Đại Kỷ Nguyên

Thực phẩm giúp giảm trào ngược axit dạ dày

Trào ngược axit là một căn bệnh xảy khi các thành phần có trong dạ dày bị trào ngược ra qua thực quản và miệng (bao gồm cả thức ăn và nước uống đã được nuốt vào). Căn bệnh này được biết đến với tên gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (hay nói ngắn gọn là GERD).

Khi thức ăn trào ngược lên thực quản (ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày) thì nó sẽ gây ra sự kích thích thực quản, tạo cảm giác nóng rát ở ngực và gây ra mùi khó chịu trong miệng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng yếu tố nguy cơ chính là do: hút thuốc lá, béo phì, uống nhiều rượu bia, ăn thực phẩm chứa nhiều gia vị, sử dụng các loại thuốc dùng trong điều trị cao huyết áp, nôn mửa, hen suyễn…và một số trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Căn bệnh mãn tính này có xu hướng phổ biến hơn ở các nước châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu bởi các triệu chứng mà còn có thể gây các biến chứng nặng như loét thực quản, hẹp thực quản và ung thư hóa. Ngoài ra căn bệnh này còn đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai.

Bên cạnh các loại thuốc điều trị, nhiều loại thực phẩm có tác dụng chống lại tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản, bao gồm:

1. Chuối: Là một trong những loại quả rẻ nhất và được yêu thích nhất so với các loại quả khác trên thế giới. Chuối không những chứa một lượng calo lớn mà còn có chứa đầy đủ các khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra chuối cũng có độ kiềm cao do vậy mà nó giúp ngăn cản quá trình tạo axit trong dạ dày. Việc ăn một quả chuối mỗi ngày chắc chắn sẽ giúp bạn chống lại căn bệnh trào ngược axit dạ dày

(Ảnh: Pixabay)

2. Rau xanh: Rau xanh là nguồn thức ăn rất tốt cho sức khỏe của con người. Các bác sỹ đã khuyến cáo rằng các loại rau như súp lơ, rau chân vịt, đậu xanh, bông cải xanh, bạc hà, măng tây… không những có chứa nhiều khoáng chất mà còn có chứa chất xơ tiêu hóa giúp hạn chế sự hình thành axit trong dạ dày và vì thế mà ngăn chặn được căn bệnh GERD

(Ảnh: Tinmoitruong.vn)

3. Gừng: Đối với nhiều người thì có thể mùi vị của gừng là tương đối khó chịu. Nhưng nếu bổ sung được một lượng vừa đủ thì gừng không những giúp chống lại căn bệnh GERD (đây được xem là loại thực phẩm tốt nhất cho bệnh trào ngược axit) mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh khác liên quan đến dạ dày.

(Ảnh: Pixabay)

4. Gạo nâu: Trong gạo nâu có chứa nhiều cacbonhydrat phức tạp đòi hỏi nhiều axit để có thể tiêu hóa được. Do vậy nếu bạn đang phải chịu đựng những khó chịu do tình trạng trào ngược axit dạ dày gây ra thì lời khuyên tốt nhất cho bạn là nên sử dụng sản phẩm này.

(Ảnh: Wiki)

5. Dưa hấu: Hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi xung quang vai trò của dưa hấu. Mặc dù dưa có độ axit thấp thích hợp đối với một số người bị GERD, tuy nhiên trong một số trường hợp thì nó lại làm cho tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Chính vì vậy cần đánh giá đáp ứng của mỗi người với loại quả này trước khi quyết định ăn nó nhiều hay ít.

(Ảnh: Wiki)

6. Đồ biển: Trong các loại đồ biển đều có chứa một lượng các axit béo omega-3 rất cao. Chất này có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm tình trạng ợ nóng và giảm sự tiết axit trong dạ dày. Tuy nhiên khi sử dụng cần lưu ý một điểm là tránh cho thêm dầu khi chế biến cá mà nên sử dụng cá nướng bằng lò.

Mặc dù vậy, không phải loại thực phẩm nào cũng tốt cho chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngược lại một số loại thực phẩm còn làm tăng tính axit trong dạ dày, do đó gây ra những ảnh hưởng không tốt cho bệnh và làm cho tiến triển của bệnh ngày một trầm trọng hơn. Dưới đây là một số loại thực phẩm nên tránh đối với căn bệnh này:

– Trái cây có múi (họ cam quýt)
– Gà rán
– Cà chua
– Mỳ ống
– Hành sống
– Kem chua
– Đồ chiên rán
– Chocolate
– Thịt bò

Tuy nhiên, muốn phòng tránh căn bệnh GERD một cách triệt để thì không chỉ dựa vào chế độ ăn uống mà cần kết  hợp với một lối sống lành mạnh như rèn luyện thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên, duy trì cân nặng ở mức bình thường, nâng cao đầu khi ngủ, hạn chế các thói quen xấu như ăn trước khi đi ngủ (tốt nhất là nên ăn cách vài tiếng) hoặc tránh nằm ngay sau khi ăn… Ngoài ra trong các trường hợp cần thiết có thể sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật nhưng phải tuân thủ theo sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Thảo Nguyên

Exit mobile version