Đại Kỷ Nguyên

Thường xuyên hụt hơi: Dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị suy tim, trầm cảm

Theo Health plus, Tổ chức Bệnh phổi Anh mới đây đã khuyến cáo, khó thở, hụt hơi khi làm việc là một trong những dấu hiệu của bệnh lý về trầm cảm, phổi, tim mạch nguy hiểm…

Hụt hơi là hiện tượng này là bình thường nếu bạn hoạt động quá mức. Nhưng nếu cảm thấy hụt hơi không có lí do hoặc hụt hơi một cách đột ngột có thể là một dấu hiệu không hay đang xảy ra với đường hô hấp hoặc tim.

Thường xuyên hụt hơi: dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị suy tim, trầm cảm

TS. Nguyễn Hoài Nam – Đại học Y dược Tp.HCM trao đổi với Khám Phá cho biết: “Cảm giác hụt hơi hay gặp trong các trường hợp rối loạn nhịp tim như ngoại tâm thu thất, các bệnh rối loạn thần kinh thực vật và trong trạng thái trầm cảm, lo âu…”.

Nếu thường xuyên bị hụt hơi khi làm việc, đi bộ có thể bạn đang gặp một số vấn đề về sức khỏe dưới đây:

Tim mạch và phổi

Hụt hơi, tim đập nhanh, thở dốc là triệu chứng của bệnh tim, hen suyễn, suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh bướu tuyến giáp, thiếu kali…

Sandy Walmsley – phát ngôn viên của Tổ chức Bệnh phối Anh cho biết: “Hụt hơi là một trong những dấu hiệu của bệnh phổi hoặc bệnh tim mạch, nhưng thường mọi người không nhận ra hoặc lờ nó đi.” Dó đó, mọi người nên tới cơ sở y tế để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị tận gốc.

Rối loạn hệ thần kinh thực vật

Rối loạn hệ thần kinh thực vật cũng là nguyên nhân gây hụt hơi, hồi hộp, choáng váng, cảm giác như tim đập loạn nhịp, nhưng khi đi khám thì tim hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân gây rối loạn thường do căng thẳng thần kinh, hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc lá…

Đây là bệnh có thể phòng tránh dễ dàng bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh hoặc bệnh sẽ tự động rút lui khi bệnh nhân thay đổi lối sống, đi nghỉ dưỡng tại nơi không khí thoáng mát và vui sống. Trong trường hợp nặng hơn, mọi người cần đến bác sĩ tim mạch để được điều trị.

Để tìm bệnh, các bác sĩ sẽ cho đo điện tâm đồ, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim.

Trầm cảm

Trầm cảm là bệnh khó nhận diện vì cùng với cảm giác hụt hơi, người bị trầm cảm còn có nhiều triệu chứng khác. BS Trần Duy Tâm, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Tp.HCM cho biết: “Có hai triệu chứng chính: thứ nhất: buồn, lúc nào cũng ủ dột… Thứ nhì: mất hứng thú, ví dụ trước đây thích mua sắm, đi ăn, nghe nhạc, nay không còn ham thích. Cả hai triệu chứng này diễn ra suốt ngày, và kéo dài trong vòng hai tuần”, theo Khám Phá.

Bệnh nhân trầm cảm còn các triệu chứng khác như mất ngủ, rối loạn vận động: ít di chuyển, chậm chạp, tự đánh giá thấp bản thân, có ý tưởng tội lỗi, chán sống, muốn chết và kết thúc bằng hành vi tự sát…

Lo âu

Lo âu là tình trạng bệnh nhân có tâm lý lo sợ, ngoài cảm giác hụt hơi còn có dấu hiệu tim đập nhanh, hồi hộp, dễ nổi nóng, chóng mặt, khó ngủ, cảm giác có cục gì đó trong cổ họng… Những dấu hiệu nêu trên báo hiệu bệnh nhân đã bị lo âu cấp, mãn tính, cần có sự chẩn đoán chính xác từ bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.

Một số phương pháp giúp cải thiện hụt hơi, thở dốc

– Yoga là lựa chọn tuyệt vời. Các động tác giữ thăng bằng và kéo dãn của yoga giúp bạn vận động mà không gây áp lực cho nhịp tim, tránh cảm giác khó thở khi đi bộ đường dài, leo cầu thang…

– Đi dạo hàng ngày giúp nâng cao năng lực của phổi và hệ tim mạch. Hoạt động này đòi hỏi mức năng lượng thấp và có thể dễ dàng tăng dần độ khó bằng cách tăng tốc độ hoặc leo dốc.

– Pilates là phương pháp tập giúp giảm cân, giữ dáng. Huấn luyện viên môn này thường hướng dẫn cách tăng cường cơ bắp trong khi tập trung vào hơi thở, mục tiêu cuối cùng là giúp bạn kiểm soát hơi thở khi đang tập luyện vất vả.

H.H

Exit mobile version