Đại diện Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho biết, chưa một sản phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc trong chốc lát. Ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào có công dụng thần kỳ như vậy.
Khi Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt là các tài xế. Vì vậy, nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, men, kẹo xuất hiện rầm rộ trên thị trường và được quảng cáo khử nồng độ cồn về 0, giải rượu, giúp tài xế yên tâm khi tham gia giao thông.
Theo Zing, tài khoản Facebook T.V. đã liên tục phát trực tiếp, giao bán sản phẩm men chống say rượu, khử nồng độ cồn. Theo người bán, sử dụng một gói men này có thể chống say cho loại rượu lên tới 45 độ, tửu lượng tăng gấp 4 lần.
“Men này từ enzym tự nhiên, lên men hữu cơ, thành phần gồm bột ngô, khoai, sắn,… Bạn chỉ cần sử dụng trước khi uống rượu 15-20 phút sẽ phát huy tác dụng. Sau cuộc nhậu, bạn nghỉ ngơi 15 phút, khi tham gia giao thông sẽ không còn nồng độ cồn trong cơ thể. Nếu còn nồng độ cồn, chúng tôi sẵn sàng hoàn tiền”, người phụ nữ này khẳng định.
Qua quan sát, loại men này chỉ được đóng gói trong những túi nylon màu bạc, không có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Giá bán của chúng là 400.000 đồng/10 gói.
Một sản phẩm khác cũng được giao bán nhiều trên mạng xã hội là kẹo H.R.Q, có tác dụng giúp người uống lâu say và giải rượu nhanh. Theo miêu tả, viên kẹo này có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Kẹo dạng viên nhai mềm, có thành phần chính là Curcumin 30 mg (tinh chất bột nghệ), giúp “tẩy” nhanh lượng cồn trong máu, từ đó giúp uống lâu say hơn, giải rượu nhanh chóng.
Người bán hướng dẫn chỉ cần ăn một gói (gồm 3 viên kẹo) trước khi uống 15 phút để tăng tửu lượng và một gói sau ăn để giải rượu. Giá bán kẹo này 60.000-100.000 đồng/gói.
Theo Infonet, Bộ Y tế khẳng định chưa có thuốc nào giải rượu được lưu hành ở Việt Nam.
Đại diện diện Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo: Tại Việt Nam chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay “thổi bay nồng độ cồn” như vậy. Theo Cục Quản lý dược, ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Hiện nay có một số loại thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hóa, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khỏe.
Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP. HCM các thuốc giải rượu đều không thể giải được rượu bia như quảng cáo. PGS Đức cho rằng người dân nên cảnh giác và tốt nhất để không vi phạm Luật phòng chống tác hại bia rượu thì không nên uống rượu bia và nếu uống thì không nên lái xe tham gia giao thông.
PGS Đức cho biết một vài loại thực phẩm chức năng quảng cáo giải bia, giải rượu thực ra nó chỉ là loại thực phẩm chức năng chứ một số vitamin như vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic… để hỗ trợ cho người uống cảm giác khỏe hơn chứ không phải là thuốc giải rượu.
Hơn thế, nếu sử dụng loại thuốc này còn không rõ thành phần có thể làm hại gan hơn. PGS Đức từng gặp bệnh nhân sau khi uống bia rượu về, uống hai viên giải rượu và kết quả hôn mê chức năng gan luôn vì gan quá tải khi uống rượu còn cố gánh thêm thuốc giải này.
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1-1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng. Với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ôtô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Video xem thêm: Bị kiểm tra nồng độ cồn, côn đồ dọa lấy súng bắn CSGT