Trạng thái trầm cảm của viên phi công Lupitz liên quan gì đến việc chiếc máy bay A320 của Germanwings bị rơi làm 150 người bị chết vẫn chưa được chính thức kết luận. Tuy nhiên, công chúng đều đang xôn xao tìm hiểu về căn bệnh này. Nguyên nhân gây bệnh có vẻ rất phức tạp (di truyền, tổn thương não…) nhưng đôi khi cũng không kém phần “hoang tưởng” với các trạng thái lo lắng vô hình, sợ hãi vô căn cứ…và nguy hiểm là nó có thể chạm đến bất cứ ai, từ trẻ nhỏ đến cụ già.

Khái niệm trầm cảm là để chỉ những người có trạng thái tiêu cực thái quá: buồn quá, bi quan quá, dễ mệt mỏi, chán ăn, chán ngủ, chán làm việc, không muốn giao tiếp với bên ngoài…và dân dã thì gọi là “chán đời”. Người trầm cảm rất khó kiểm soát được tinh thần cũng như hành vi của mình, hay cảm thấy cùng đường nên hành động lựa chọn có thể rất tiêu cực, thậm chí là tự tử. Có người thì tự tử một mình, có người thì rủ nhau tự tử, hoặc lại muốn ai đó chết cùng!

Người trầm cảm rất khó kiểm soát được tinh thần cũng như hành vi của mình, hay cảm thấy cùng đường nên hành động lựa chọn có thể rất tiêu cực, thậm chí là tự tử.

Nếu đôi khi người ta cảm thấy cuộc đời u ám trước một hoàn cảnh cụ thể nào đó thì đây cũng là điều dễ hiểu. Hôm nay thì cái xe chạy không nổ máy, ngày mai cái chân đau, ngày mốt mất mát tiền bạc, tình cảm biệt ly,… Cuộc sống đời thường là vậy, nên buồn chán dăm ba bữa thế cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên nếu trạng thái này kéo dài quá 2 tuần và làm ảnh hưởng đến cuộc sống thì các chuyên gia bắt đầu cho kết luận là bệnh trầm cảm.

Các nhà nghiên cứu về trầm cảm thực sự rất bối rối vì chưa tìm được ra quy luật nào chi phối trạng thái tinh thần của con người cũng như nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm. Đối tượng bệnh nhân cũng cực kỳ phong phú.

Lên 3 đã có thể bị trầm cảm!

Trong bài viết đăng trên Tạp chí Tâm thần Mỹ, bác sĩ Joan LUBY xác nhận những trường hợp trẻ lên 3, lên 4 đã bị trầm cảm. Báo cáo đưa ra ví dụ của em Caucasian, bố mẹ của bé quan sát thấy những phản ứng tiêu cực, thụ động, chán ăn, không còn quan tâm đến các loại thức ăn vẫn ưa thích hàng ngày. Cường độ biểu hiện ngày càng tăng mặc dù không có sự xáo trộn gì trong gia đình.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ tổng kết thấy có khoảng 3-8% trẻ vị thành niên mắc bệnh trầm cảm. Theo bác sĩ nhi khoa Trần Thu Thủy, nhiều khi cha mẹ kết tội trẻ là nhút nhát, lười biếng, cứng đầu, không biết nghe lời, nhưng rất có thể bé đang bị trầm cảm. Các biểu hiện thường gặp ở trẻ trầm cảm có thể là:

  • Buồn rầu, khóc lóc, tuyệt vọng thường xuyên.
  • Cô lập, thu mình khỏi các hoạt động từng được ưa chuộng.
  • Khó chịu, bực bội hay giận dữ ngày càng gia tăng.
  • Không nhiệt tình, năng nổ.
  • Uể oải, mệt mỏi mạn tính.
  • Quá nhạy cảm khi bị từ chối hay thất bại.
  • Khó khăn trong xây dựng các mối quan hệ xã hội.
  • Thường xuyên phàn nàn về sức khỏe như đau đầu, đau dạ dày.
  • Thường xuyên bỏ học hoặc học kém.
  • Không quyết đoán, thiếu khả năng tập trung, hay quên.
  • Tự ti, mặc cảm tội lỗi quá mức.
  • Thay đổi lớn trong thói quen ăn uống, ngủ nghỉ (ví dụ sụt cân mạnh, mất ngủ).
  • Nói về chuyện bỏ nhà hay đã tìm cách bỏ nhà.
  • Thường xuyên nghĩ về cái chết hay có ý định tự tử, tự hủy hoại cơ thể.

