Sự thay đổi nhiệt đột ngột ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó tạo cơ hội cho các bệnh đường hô hấp bùng phát. Để chủ động phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong thời tiết rét đậm, mỗi người cần phải nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng.
Thời tiết rét đậm, cơ thể con người rất nhạy cảm và dễ bị nhiễm các bệnh đường hô hấp. Ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng đảm bảo năng lượng chống được cái lạnh của môi trường.
Các bệnh thường gặp nếu nhẹ chỉ là cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi họng cấp, nặng hơn sẽ là viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Riêng với trẻ em, những chứng bệnh cúm, sởi, rubella, quai bị , tiêu chảy do rotavirus có rất nhiều nguy cơ.
Bên cạnh đó, nhóm bệnh hay gặp khi chuyển thời tiết nữa là bệnh dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, bệnh liên quan đến các tác nhân dị ứng, virus.
Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Phan Bích Nga cho biết, chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh bệnh tật nói chung và bệnh đường hô hấp nói riêng.
Ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường. Chúng ta cần tuân theo những nguyên tắc của chế độ ăn như: ăn đủ tinh bột, đạm động vật, chất béo, dầu, mỡ…
Trong đạm động vật có rất nhiều protein giúp tham gia miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vì vậy, khi đã ăn đủ đạm thì sẽ phòng bệnh tốt nhất là với trẻ nhỏ.
Các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, thịt đỏ… Bên cạnh đó, cần chú ý bổ sung Vitamin cho cơ thể. Vitamin có nhiều trong những loại rau củ có mầu sắc đậm như rau có màu xanh, quả màu đỏ, vàng….
Riêng đối với phòng bệnh hô hấp, cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin bởi Vitamin A tăng cường tế bào biểu mô của hệ hô hấp, tăng cường chất dịch nhày của hệ hô hấp. Những chất dịch nhày này ngăn ngừa sự tấn công của vi trùng, vi khuẩn…
Lưu ý, cần ăn thức ăn nóng, tuyệt đối không ăn thức ăn lấy trong tủ lạnh ra. Bên cạnh đó, nên ăn các loại thức ăn có tính nóng, ấm như ăn thịt bò kho gừng…các loại thức ăn, gia vị có chứa kháng sinh cao như tỏi, nghệ.
Trong tỏi có chất kháng sinh rất mạnh và có chất chống oxi hóa phòng tránh ung thư. Kể cả tỏi ta, tỏi tây và hành lá đều có lượng kháng sinh tốt.
Ngoài ra, mọi người nên uống nước thường xuyên, đừng để cơ thể quá khát nước thì mới uống. Ngoài ra, chúng ta cũng cần bổ sung các loại men probiotic cho cơ thể như ăn sữa chua để tốt cho hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng.
Một số các thực phẩm nên tránh trong mùa đông, đặc biệt đối với người cao tuổi đó là các loại thức ăn chế biến sẵn như chả giò, lạp sườn, xúc xích, thịt nguội, bánh kẹo và rượu bia vì có chứa nhiều muối và các chất bảo quản thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, có thể dẫn đến gánh nặng cho tim, thận, gan.
Ngoài dinh dưỡng hợp lý, mọi người cũng cần chăm lo đầy đủ đến chế độ sinh hoạt và các hoạt động thể chất. Nên mặc quần áo đủ ấm, chú ý giữ ấm vùng đầu cổ, không ở lâu ngoài trời lạnh, ngủ đủ giấc đề phòng cảm lạnh, suy giảm miễn dịch.
Đồng thời, vẫn nên duy trì các hoạt động thể lực thường xuyên như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga một cách hợp lý…
Nếu không đi ra ngoài được lúc trời giá rét cũng có thể tập luyện trong nhà.
Phương Nam