Đại Kỷ Nguyên

Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất 12 ‘bí quyết’ để sống khoẻ mỗi ngày

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra 12 lời khuyên dành cho cư dân trên toàn thế giới như chìa khoá để sống khỏe mỗi ngày.

Bạn hãy đọc xem mình đã có thể làm được đến đâu nhé:

1. Ăn uống lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp chống suy dinh dưỡng, tăng cường chức năng và hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm và không lây (tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và ung thư…). Năng lượng nhận vào phải cân bằng với năng lượng tiêu hao.

2. Hoạt động thể lực mỗi ngày với thời gian và cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe

Hoạt động thể lực không đủ là một trong mười yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên thế giới, đó cũng là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến những bệnh không lây nhiễm. “Hoạt động thể lực”, theo WHO, không chỉ là “tập luyện” mà còn là những vận động cơ thể đòi hỏi tiêu tốn năng lượng như hoạt động khi làm việc tại công sở, chơi đùa, làm việc nhà…

Đối với người từ 18 – 64 tuổi, mỗi tuần nên hoạt động thể lực ít nhất 150 phút ở mức độ trung bình hoặc 75 phút ở mức độ mạnh.

3. Tiêm phòng

Các chuyên gia y tế cho rằng tiêm phòng có thể ngăn chặn 2 – 3 triệu cái chết mỗi năm.

Thời gian gần đây Bộ y tế lên tiếng về việc xuất hiện trào lưu bài trừ vắc-xin vì nghi ngại các tác dụng phụ xảy ra đối với trẻ. Để có quyết định đúng đắn nhất, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu thông tin cả hai chiều, nếu được thì có thể tìm đọc bản gốc các nghiên cứu về chủ đề này.

4. Không hút thuốc lá, nếu đã hút thì nên bỏ

Hút thuốc không chỉ gây tổn hại cho chính bạn về mặt sức khoẻ và kinh tế mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh bởi tình trạng hút thuốc lá thụ động. Nên nếu đã hút bạn cũng nên hạ quyết tâm cai càng sớm càng tốt. Chỉ sau 20 phút cai thuốc, giảm được nhịp tim và huyết áp; trong 12 giờ lượng khí CO (cạnh tranh với oxy) trong máu về mức bình thường.

5. Tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu, bia

Tại nhiều quốc gia, uống rượu, bia là điều không thể thiếu trong những cuộc giao lưu. Tuy nhiên, nó cũng mang đến nhiều hậu quả cho sức khoẻ và xã hội liên quan đến việc ngộ độc và lệ thuộc. Ngoài những bệnh mạn tính có thể phát triển ở người uống nhiều rượu, bia trong nhiều năm, nó cũng làm tăng nguy cơ các tình trạng sức khoẻ cấp tính như chấn thương, tai nạn giao thông. 25% trường hợp tử vong từ 20 – 39 tuổi có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.

6. Kiểm soát stress (căng thẳng)

Stress gây nhiều tác hại hơn người ta nghĩ, ảnh hưởng đến não, tim, phổi, dạ dày, mắt, đầu cổ và làm giảm chất lượng sống. Lâu dài, stress làm giảm hệ miễn dịch, gây trầm cảm, lo lắng, bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.

7. Thực hành vệ sinh tốt

Vệ sinh môi trường sống của bạn gọn gàng và sạch sẽ để phòng các bệnh truyền nhiễm. Có thói quen rửa sạch tay.

8. Không phóng nhanh hoặc uống rượu bia khi lái xe

Phóng nhanh và uống rượu bia khi lái xe là hai nguyên nhân chính gây ra các tai nạn giao thông trên toàn cầu.

9. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe hơi

Luôn đội nón bảo hiểm khi đi xe gắn máy, thắt dây an toàn nếu đi xe hơi và không bao giờ lái xe sau khi uống rượu, bia. Mỗi năm cả thế giới có khoảng 1,25 triệu ca tử vong do tai nạn giao thông, phần lớn ở những nước thu nhập thấp.

Đa số ca tử vong khi đi xe máy là do chấn thương đầu. Vì thế đội nón bảo hiểm đúng cách có thể làm giảm 40% nguy cơ tử vong, giảm 70% nguy cơ chấn thương nghiêm trọng. Trong khi đó, nếu thắt dây an toàn sẽ làm giảm 50% nguy cơ chấn thương nặng cho người ngồi trước và 75% cho người ngồi sau.

10. Thực hành tình dục an toàn

Ở nam giới, việc thực hành này bao gồm việc sử dụng bao cao su để phòng ngừa những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) và HIV. Mỗi ngày toàn thế giới có hơn 1 triệu ca STIs tạo thành gánh nặng lớn và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người trên hành tinh.

Chlamydia, lậu và giang mai là ba bệnh STIs có thể được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên do thường bị bỏ sót chẩn đoán và kháng kháng sinh, chúng ngày càng trở nên bất trị.

11. Khám sức khỏe định kỳ

Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bệnh ung thư. Với các bệnh khác cũng vậy. Khám sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán sớm những bệnh nan y như: tiểu đường, xơ gan, ung thư, cao huyết áp, suy thận, các bệnh về tim mạch, rối loạn nội tiết và cả các rối loạn về tâm thần kinh… từ đó có chiến lược điều trị kịp thời.

12. Nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp cho trẻ sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Đây là lý do tại sao WHO khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Và một điều vô cùng quan trọng là nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích cho bé, mà còn tốt cho mẹ nữa.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version