Đại Kỷ Nguyên

Tránh xa những thứ này khi uống thuốc để bảo vệ sức khỏe của bạn

Mỗi khi bác sĩ kê đơn thuốc cho bạn hay người thân, có thể bạn đã từng thắc mắc rằng, uống thuốc cần kiêng những gì. Trong Đông y, việc sử dụng thuốc có kiêng kỵ nhất định, có cả bảng thuốc tác dụng đối nghịch nhau cấm dùng chung. Vậy ngày nay, các nhà nghiên cứu có những lưu ý gì khi dùng thuốc.

Bạn có thể đã biết một số loại thuốc tương tác không tốt khi dùng chung. Nhưng những gì bạn ăn và uống cũng có thể có ảnh hưởng đến tác dụng một số loại thuốc. Trước khi bạn dùng thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để xem liệu có bất cứ thứ gì bạn nên tránh xa hay không. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.

1. Quả bưởi

Loại quả có múi này thay đổi cách một số tế bào trong ruột của bạn hấp thụ và di chuyển thuốc qua cơ thể bạn – nó có thể ảnh hưởng đến hơn 50 loại thuốc. Ví dụ như fexofenadine (Allegra) – thuốc chống dị ứng hoạt động kém hiệu quả hay khiến những thuốc khác hoạt động quá mạnh như thuốc làm giảm cholesterol – Atorvastatin (Lipitor).

2. Sữa

Sản phẩm sữa này có thể khiến cơ thể bạn khó xử lý một số loại kháng sinh nhất định. Các khoáng chất trong sữa như canxi và magiê là một phần lý do, cùng với protein casein. Nếu bạn đang dùng thuốc kháng sinh, hãy chắc chắn tìm hiểu về các loại thực phẩm hoặc đồ uống bạn nên tránh xa.

3. Cam thảo

(Ảnh: 123rf.com)

Một số người sử dụng cam thảo như một phương thuốc thảo dược để giúp tiêu hóa, và những người khác sử dụng nó để tăng hương vị thực phẩm. Nhưng glycyrrhizin, một hoạt chất trong cam thảo, có thể làm suy yếu tác dụng của một số loại thuốc như cyclosporine – thuốc được sử dụng để giữ cho những người đã cấy ghép tạng không từ chối các cơ quan mới của họ.

4. Sô cô la

Đặc biệt sô cô la đen có thể làm suy yếu tác dụng của các loại thuốc có tác dụng giúp bạn bình tĩnh lại hoặc khiến bạn ngủ, như zolpidem tartrate (Ambien). Nó cũng có thể tăng sức mạnh của một số loại thuốc kích thích như methylphenidate (Ritalin). Và nếu bạn dùng một chất ức chế MAO, được sử dụng để điều trị trầm cảm, nó có thể làm cho huyết áp của bạn tăng cao một cách nguy hiểm.

5. Bổ sung sắt

Bổ sung sắt có thể làm giảm tác dụng của levothyroxin (Synthroid), một loại thuốc cung cấp cho bạn hormone tuyến giáp khi bạn đang bị suy giáp. Nếu bạn dùng thuốc này cùng vitamin tổng hợp, hãy kiểm tra xem vitamin hỗn hợp này có chất sắt trong đó không. Nếu bạn cần bổ sung sắt, hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc các loại thuốc vào những thời điểm nào trong ngày.

6. Rượu

Uống rượu làm cho một số loại thuốc kém hiệu quả hoặc thậm chí vô dụng, gồm một số thuốc huyết áp và thuốc điều trị tim mạch. Nó cũng có thể làm cho những thuốc khác mạnh hơn dẫn tới quá liều gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Ví dụ như paracetamol (acetaminophen) nếu dùng cùng với rượu sẽ tăng gấp đôi tác hại lên gan, có thể gây ra hoại tử gan cấp tính.

7. Cà phê

(Ảnh: vix.com)

Cà phê có thể làm suy yếu các thuốc chống loạn thần như lithium và clozapine. Tuy nhiên, nó làm tăng tác dụng – và tác dụng phụ – của những thuốc khác. Những thuốc này bao gồm aspirin, epinephrine (được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng) và albuterol (thuốc hít dùng cho các vấn đề về hô hấp). Nó cũng có thể làm cho cơ thể bạn khó tiếp nhận hoạt chất thuốc và sử dụng sắt hơn.

8. Thuốc kháng histamine

Các thuốc này hiệu quả cho các chứng hắt hơi và sổ mũi do dị ứng. Nhưng một số trong số chúng có thể làm thuốc điều trị tăng huyết áp kém hiệu quả và làm tăng nhịp tim của bạn. Nói chuyện với bác sĩ nhằm tìm giải pháp khác để kiểm soát chứng dị ứng nếu bạn đang dùng thuốc điều trị huyết áp.

9. Thuốc chống động kinh (AED)

Thuốc này kiểm soát những cơn co giật ở người bị động kinh. Nhưng AED có thể làm cho thuốc tránh thai giảm tác dụng và nghiên cứu ban đầu cho thấy chúng có thể làm cho một số loại thuốc khác mạnh hơn và gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

10. Vitamin K

Nếu bạn dùng thuốc warfarin – được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa cục máu đông – hãy lưu ý về lượng vitamin K bạn nạp vào. Nó có thể làm cho warfarin giảm tác dụng đáng kể và khiến bạn có nguy cơ bị cục máu đông nguy hiểm. Bông cải xanh, cải Brussels, cải xoăn, rau mùi tây và rau bina là một số loại thực phẩm phổ biến nhất có nhiều vitamin K. Hãy cố gắng ăn cùng một lượng các loại thực phẩm này mỗi ngày để mức độ warfarin trong máu của bạn giữ nguyên.

11. Nhân sâm

(Ảnh: nhansamhanquoc.vn)

Uống Nhân sâm cũng có thể làm giảm tác dụng của warfarin. Và nó có thể khiến bạn dễ bị chảy máu trong nếu bạn dùng thuốc chống đông máu như heparin hoặc aspirin, cũng như các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen. Nếu bạn dùng thuốc ức chế MAO, nhân sâm có thể gây đau đầu, khó ngủ, tăng động và hồi hộp.

12. Cây bạch quả

Một số người sử dụng loại thảo dược này để giúp hoặc ngăn ngừa huyết áp cao, chứng mất trí, ù tai… Nhưng nó có thể làm suy yếu tác dụng của các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát các cơn động kinh, bao gồm carbamazepine (Carbatrol, Equetro và Tegretol) và axit valproic (Depakene, Depakote và Stavzor).

13. Thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ

Chỉ có khoảng 50% người dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mọi người thường dùng ít hơn mức cần thiết, uống vào những thời điểm ngẫu nhiên hoặc thời gian uống cách liều lớn – tất cả đều có thể làm suy yếu các tác dụng của thuốc. Vậy nên, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu kế hoạch điều trị của bạn và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.

An Chi
Theo WebMD

Xem thêm:

Exit mobile version