Sẽ rất khó chịu khi thức dậy vào sáng sớm và cảm thấy cơ cổ căng cứng, đau nhức, hoạt động bị hạn chế, làm ảnh hưởng đến công việc và hoạt động của bạn. Hãy thao tác các bước đơn giản dưới đây để đánh tan cơn đau và mệt mỏi mà bạn đang phải gánh chịu.
Đau cổ phần lớn là do tư thế của phần đầu nằm sai tư thế hoặc do bị trúng phong hàn gây bế tắc kinh lạc, dẫn đến co rút cơ thịt ở cổ, vai, lưng gây ra đau.
Triệu chứng đau cổ nhẹ rất nhanh sẽ tự khỏi, người bị nặng sẽ kéo dài một vài ngày. Nếu có thể tiến hành xoa bóp và bấm huyệt để điều hòa chức năng bên trong thì có thể giảm đau, rút ngắn thời gian khỏi bệnh.
Huyệt vị và thủ thuật
Huyệt Hậu khê
Du mộc huyệt của Tiểu trường, một trong bát mạch giao hội huyệt thông với Đốc mạch.
Vị trí: Huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, cạnh trong bàn tay, ngang đường tiếp giáp giữa đầu xa và thân xương bàn tay thứ 5. Dùng đầu ngón tay cái ấn và day huyệt Hậu khê khoảng 2 – 3 phút.
Tác dụng: Thanh Thần chí, đuổi nội nhiệt, thông Đốc mạch, củng cố biểu phận, thư cân mạch; dùng để điều trị ngón tay đau duỗi khó khăn, đau cứng gáy, đau đầu, chảy máu mũi, đau mắt, ù tai, điếc tai, sốt rét, động kinh, tiểu đỏ.
Huyệt Liệt khuyết
Lạc huyệt của Phế, huyệt giao hội của Nhâm mạch với kinh Phế. Huyệt này còn có tên Đồng huyền, Uyển lao.
Vị trí: Cách nếp cổ tay 1,5 thốn (khoảng 1 đốt rưỡi ngón chỏ người bệnh) phía ngoài xương quay. Dùng ngón cái ấn và day huyệt Liệt khuyết 2 – 3 phút.
Tác dụng: Tuyên phế khu phong, sơ thông kinh lạc, thông điều Nhâm mạch; dùng để điều trị đau sưng cổ tay, ho, đau ngực, cảm cúm, viêm khí quản, tiểu khó, các bệnh ở cổ gáy.
Huyệt Nội quan
Lạc huyệt của Tâm bào, giao hội huyệt của kinh thủ quyết âm và âm duy mạch.
Vị trí: Từ huyệt Đại lăng đo lên 2 thốn (khoảng 2 đốt ngón chỏ người bệnh), giữa gân cơ gan bàn tay lớn và gan bàn tay bé. Dùng đầu ngón tay cái ấn vào huyệt Nội quan vừa ấn vừa day 2 – 3 phút.
Tác dụng: Thanh tâm bào, sơ tam tiêu, định tâm an Thần, hòa vị, lý khí, trấn thống; dùng để điều trị đau tại chỗ, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn, đầy bụng.
Huyệt Hợp cốc
Nguyên huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên Hổ khẩu.
Vị trí: Ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng ra, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia để vào hố khẩu tay này. Đặt áp đầu ngón tay lên lưng bàn tay, giữa 2 xương bàn tay 1 và 2; đầu ngón cái ở đâu chỗ đó là huyệt. Thường huyệt nằm ở mu cao nhất, giữa xương bàn ngón 1 và 2 (khép bàn tay lại). Dùng ngón tay cái bấm vào huyệt Hợp cốc ấn xuống và day khoảng 2 – 3 phút.
Tác dụng: Phát biểu giải nhiệt, sơ tán phong tà, thanh tiết phế khí, thông giáng trường vị, trấn thống, thông lạc; dùng để điều trị tại chỗ; đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng, liệt mặt, đau đầu, trúng phong, sốt cao không ra mồ hôi, kinh bế.
Huyệt Ngoại quan
Nguyên huyệt: Lạc huyệt của Tam tiêu, một trong bát mạch giao hội thông ở Dương duy mạch.
Vị trí: Trên nếp gấp cổ tay 2 thốn (khoảng 2 đốt ngón chỏ người bệnh), giữa xương quay và xương trụ. Ấn và day huyệt ngoại quan 2 – 3 phút.
Tác dụng: Khu lục dâm ở biểu, sơ uất nhiệt ở tam tiêu, sơ giải biểu nhiệt, thông khí trệ ở kinh lạc; dùng để điều trị đau tại chỗ, run tay, co tay khó, ù điếc tai, đau đầu, giải nhiệt ngoại cảm.
Ngoài các thao tác day, ấn huyệt ở trên thì chúng ta làm thêm các động tác xoa bóp ở chính điểm bị đau và các phần xung quanh, lắc cổ nhẹ nhàng về hai bên sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Lê Thắng