Nếu bẻ khớp thường xuyên, cấu trúc xương sẽ tự động thích nghi và màng khớp cùng các dây chằng bao quanh giãn ra, dẫn đến hao mòn, thoái hóa, viêm mặt sụn khớp…
Bẻ khớp ngón tay, ngón chân là thói quen của nhiều người khi cảm thấy mỏi, tê cứng các ngón tay… Sau khi bẻ ngón tay, các khớp có xu hướng hoạt động nhanh nhẹn hơn trong thời gian ngắn. Vì thế, một số người dần hình thành thói quen này.
Dưới đây là những tác hại của việc bẻ khớp ngón tay đối với sức khỏe:
Viêm khớp
Mỗi khớp xương được cấu tạo gồm 2 mặt khớp, bao phủ bởi bao khớp và hệ thống dây chằng có chức năng bó và giữ vững các khớp.
Khớp cử động được do cấu tạo các gân cơ quanh khớp. Không giống như co giãn linh hoạt thông thường, bẻ khớp ngón tay khiến các khớp bị co giãn đột ngột nên phát ra tiếng kêu. Nếu quá ngưỡng giãn, bao khớp phải chịu một tác động rất lớn khiến dây chằng dễ bị giãn và rách.
Hao mòn mặt khớp
Nếu bẻ đốt tay trong thời gian dài, sự cọ xát và áp lực lên mặt khớp cao khiến hao mòn mặt khớp, tăng nguy cơ thoái hóa và viêm mặt sụn khớp.
Mỗi lần bẻ nắn khớp là một lần gây vi chấn thương đến khớp và kéo theo tế bào sụn sẽ bị vi chấn thương. Nếu các vi chấn thương trên cùng một ổ khớp tích tụ lâu dẫn đến hao hụt chất sụn.
Đau nhức khi về già
Việc duy trì thói quen bẻ khớp ngón tay trong thời gian dài, bạn dễ bị đau nhức các khớp khi về già.
Trong sụn khớp có 2 % là tế bào sụn và không có khả năng hồi phục khi bị thương. Nắn, bẻ khớp sẽ làm sụn bào mòn, gai xương sẽ mọc ra, tác động đến mô xung quanh khớp gây ra hiện tượng sưng và đau ngón tay.
Càng lớn tuổi, gân, sụn, dây chằng kém linh động và dễ tổn thương hơn nên việc vặn bẻ khớp sẽ làm tốc độ thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.
Lưu ý
– Nếu tay bị tê mỏi, nên thực hiện các cử động khớp nhẹ nhàng để không gây đau hay tiếng lạo xạo. Cử động này còn giúp lượng máu đến mô đều đặn hơn, tạo cảm giác thoải mái mà không lo vi chấn thương.
Phương Nam