Theo kinh nghiệm miệng truyền tai, có lẽ bạn sẽ vứt những củ tỏi đi ngay khi thấy chúng mọc mầm xanh. Tuy nhiên từ nay bạn sẽ cần không làm như thế nữa, bởi vì theo các nhà nghiên cứu khoa học thì những củ tỏi mới mọc mầm này lại chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá hơn tỏi tươi.
Từ hàng nghìn năm nay, tỏi đã được xem là một thực phẩm-dược phẩm quý với rất nhiều công dụng, ví dụ như phòng chống các bệnh tim mạch, cao huyết áp, hạ cholesterol, tăng sức đề kháng nói chung, chữa bệnh yếu sinh lý, trị cảm cúm, đau răng, chữa mụn, chống ung thư… Đó là trên các loại tỏi thông thường.
Không có nhiều nghiên cứu thực hiện trên tỏi mọc mầm, nhưng kết quả thu được thì cũng rất ngạc nhiên. Trên các củ tỏi đã mọc mầm, hàm lượng các hoạt tính chống oxi hóa còn vượt trội hơn. Chiết xuất từ loại tỏi này thậm chí có thể bảo vệ tế bào tránh khỏi một số loại tổn thương. Các kết quả thú vị này đã được nhóm nghiên cứu Hàn Quốc công bố trên tạp chí Agriculture & Chemistry (1).
Theo dõi sự phát triển của mầm tỏi qua các ngày khác nhau, các tác giả nhận thấy ở tỏi mọc mầm được 5 ngày là tốt hơn hẳn. Như vậy chắc chắn trong quá trình nảy mầm, có những thay đổi đã diễn ra, nhiều cơ chế được hoạt hóa. Kết quả là nhiều chất mang hoạt tính được tạo mới, bao gồm các chất có thể bảo vệ cái mầm non chống lại bệnh tật trong môi trường sống mới lạ.
Trong hạt/củ nảy nầm, một số chất dinh dưỡng có thể tăng lên gấp 30 lần so với bình thường, giúp cơ thể bạn sử dụng các vitamin, khoáng, axit amin và axit béo từ các thực phẩm ăn vào một cách hiệu quả hơn. Do đó, một số chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn hãy làm món tỏi mọc mầm nếu bạn có một góc vườn nhỏ.
Mạnh Lạc
1.Jong-Sang Kim. Garlic Sprouting Is Associated with Increased Antioxidant Activity and Concomitant Changes in the Metabolite Profile. J. Agric. Food Chem., 2014, 62 (8), pp 1875-1880.