Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý đang gia tăng rõ rệt ở nước ta. Tỷ lệ người mắc THA ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có tới 972 triệu người bị THA và con số này được ước tính là khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025. Mời các bạn tìm hiểu bài viết dưới đây để có thêm thông tin về sự tiến triển của bệnh tăng huyết áp hiện nay.
Tăng huyết áp tiến triển thầm lặng và ngày càng gia tăng
Các yếu tố nguy cơ của lối sống như lười vận động, ăn không hợp lí với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá… là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng gánh nặng này. Một vấn đề khá quan trọng nữa là tỷ lệ người mắc THA ngày một tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển (châu Á, châu Phi). Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006, có khoảng 74,5 triệu người Mỹ bị THA; nghĩa là cứ 3 người lớn có 1 người bị THA.
Ngay tại Việt Nam, thống kê mới nhất năm 2008 cho thấy tỷ lệ THA ở người lớn là 25,1%. THA đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Vào năm 2002, WHO đã ghi nhận trong báo cáo sức khỏe hàng năm và liệt kê THA là “kẻ giết người số 1”. Nói một cách ngắn gọn, đối với người bị THA, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần nếu so với người không bị THA. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương. Năm 2008 có khoảng 16,5 triệu người chết vì THA trên toàn thế giới.
Bệnh tăng huyết áp nguyên phát kéo dài nhiều thập kỷ cho đến khi người bệnh qua đời. Trong thời gian khá dài ban đầu, người bệnh tăng huyết áp thường không cảm thấy những biểu hiện gì đặc biệt, đôi khi có thấy đau đầu, mệt mỏi, ù tai hoặc tiếng đập trong tai… nhưng lại nghĩ đến những bệnh khác hoặc bỏ qua mà không đến với thầy thuốc; thông thường bệnh được phát hiện nhân lúc bệnh nhân đi khám bệnh hay nhân các kỳ kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy ở các vùng đã được khảo sát có tới 67,5% số bệnh nhân không biết mình bị tăng huyết áp trước khi khám. Tỷ lệ này chỉ có thể giảm được khi mạng lưới y tế làm tốt việc quản lý sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho cộng đồng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học: hàng năm huyết áp tối đa trung bình tăng 4,45mmHg, huyết áp tối thiểu trung bình tăng 2,25mmHg nếu bệnh nhân được điều trị. Nếu không được điều trị, huyết áp tăng lên hàng năm sẽ cao hơn, đặc biệt ở người cao tuổi. Khi đã có các biến chứng đến các cơ quan trong cơ thể như não, tim, thận, mạch máu… thì mức độ trầm trọng của bệnh ngày càng tăng, rút ngắn cuộc đời của người bệnh.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tăng huyết áp không được theo dõi điều trị theo công trình nghiên cứu của Bachhgaard nghiên cứu trên 1036 bệnh nhân là: 29% sau 4 năm, 58% sau 6-22 năm, 74% sau 26-32 năm. Nguyên nhân tử vong ở người bệnh tăng huyết áp thường có thể là nguyên nhân trực tiếp do tăng huyết áp hoặc nguyên nhân gián tiếp do các bệnh có liên quan như bệnh thận, bệnh não, bệnh tim…. Ở các nước công nghiệp phát triển, tử vong do tăng huyết áp chiếm gần 30% trong tổng số tử vong chung.
Các giai đoạn của bệnh
Những hiểu biết đầu tiên về bệnh tăng huyết áp đã có từ những năm đầu của thể kỷ 19. Kể từ đó cho tới nay, huyết áp cao vẫn được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh thường không gây ra triệu chứng (ngoại trừ cơn tăng huyết áp kịch phát), vì vậy bạn không hề biết rằng nó đang gây tổn hại động mạch, tim và các cơ quan khác từ trước khi được chẩn đoán. Những hậu quả do huyết áp cao có thể tiến triển theo thời gian nếu không được điều trị hợp lý.
Theo một số tài liệu, bệnh tăng huyết áp làm giảm tuổi thọ từ 10 đến 20 năm và nguy cơ xảy ra biến chứng sau 7 đến 10 năm nếu bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Mức huyết áp càng tăng cao thì những biến chứng nguy hiểm và tử vong càng dễ xảy ra.
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới năm 1993, bệnh tăng huyết áp được phân theo 3 giai đoạn để theo dõi sự tiến triển của bệnh:
– Giai đoạn 1: khi bệnh tăng huyết áp chưa ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Nếu không được điều trị, trong một thời gian dài bệnh sẽ tiến triển mặc dầu không có triệu chứng lâm sàng rõ, huyết áp lúc đầu tăng nhưng có thể tạm thời ổn định rồi lại tăng dần, có khi chỉ tăng tạm thời nhưng rồi đến một lúc nào đó sẽ tăng vĩnh viễn. Nếu được điều trị, lúc này huyết áp có thể trở lại bình thường nhưng phải điều trị đúng phương pháp, điều trị liên tục mới giữ được kết quả đó.
– Giai đoạn 2: khi có ít nhất một trong các biểu hiện của tổn thương các cơ quan như dày thất trái, hẹp động mạch võng mạc khi soi đáy mắt, nước tiểu có protein, tăng nhẹ creatinin máu (1,2-2 mg/dl), siêu âm hoặc X quang thấy mảng vữa xơ ở động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch chậu và động mạch đùi. Lúc này được điều trị huyết áp vẫn có thể trở lại bình thường, các tổn thương đỡ phát triển.
– Giai đoạn 3: khi có các biểu hiện được coi là hậu quả của các tổn thương thực thể trên như với tim có cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, với não có đột quỵ, thiếu máu não lâm thời, bệnh não do tăng huyết áp, với đáy mắt có chảy máu võng mạc, xuât tiết hay phù gai thị khi soi đáy mắt, với thận có suy thận, với mạch máu có phồng tách mạch, tắc mạch…tiên lượng trở nên rất nặng, đe doạ tính mạng người bệnh. Nếu được điều trị tốt, bệnh có thể tạm thời ổn định với những di chứng, đời sống được kéo dài hơn.
Phân loại như thế này giúp cho thầy thuốc và người bệnh biết được tình trạng nặng nhẹ của bệnh để có cách điều trị và dự phòng tai biến kịp thời, bệnh càng ở giai đoạn cao thì càng nặng.
BS. Thu Trang