Đại Kỷ Nguyên

Thương con, mẹ bị thủy đậu trùm áo mưa, bịt khẩu trang cho con bú

Hình ảnh người mẹ bị thủy đậu mặc áo mưa, đeo găng tay, khẩu trang kín mít ôm con trai cho bú đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. 

Chị Thu Lâm, 27 tuổi, Phú Thọ đã chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội kèm theo đó là lời than thở nhưng đầy tính hài hước của nhân vật chính trong bức ảnh khi bệnh thủy đậu đang vào mùa: “Đang dịch thủy đậu, có mẹ nào nuôi con nhỏ mà dính bệnh không ạ? Em khổ quá, vì thằng con không theo ai, không ăn cháo, không uống sữa ngoài, khóc và tuyệt thực 1 ngày 1 đêm. Chỉ mẹ mới dỗ nín được, thương chảy nước mắt. Em đi khám rồi nên mới dám cho con ti ạ. Tặng mọi người cho xả stress cuối tuần”.

Hình ảnh mẹ bỉm sữa mặc áo mưa xanh, đeo găng tay, khẩu trang kín mít vẫn ôm con trai cho bú đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng.

Trước đó, chị Thu cho biết, cơ thể bắt đầu nổi mụn nước và ngứa ngáy từ ngày thứ 10/3 nên cách ly con luôn.

Vừa xa mẹ, Bé Cua – con trai chị đã khóc vật vã đòi mẹ rồi tuyệt thực một ngày vì không chịu uống sữa ngoài. “Mình không dám cho con bú, sợ lây sang còn thì khổ gấp nhiều lần. Vì vậy, mình đành xót xa nhìn con khóc và nhịn ăn. Đến chiều, mình đi khám thì bác sĩ bảo vẫn cho con ti được, tuy nhiên phải đeo khẩu trang và tuyệt đối không cho con sờ vào mụn nước”, chị chia sẻ với Khám Phá.

Sau khi được bác sĩ tư vấn, chị Thu Lâm quyết định tiếp tục cho con bú sữa mẹ. Nhưng chị vẫn lo sợ con có thể lây bệnh từ mình. Chị chợt nghĩ ra cách mặc áo mưa, đeo găng tay, khẩu trang rồi quấn người con lại, sau đó cho tu ti.

“Lúc đó, Cua đang khóc vì đói. Mình tiến lại gần nhưng không nhận ra, cứ ngơ ngác nhìn. Sau thằng bé nghe thấy giọng mình thì nín. Thực sự, mình không hề muốn cho con ăn trong hoàn cảnh ấy, xót con quá nên đành chịu”, chị tâm sự.

Trao đổi Dân Trí, Bs. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM cho biết, sai lầm mà các bà mẹ hay mắc phải khi bị thủy đậu đó chính là cách ly, không cho trẻ bú sữa mẹ nữa.

“Virus thủy đậu không chờ khi mụn nước vỡ ra mới phát bệnh mà đã ủ trong cơ thể của người bệnh và đã có khả năng lây từ trước đó, em bé sẽ không tránh khỏi bị lây bệnh từ mẹ. Cho nên đối với bà mẹ không may cho con bú bị thủy đậu thì nên cho bé bú tiếp tục và trong quá trình cho bú phải rửa tay, đeo khẩu trang. Sữa có kháng thể cung cấp cho bé sẽ giúp bé chống lại được phần nào căn bệnh nếu đã mắc”, BS Khanh lý giải.

Do đó, các mẹ đang cho con bú bị thủy đậu thì nên cho trẻ bú tiếp tục, chỉ cần vệ sinh, rửa tay sạch sẽ và đeo khẩu trang. “Sữa mẹ có kháng thể cung cấp cho trẻ sẽ giúp chống lại được phần nào căn bệnh nếu đã mắc”, Bs. Khanh nói.

Khi cho trẻ bú sữa, mẹ cần lưu ý những điểm sau đây:

– Mẹ đang bị thủy đậu ở trong giai đoạn đầu nên vắt sữa ra bình và nhờ người khác cho trẻ bú. Hạn chế sự tiếp xúc giữa mẹ và trẻ, tốt nhất là cho trẻ ngủ riêng và cách ly mẹ.

– Trẻ không chịu bình mà chỉ bú mẹ trực tiếp thì mẹ cần phải mang khẩu trang khi cho con bú. Đặc biệt, hạn chế nói chuyện và tiếp xúc nhiều với trẻ để hạn chế các dịch tiết bắn ra. Ngoài ra, mẹ cũng phải chú ý là không để trẻ cọ xát vào những nốt đậu làm vỡ và nước dịch này dính vào người trẻ sẽ khiến trẻ bị lây nhiễm bệnh.

– Mẹ nên cắt móng tay của trẻ để tránh việc trẻ dùng móng tay cào và làm bong các vết rạ, dịch tiết ra và sẽ làm con bị nhiễm bệnh.

Bệnh thủy đậu (trái rạ) là bệnh gần như “đến hẹn lại lên” kéo dài từ tháng 11, 12 năm trước đến tháng 4, 5, 6 năm sau. Bệnh lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi phát tán virus qua đường không khí. Virus còn bám vào tay chân, các vật dụng trong nhà rồi lây cho người khác.

Khi người chưa nổi mụn nước, mụn đã phát tán virus ra môi trường mà người xung quanh không biết. Người lớn bị thủy đậu có biểu hiện đau nhức mình mẩy, có khi sốt cao, nổi mụn nước nhiều, trong khi trẻ nhỏ thì mụn nổi nhanh và có thể kèm sốt hoặc không. Nốt thủy đậu sẽ tự nhiên lành không để lại sẹo, không cần kiêng tắm và không được gãi, chà xát khiến nhiễm trùng da để lại sẹo rỗ.

Thông thường, thời gian bệnh kéo dài đến 21 ngày mới hết lây. Do vậy, khi chưa có biểu hiện mụn nước, cơ thể đã ủ bệnh và lây cho người khác.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1.

Phương Nam

Exit mobile version