Đại Kỷ Nguyên

Thực phẩm chức năng: Nhiều quan niệm sai lầm và nguy hại tiềm ẩn hơn là bạn nghĩ

Thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng, từ nhẹ như mẩn ngứa đến sốc phản vệ, tử vong. Những hàng xách tay không rõ nguồn gốc lại càng chứa nhiều nguy cơ hơn nữa. 

Bạn đã hiểu đúng về thực phẩm chức năng?

Thực phẩm chức năng (TPCN) là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm đã được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản.

Các TPCN được bày bán với bao bì chai lọ giống chai lọ đựng thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng không được xem là thuốc. Trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.

Lấy ví dụ sản phẩm là vitamin và chất khoáng, nếu nhà sản xuất đăng ký là thuốc thì sản phẩm đó là thuốc phải bán trong nhà thuốc. Nhưng nếu đăng ký là TPCN thì chế phẩm vitamin và chất khoáng được đăng ký như một thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có thể bày bán không chỉ ở nhà thuốc (phải để ở nơi biệt lập tách rời khu vực dược phẩm) mà ở các siêu thị. Mặc dù là TPCN, phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn.

TPCN được bào chế dưới dạng viên nén, viên nhộng

Còn dược thảo, đa số là các vị thuốc Đông y, là loại nằm trong các sản phẩm gọi là dược liệu và dược liệu nói chung là các nguyên liệu dùng làm thuốc chủ yếu là cây cỏ (dược thảo) nhưng có thể là động vật (như tắc kè, hải mã…) hoặc khoáng chất (hàn the, hoạt thạch…). Nếu chế phẩm bào chế từ dược liệu đăng ký là thuốc thì đó được xem là thuốc, nhưng đăng ký là TPCN thì đó không phải là thuốc mà là TPCN. Trong nhiều trường hợp, TPCN là trung gian giữa thực phẩm và thuốc. Vì vậy, nếu thuốc nói chung có thể gây dị ứng thì TPCN cũng có thể gây tác dụng hết sức bất lợi này.

Nguy hiểm như dùng thuốc

Bản thân các dược thảo, chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm có trong TPCN không gây dị ứng nhưng các tá dược hay chất bảo quản có trong TPCN (nên lưu ý bất cứ TPCN nào cũng đều chứa tá dược và chất bảo quản) đều có nguy cơ gây dị ứng, thậm chí gây dị ứng rất nặng. Do đó, cũng giống như thuốc, TPCN cũng gây dị ứng và trong trường hợp này cũng có thể gọi là “dị ứng thuốc”. Vì sao thuốc và TPCN gây dị ứng?

Khi sử dụng thuốc bằng cách đưa thuốc hay TPCN (thậm chí là một số thức ăn kiểu như tôm, cua…) vào trong cơ thể, thuốc được xem là “chất lạ”. Phản ứng tự nhiên của cơ thể ta là chống lại chất lạ đó bằng những phản ứng gọi là phản ứng kháng nguyên – kháng thể. Kháng nguyên chính là “chất lạ” còn kháng thể là các chất do bạch cầu sinh ra có tên immunoglobulin (Ig) với nhiều loại IgM, IgG, IgA, IgE… sẽ gắn vào kháng nguyên để vô hiệu hóa. Đối với một số người gọi là nhạy cảm dễ bị dị ứng, phản ứng kháng nguyên – kháng thể xảy ra mãnh liệt đưa đến rối loạn gọi là dị ứng.

Dị ứng thuốc hay dị ứng TPCN chính là phản ứng khác thường của cơ thể khi tiếp tục lần thứ hai hay những lần sau với một thuốc hay TPCN mà thành phần của thuốc hay chế phẩm có tính chất gọi là “gây dị ứng” (tính chất gây dị ứng trong chuyên môn gọi là dị nguyên).

Một số đặc điểm của dị ứng thuốc, dị ứng TPCN

Nguy cơ tiền mất tật mang khi dùng TPCN

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, giám đốc Trung tâm Dị ứng – miễn dịch lâm sàng, mô hình thuốc gây dị ứng đang có những thay đổi tương ứng với sự thay đổi nhu cầu dùng thuốc trong cộng đồng.

