Dầu tràm có nhiều tính năng ưu việt như kháng khuẩn, chống cảm lạnh, giảm đau… được nhiều phụ huynh dùng để giữ ấm cho con trẻ. Tuy nhiên, sử dụng dầu tràm không đúng cách sẽ khiến trẻ bị phồng rộp, bỏng da.
Dầu tràm chứa chất khử trùng acid carbalic, mạnh gấp 13 lần so với chất khử trùng thông thường, thường được dùng để trị các triệu chứng viêm nhiễm như viêm tai, viêm họng, viêm lợi… Đối với trẻ nhỏ, việc sử dụng dầu tràm hay tinh dầu tràm để trị các vết côn trùng đốt, các loại nấm da, viêm da, chốc ghẻ…
Ngoài ra, dùng thường xuyên dùng dầu tràm để tắm cho trẻ, mụn nhọt trên da sẽ giảm rõ rệt, tránh bị các bệnh lây nhiễm qua da, chân tay miệng…
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ hiện đang lạm dụng và dùng dầu tràm sai cách gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Chị Hồ Quỳnh Anh (24 tuổi, Vĩnh Phúc) đặt mua dầu tràm trên mạng về sử dụng, tránh gió, chống cảm lạnh cho con gái 8 tháng tuổi. Sau gần 1 tuần sử dụng, thấy con có biểu hiện rát đỏ bàn tay và vùng ngực bị phồng rộp, chị mới tá hỏa đưa bé vào viện khám. Bác sĩ chẩn đoán, bé bị bỏng do dùng dầu tràm, nên ngừng sử dụng và kết hợp bôi thuốc.
Các chuyên gia cảnh báo, sai lầm hay gặp ở các bậc phụ huynh là dùng 1-2 giọt tinh dầu tràm bôi trực tiếp lên da ngực để giữ ấm hoặc nhỏ vào họng trẻ nhằm chữa viêm họng và sát khuẩn. Việc dùng tinh dầu tràm để sát khuẩn vòm họng cho trẻ không sai, nhưng nhỏ trực tiếp vào da trẻ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng, loét họng…
Cách sử dụng dầu tràm đúng cách:
– Đổ dầu tràm vào tay, thoa đều trước khi xoa lên mình và massage cho trẻ. Lượng dầu bao giờ cũng ở mức vừa phải dù tinh dầu tràm ít gây kích ứng da trẻ nhỏ.
– Trẻ bị khò khè do nằm điều hòa, cha mẹ có thể dùng vài giọt dầu tràm xoa gan bàn chân, ngực, cổ cho bé mỗi tối trước khi đi ngủ.
– Để sát khuẩn cổ họng, cha mẹ nên nhỏ 2 giọt tinh dầu vào cốc nước ấm, sau đó cho trẻ súc miệng.
– Mỗi khi trẻ ra ngoài, cha mẹ nên xoa dầu tràm vào cổ và ngực bé để tránh gió.
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm – Khi phát hiện trẻ bị bỏng hoặc phồng rộp do sử dụng tinh dầu, không nên rửa dưới vòi nước bởi dầu không tan trong nước, vẫn bám trên bề mặt da. Nên dùng dầu nền như dầu olive, dầu dừa thoa nhẹ trên bề mặt để làm dịu cảm giác bỏng rát và đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu. – Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng không nên để dầu tràm tiếp xúc trực tiếp lên da bé, có thể bôi lên khăn, quần áo hoặc thoa qua tay người lớn rồi mới dùng tay xoa lên người bé. – Lựa chọn tinh dầu nguyên chất, không pha tạp, uy tín để sử dụng. |
H.H