Công nghệ tiến lên như vũ bão nhưng nó không hẳn có lợi cho sức khỏe, nhất là khi bạn sử dụng sai cách. Điển hình nhất là chiếc điện thoại, gần như ai cũng dùng, và rất nhiều người đã bị tổn thương cột sống.
Có thể bạn đã từng nghe đến việc mỏi mắt, cận thị do dùng điện thoại quá lâu, hay mất tập trung, sao lãng công việc vì nghiện điện thoại? Hoặc là mất ngủ, ngủ không ngon giấc do sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ? Không chỉ vậy, điện thoại còn có thể gây đau mỏi, tê bì vai gáy, thậm chí nặng nề hơn là thoái hóa cột sống?
Gánh nặng lên cổ tăng gấp 5 lần nếu sai tư thế
Cổ là nơi chịu sức nặng của toàn bộ phần đầu. Kết cấu hoàn hảo giúp cổ chịu được trọng lượng của đầu mà không gây nhiều ảnh hưởng đến các cấu trúc bên trong.
Tuy nhiên điều này chỉ đúng nếu bạn giữ tư thế chuẩn. Một nghiên cứu cho thấy nếu sai tư thế, cột sống cổ có thể chịu thêm trọng lượng tương đương với 4 cái đầu nữa.
Thật khó tin, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra. Ở góc 0 độ, cột sống cổ chỉ phải chịu trọng lượng khoảng 5kg. Tuy nhiên, nếu bạn cúi đầu và tạo một góc 60 độ, cột sống cổ sẽ phải hứng chịu trọng lượng gấp hơn 5 lần.
Sẽ không để lại hậu quả gì nếu bạn chỉ đơn thuần cúi đầu xuống nhìn vật gì bên dưới rồi ngẩng lên ngay. Tuy nhiên nếu tình trạng sai tư thế kéo dài hàng giờ đồng hồ, từ ngày này qua ngày khác, cột sống cổ sẽ bị tổn thương vì chịu áp lực lơn lâu ngày.
Điều này rất phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là vì nhiều người đã nghiện smartphone, mỗi hàng nhắn tin, chơi game lướt web… hàng giờ đồng hồ.
Hậu quả khó lường
Cổ chứa nhiều cấu trúc quan trọng. Đặc biệt trong cột sống cổ có chứa đoạn tủy mà khi bị tổn thương có thể gây liệt hai tay, liệt tứ chi, thậm chí gây liệt cơ hô hấp.
Có thể ngay bây giờ bạn chưa nhận ra tác hại của thói quen này, song về lâu dài tư thế cổ sai có thể dẫn đến những hậu quả không hề nhẹ, thậm chí là tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường nhật như:
- Thường xuyên đau đầu, đau mỏi vai gáy, co cứng cơ vùng vai gáy và lưng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc.
- Nếu đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép, có thể gây tê bì, đau từ cổ lan qua vai xuống tay.
- Nghiêm trọng nhưng hiếm khi xảy ra là tình trạng thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, chèn ép tủy cổ gây liệt tay, chân, thậm chí gây rối loạn chức năng hô hấp.
Đặc biệt trẻ em là đối tượng hay bị sai tư thế, có thể gây tổn thương cột sống cổ vĩnh viễn, khiến trẻ bị đau nhức cổ suốt đời.
Vậy cần phải làm gì?
Biện pháp phòng chống khá đơn giản, chỉ cần chú ý một chút là bạn có thể tránh được những khó chịu về sau.
- Nguyên tắc là bạn phải cố gắng giữ cổ thẳng ở tư thế bình thường, tránh gập cổ thời gian dài:
- Giữ điện thoại, máy tính, máy tính bảng ở ngang tầm mắt
- Đưa mắt xuống nhìn điện thoại, thay vì cúi đầu để nhìn
Ngoài ra, không nên sử dụng máy tính, điện thoại liên tục. Nên nghỉ ngơi sau mỗi 20-30 phút sử dụng và kết hợp đi lại xung quanh cùng các bài tập cho cột sống được thư giãn.
8 bài tập giúp cột sống khỏe mạnh
Bác sĩ Tăng Quốc Chí, Chuyên khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn hướng dẫn các bài tập cổ dành cho mọi người, đặc biệt là với bệnh nhân gặp vấn đề về cột sống.
Bài tập 1: Cúi, ngửa cổ
Cúi, ngửa cổ luân phiên.
Bài tập 2: Nghiêng cổ
Nghiêng cổ sang trái, phải luân phiên.
Bài tập 3: Xoay cổ
Xoay cổ sang hai bên luân phiên.
Bài tập 4: Kéo giãn nhóm cơ vùng sau cổ: Giữ thẳng cổ, ấn cằm ra sau.
Giữ thẳng cổ, ấn cằm ra sau như hình minh họa.
Bài tập 5: Kéo giãn nhóm cơ vùng vai (còn gọi là cơ thang bó trên, cơ bậc thang)
- Tay trái nắm thành ghế, giữ thẳng thân mình.
- Tay phải vòng qua đầu, đặt bàn tay lên vùng đầu bên trái, kéo đầu về phía bên phải.
- Đổi bên và thực hiện như trên.
Kéo giãn nhóm cơ vùng tai.
Bài tập 6: Tập mạnh nhóm cơ vùng sau cổ
Hai tay đan sau đầu.
Đẩy đầu về phía sau theo chiều mũi tên, hai tay giữ lại để kháng sức đẩy của đầu.
Bài tập vận động cơ sau cổ.
Bài tập 7: Tập mạnh nhóm cơ vùng trước cổ
Hai tay đan trước trán.
Đẩy đầu về phía trước theo chiều mũi tên, hai tay giữ lại để kháng sức đẩy của đầu.
Vận động nhóm cơ trước cổ.
Bài tập 8: Tập mạnh nhóm cơ hai bên cổ
Đặt tay trái lên vùng đầu bên trái.
Đẩy đầu về bên trái theo chiều mũi tên, tay trái giữ lại để kháng sức đẩy của đầu.
Đổi bên và thực hiện như trên.
Bài tập tác động lên nhóm cơ hai bên cổ.
Lưu ý: Nên tập ít nhất 2 lần trong ngày, mỗi động tác lặp lại 10 lần. Tập thường xuyên và duy trì ngay cả khi đã hết đau.
Đại Hải tổng hợp
Xem thêm:
- Mách bạn chiêu “xát chân”; dưỡng sinh phòng bách bệnh, đặc biệt hữu ích cho dân văn phòng
- 10 nguyên nhân lý giải vì sao ngồi nhiều chính là thảm họa cho sức khỏe
- Sự tái sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.