Nghiên cứu mới đây cho thấy rượu gây tổn hại đến gen – chuỗi phân tử ADN (axit deoxyribonucleic) của các tế bào gốc có chức năng sản xuất máu mới, dẫn đến ung thư. Rượu còn là tác nhân gây ra hàng loạt bệnh ung thư cho khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học đã cho chuột thí nghiệm uống rượu pha loãng, sau đó sử dụng phân tích nhiễm sắc thể và ADN để kiểm tra mức độ tổn hại di truyền do acetaldehyde gây ra.
Acetaldehyde là một loại chất được cơ thể sản xuất ra trong quá trình xử lý cồn. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng acetaldehyde có thể phá vỡ và phá hủy cấu trúc ADN trong tế bào máu gốc, dẫn đến việc sắp xếp lại các nhiễm sắc thể và thay đổi vĩnh viễn chuỗi ADN trong các tế bào này.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ADN hư hại có thể khiến các tế bào chết nhưng cũng đồng thời có thể kích hoạt cơ chế tự sửa chữa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, nếu ADN được sửa chữa sai, nó có thể dẫn đến ung thư.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng uống rượu có thể làm tăng nguy cơ tổn hại ADN. Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng cơ thể chống lại sự tàn phá của rượu bằng cách sử dụng một loại enzyme có tên là ALDH, biến acetaldehyde thành axetat, mà các tế bào có thể sử dụng chất này làm năng lượng.
Uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là 7 loại ung thư gồm miệng, cổ họng, thanh quản hoặc vòm miệng, thực quản, vú, gan và ruột.
Nghiên cứu đã chỉ ra hàng triệu người, đặc biệt là người ở khu vực Đông Nam Á gia tăng bệnh ung thư. Ở Việt Nam 18% số ca tử vong là do ung thư.
Theo Vnexpress, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Trương Đình Bắc, nhiều người cho rằng uống rượu chỉ gây ung thư gan, song thực tế nó tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. “Việt Nam giá rượu rất rẻ, dễ mua, ai cũng mua được kể cả trẻ em. Nhận thức về tác hại rượu bia với sức khỏe của người dân chưa cao nên việc kiểm soát tác hại của nó rất khó”, TS Bắc cho biết.
Theo Tiến sỹ Trần Thanh Hương, Viện Phó Nghiên cứu Ung thư, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), rượu bia gây ung thư theo 6 cơ chế sau:
1. Rượu chuyển hóa thành acetaldehyde – một chất gây ung thư
Khi vào cơ thể, dưới tác dụng của enzym alcohol dehydrogenase, rượu được ôxy hóa thành acetaldehyde, một chất gây ung thư bằng cách gây tổn thương gene.
Uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên.
2. Làm tăng mức độ hormone estrogen
Rượu bia làm tăng mức độ estrogen và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin, từ đó kích hoạt sự sinh sôi của các tế bào tuyến vú dẫn đến ung thư vú.
3. Rượu gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan
Rượu gây xơ gan, tổn thương tế bào gan, từ đó dẫn tới ung thư gan.
4. Rượu làm tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư
Rượu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các chất gây ung thư thấm vào cơ thể như hút thuốc.
5. Rượu làm giảm lượng folate trong máu
Rượu làm thay đổi chuyển hóa của folate, sự kém hấp thu folate gây trở ngại cho quá trình methyl hóa DNA, dẫn tới ung thư.
6. Rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao
Rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao; các phân tử này thường gây tổn hại DNA của tế bào dẫn tới ung thư.
Để giảm tối đa tác hại của rượu bia đến sức khỏe, nam/nữ khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày. Một đơn vị cồn theo Tổ chức Y tế Thế giới bằng 10g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100ml (13,5%), một cốc bia hơi 330ml, hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%).
Phương Nam