Nếu khi còn nhỏ đã mắc chứng trầm cảm thì có nguy cơ sẽ bị lại khi trẻ lớn lên. Các điều kiện kích phát có thể liên quan đến những sự kiện căng thẳng như các vấn đề ở trường học, bị bắt nạt, mất bạn bè, cha mẹ cãi nhau và ly hôn hoặc do vật nuôi hoặc thành viên gia đình mất. Trẻ em học tập quá kém cỏi, tật nguyền cơ thể hoặc các vấn đề sức khỏe thường bị trầm cảm. Có một số trường hợp đến từ việc bị chìm đắm trong thế giới ảo: game online, phim ảnh tình cảm, mạng internet… Tuy nhiên, trầm cảm có thể bắt đầu mà không có nguyên nhân cụ thể.

Thường xuyên có 5% dân số bị trầm cảm

Khoảng 5% dân số mắc phải trầm cảm bệnh lí trong một thời điểm bất kỳ; 17% trải qua trầm cảm chủ yếu trong một thời điểm nào đó của cuộc đời (Angst 1999). Khoảng một phần tư các cơn trầm cảm kéo dài dưới 1 tháng; hơn 50% qua đi trong vòng chưa đến 3 tháng. Có 25-30% người vẫn còn bị trầm cảm sau 1 năm kể từ khi bệnh khởi phát, trong khi gần một phần tư vẫn còn trầm cảm cho đến tận 2 năm sau. Lứa tuổi điển hình mà đợt trầm cảm đầu tiên khởi phát là 24-29 tuổi. Phụ nữ có biểu hiện trầm cảm nhiều hơn nam giới ít nhất là 2 lần; tính theo cả cuộc đời, tỉ lệ thường thấy ở phụ nữ là 26% so với 12% ở nam giới (Keller và cs.1984).

Cuộc sống gấp gáp và nhiều áp lực khiến tỉ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng lên không ngừng. Không chỉ có những người trong hoàn cảnh khó khăn túng quẫn, không có việc làm, thu nhập thấp là mới bị căn bệnh này viếng thăm, mà ngay tại những người được xã hội cho là thành công cũng vậy. Mệt mỏi kinh niên, các nỗ lực quá sức về thể xác và tinh thần để đạt được các tham vọng trong cuộc sống đã tạo nên vấn nạn trầm cảm trong giới doanh nhân và nhân viên văn phòng. Năng lượng tiêu hao không được bù đắp kịp thời, các tổn thương không có thời gian để phục hồi, dinh dưỡng sai lệch cộng thêm với ảnh hưởng của lối sống hiện đại xa rời tự nhiên là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy nhược toàn cơ thể.

Ngồi nhiều gây trầm cảm

Một nghiên cứu của Úc, được công bố trên Tạp chí Y tế dự phòng Mỹ, chỉ ra rằng nếu ngồi nhiều và thiếu tập thể dục sẽ tăng nguy cơ bị trầm cảm.

Những người phụ nữ ngồi hơn 7h một ngày sẽ có nguy cơ bị căn bệnh này cao hơn 47% so với những người phụ nữ ngồi khoảng 4h hoặc ít hơn.

Nhóm nghiên cứu của Anh cũng có kết luận tượng tự như trên: dành nhiều thời gian trên máy tính của bạn có thể dẫn đến mất ngủ và trầm cảm. Nghiên cứu trên 25.000 người, họ thấy rằng những người làm việc nhiều giờ trước máy tính phàn nàn về cảm giác chán nản, lo lắng, và miễn cưỡng để đi làm vào buổi sáng. Chỉ cần 5h mỗi ngày trước màn hình máy tính là đủ để sinh ra trầm cảm và mất ngủ.

