nồm ẩm, các bạn nên sử dụng bàn là, máy sấy để đảm bảo quần áo được khô hoàn toàn trước khi mặc. Lựa chọn đồ mặc thoáng mát để làm da không bị “bí bách”.
– Nếu gia đình có vật nuôi, cần đảm bảo chúng được tiêm phòng. Giữ trẻ em tránh xa chất thải của động vật, bởi đây cũng là nguồn lây bệnh cho con người.
– Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ.
Hoài Phương