Trẻ bị say nắng có thể gây tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được sơ cứu kịp thời, đúng cách.
PGS.TS Võ Thanh Quang (bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, thời gian gần đây, số trẻ nhập viện bắt đầu có chiều hướng gia tăng khi thời tiết nắng nóng. Cha mẹ thường chủ quan nghĩ đây chỉ là triệu chứng sốt bình thường của trẻ khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, theo TTXVN.
Bác sĩ Trần Thu Thủy, bệnh viện Nhi Trung ương, say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ như thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát…
Khi bị say nắng, thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Nếu trẻ say nắng cấp độ nặng mà không biết cách xử trí, cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn.
Cách xử trí khi trẻ bị say nắng:
– Chuyển trẻ tới khu vực râm mát, thoáng khí, nới lỏng quần áo.
– Cần khẩn trương gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ.
– Nếu trẻ còn tỉnh, cho uống một ly nước lạnh, uống mỗi 15 phút cho đến khi bé cảm thấy đỡ hơn.
– Nhanh chóng hạ thân nhiệt của trẻ: Có thể nước mát hoặc khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt.
– Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5-39 độ C.
Để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý:
– Xem dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.
– Cho trẻ đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường.
– Tránh để trẻ đứng ở những nơi nắng gắt, trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.
– Uống đủ nước, không dùng các loại nước gây lợi tiểu và nước có cồn vì sẽ càng làm gia tăng tình trạng mất nước.
– Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, cho trẻ uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.
Lan Phương