Thất tình mà trầm cảm

Thất tình có thể dẫn đến trầm cảm thì hình như ai cũng ít nhiều trải qua. Nếu “giấc mộng càng hồng”, tình càng nồng, sự phụ thuộc càng lớn, kinh nghiệm tình cảm càng ít và càng dễ dãi…thì khi có sự cố xảy ra sẽ thật sự càng đáng tiếc. Những ca tự tử vì tình đâu phải hiếm thấy, đó cũng là trầm cảm nếu nhìn dưới lăng kính y học. Khi chưa lấy được (vợ/chồng) thì cũng có thể bị gia đình dồn ép, chịu thêm dư luận mà stress. Sau hôn nhân cùng nhau về chung nhà mới phát hiện ra nhiều điều bất ngờ đến vỡ tim thì cũng phải than thầm, vì thế có khi lại vội vã ra nhập hội “những người chán chồng, những anh bỏ vợ”.

Có lời khuyên là những người “chán đời” không nên gặp nhau nhiều. Khi bạn đang gặp trạng thái bi quan thì nên gặp những người lạc quan để truyền cảm hứng cho bạn.

Ngoài ra còn đủ dạng trầm cảm khác nhau. Người đang từ chức cao vọng trọng, cái gì cũng có, trên bảo dưới nghe…tự nhiên bây giờ nghỉ hưu, cả ngày đi ra đi vào, cảm giác vô dụng và cô đơn làm họ căng thẳng, lâu dần sẽ thành trầm cảm. Vì lẽ này mà nhiều người phải chạy đôn chạy đáo đi xin việc cho…bố mẹ đã về hưu để ông bà khỏi buồn. Họ cần cái gì đó để lấp vào khoảng trống do nghỉ hưu tạo thành.

Người lớn tuổi thường hay lo lắng cho những vấn đề cuối đời, lo chuyện đại sự lúc gần đất xa trời, sợ bệnh tật, lo cho con cho cháu, nỗi cô đơn về già và bất đồng quan điểm sống với thế hệ trẻ là nguyên nhân trầm cảm ở lớp người này.

Trầm cảm sau sinh con cũng hay gặp và trở thành hội chứng. Suốt ngày bỉm với sữa, con khóc, chồng không chiều chuộng, mẹ chồng ép ăn, đầu bù tóc xõa, thân hình thì lại béo, ăn mặc xộc xệch…làm nhiều bà mẹ trẻ chỉ muốn phát…điên bỏ nhà đi mà không được.

Giải pháp nào cho phòng chống stress, trầm cảm?

Những ví dụ trầm cảm sẽ còn rất nhiều loại, nếu kể hết ra chắc người đọc cũng vì thế mà trầm cảm theo. Trong xã hội hiện đại, kinh tế khá giả hơn, điều kiện vật chất tốt hơn, lẽ ra con người nên phải hài lòng hơn, hạnh phúc hơn mới đúng? Vậy mà số trường hợp, nhẹ thì stress, nặng thì trầm cảm lại gia tăng. Nguyên nhân và giải pháp là gì?

Đa phần các trường hợp trầm cảm là do sự không hài lòng, hoặc một sự mất mát lớn, một cú sốc về tinh thần. Không hài lòng vì khả năng của bản thân, vì người nào đó, vì những gì mình có… Bố mẹ muốn con thật khỏe mạnh, thông minh, ra ngoài thì khôn ngoan chẳng bị ai bắt nạt, về nhà thì hiền khô, thi đâu được đó, đến kỹ sư, bác sĩ, giám đốc, có xe hơi, có nhà lầu, lấy vợ đẹp, chồng giàu…từ đó mà gây sức ép lên con cái, gây nên căng thẳng cho chính bản thân mình. Việc xây dựng mục tiêu và các giá trị sống không phù hợp có thể dẫn đến những khủng hoảng tinh thần. Khi không đạt được mục đích thì thay vì sự cảm thông, chia sẻ, tìm cách tháo gỡ…là sự thất vọng ra mặt, trút ra sự hằn học bất mãn tiêu cực. Đó có thể là nguyên nhân của trầm cảm và nối tiếp của sự đổ vỡ.

Còn có nhiều cách nhìn nhận về nguyên nhân gây nên căn bệnh này nhưng vấn đề lớn nhất có lẽ là “tâm bệnh”. Cũng cơ thể đó, đầy đủ bộ phận chức năng như thế, chỉ cần sai khác một chút về tinh thần, trước sau không đến một giây, mọi chuyện đã thay đổi 180 độ. Nhiều bác sĩ cũng đồng tình với quan điểm rằng người ta bị bệnh thì có đến 70% là do tinh thần. Ví dụ minh chứng cũng thật là nhiều, ai cũng có thể liên hệ đến là trường hợp ung thư. Nhận được tin báo ung thư có thể làm người ta vì thế mà suy sụp, mà chết rất nhanh, trong khi đó vẫn còn nhiều giải pháp chữa lành.