Trước đây, dị ứng xảy ra chủ yếu ở nhóm thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Hơn một năm trở lại đây, dị ứng gặp nhiều ở bệnh nhân dùng thuốc chữa bệnh gút, các sản phẩm bổ máu và đặc biệt là TPCN. Nhiều người nghĩ thực phẩm chức năng an toàn vì được chiết xuất từ thảo mộc, nhưng con số thống kê tại trung tâm lại cho thấy bệnh nhân ngộ độc thuốc đang tăng rõ ở người dùng TPCN. Có thời gian chỉ trong 2 tháng, trung tâm tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân bị dị ứng nặng do dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Bệnh nhân Đậu Thị T. (67 tuổi, Nghệ An) nhập viện với biểu hiện của hội chứng Steven Johnson điển hình: hai mắt dính lại không mở được, loét da nhiều vị trí, xuất hiện những bọng nước khổng lồ trên cơ thể. Theo lời kể của con gái bà T., bà bị tiểu đường nhiều năm, gần đây lại hay đau nhức các đầu ngón tay nên được bác sĩ kê toa thuốc trị bệnh kèm theo một loại thực phẩm chức năng có giá 400.000 đồng/ hộp, không hề có hướng dẫn hay vỏ hộp đi kèm. Chỉ sau khi uống thuốc ba ngày, bà T. đã cảm giác bứt rứt, khó chịu. Sang ngày thứ năm, mắt bà đỏ ngầu rồi khép chặt dần lại, không mở ra được, khuôn mặt biến dạng, miệng phồng rộp và lịm đi không hay biết gì.

Chị Trần Mai A. (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống hai năm nay. Dù được bác sĩ giải thích đây là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi, song điều trị sớm, đúng hướng, tuân thủ chặt chỉ định thuốc của bác sĩ thì có thể “chung sống hòa bình” với bệnh, nhưng chị A. vẫn cố công tìm cách chữa khỏi bệnh. Do đó, khi nghe quảng cáo về loại thực phẩm chức năng chữa được các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, chị A. vội mua về dùng ngay thay cho đơn thuốc hằng ngày.

Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày sử dụng trên người chị bắt đầu xuất hiện các đám ban đỏ rực, bong tróc da và ngứa ngáy toàn thân. Khi đã ngưng dùng thực phẩm chức năng, các đám ban đỏ vẫn tiếp tục xuất hiện dày thêm trên các vùng khác của cơ thể. Kết quả xét nghiệm tại trung tâm cho thấy chị bị dị ứng nặng với loại thực phẩm chức năng mới dùng.

Lời khuyên cho bạn

Khi đang dùng bất cứ TPCN nào nếu xảy ra các phản ứng bất thường như: ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngưng ngay thuốc đó, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ cho hướng xử trí thích hợp (có thể phải đổi thuốc nếu đang dùng thuốc gây dị ứng).

Khi đã bị dị ứng loại TPCN nào thì tuyệt đối không dùng loại đó. Khi đi khám ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại TPCN đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng.

Không nên mua theo đường xách tay, vì không thể đảm bảo nguồn gốc TPCN, rất khó để có người sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho sức khỏe của bạn khi có vấn đề. Đặc biệt là nếu đó là TPCN giả, thậm chí chứa các chất độc hại thì lại càng nguy hiểm hơn, bởi lẽ ngay cả thuốc và số đăng ký thuốc mà còn bị làm giả, thì TPCN chức năng bị làm giả là điều quả thực đơn giản.

Không nên quá lạm dụng TPCN như một thực phẩm bổ sung hàng ngày, và không coi sự an toàn của TPCN như những thực phẩm thông thường. Thay vào đó, chúng ta nên có chế độ dinh dưỡng từ những nguồn thức ăn tự nhiên, đảm bảo đủ dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể mình, như vậy vừa có được thân thể khỏa mạnh, nhiều năng lượng, vừa tránh được những nguy cơ không đáng có khi dùng TPCN.

Ăn uống hợp lý theo tháp dinh dưỡng, cơ thể bạn sẽ khỏe mạnh hơn và ít phải phụ thuộc vào TPCN

Nhân Hòa t/h

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version