Y lý Đông phương cho rằng: Mừng vui quá làm tổn hại tim (hỷ thương tâm), giận quá làm tổn hại gan (nộ thương can), buồn quá làm tổn hại phổi (bi thương phế), lo nghĩ nhiều quá làm tổn hại lá lách (tư thương tỳ), sợ quá làm tổn hại thận (khủng thương thận), kinh hoàng, kinh hãi làm tổn hại dạ dày (kinh thương vị) (Hoàng Đế Nội kinh). Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông cũng nói: “Nội thương bệnh chứng phát sinh, thường do xúc động thất tình gây nên. Mặc dù đạo dẫn, tiên đơn, đâu bằng hai chữ “thanh tâm” nằm lòng”. (Vệ sinh yếu quyết).

Khoa học ngày nay lý giải được một phần giáo lý cao thâm đó qua việc phân tích phát hiện nhiều chất độc được cơ thể giải phóng ra khi tâm trạng không tốt. Điều đó làm đầu độc tế bào, làm sai lệch các chuyển hóa của cơ thể, gây hại cho sức khỏe.

Dân gian ta vẫn nói: sợ đứng tim, sợ xanh mắt, giận tím mặt… Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng của Trung Quốc, đô đốc Chu Du của Đông Ngô thuộc diện tuổi trẻ tài cao, danh tiếng lẫy lừng thiên hạ, vậy mà chỉ vì không nhịn được trước vài lời chọc tức của Khổng Minh Gia Cát Lượng nhà Thục để rồi ngã ngựa trước ba quân mà chết. Nhiêu đó cũng đủ để thấy nội hàm thâm sau của hai chữ “tâm bệnh”, thấy sức mạnh của tinh thần của con người, giống như dao hai lưỡi, hại người hay làm người thăng hoa cũng là tùy cách bạn dùng.

Để không phải là nạn nhân của chứng trầm cảm, và cũng không là thủ phạm gây ra căn bệnh này, hãy tham khảo vài lời khuyên của nhiều bác sĩ, chuyên gia như dưới đây:

Nguyên tắc là đảm bảo đồng thời vừa dưỡng sinh và dưỡng tính:

  • Yêu thương bản thân mình: bạn là một phiên bản độc nhất vô nhị trong thế giới này, không ai thể bằng bạn vì bạn là duy nhất. Hãy học theo anh chàng Nick Vujicic, không có 2 tay và 2 chân như mọi người, nhưng anh đã vượt lên tất cả và trở thành diễn giả nổi tiếng làm cảm động biết bao trái tim.

nick-vujicic-with-son-data

  • Học cách yêu thương người khác: sau khi học dược cách yêu bản thân mình, bạn hãy dành tình yêu đó cho những người khác. Nếu tốt hơn nữa, bạn hãy thương cả những người làm hại đến lợi ích của bạn. Người xưa có câu “gieo gió thì gặp bão” người như thế đang gieo gió. Khi bão kéo đến, họ sẽ rất khó khăn.
  • Học các yêu quý những gì xảy đến với mình: hãy coi mỗi ngày là một trải nghiệm, cho dù chuyện gì đến, thế nào cũng có lý do để bạn có được một bài học tốt. Sau đó bạn có thể chia sẻ bài học đó với những người khác.
  • Hãy duy trì một nếp sống cân bằng về tinh thần và thể chất. Thông thường chúng ta muốn thì rất nhiều, nhưng được như ý muốn thì khá ít. Xét cho cùng, thì bạn trần truồng đến thế gian này, khi ra đi bạn cũng không mang được gì.
  • Đọc bài thơ và nghe khúc nhạc sau để bớt bị cuốn theo dòng xoáy của cuộc sống:

Tỉnh mộng

Luân hồi chuyển thế mấy ngàn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi trời

Sinh mệnh vốn là tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương.

An Nhiên

Tài liệu tham khảo: