Đại Kỷ Nguyên

Trường hợp hi hữu: Gắp 4 con ong còn sống ra khỏi mắt một người phụ nữ Đài Loan

Các bác sĩ Đài Loan cho biết, lần đầu tiên trên thế giới phát hiện những con ong sống bên trong hốc mắt của một người phụ nữ. Chúng ăn những giọt nước mắt và mồ hôi của cô ấy để tồn tại.

Theo The Sun, có 4 con ‘ong mồ hôi’ dài khoảng 3mm sống trong mắt người phụ nữ ở các bức ảnh được chụp tại Bệnh viện Đại học Fooyin ở quận Pingtung, phía nam Đài Loan. Trường hợp y khoa này nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật: 4 con ong mồ hôi nhỏ lọt vào mắt của một phụ nữ Đài Loan.

Bác sĩ Hong Chi Ting của Bệnh viện Đại học Fooyin cho biết ông đã “sốc” khi rút chân côn trùng ra khỏi mắt bệnh nhân. Những con ong mồ hôi, còn được gọi là Halictidae, bị thu hút bởi mồ hôi và đôi khi bám vào người để ‘ăn’ mồ hôi. Chúng cũng có thể uống nước mắt để sống vì hàm lượng protein cao, theo một nghiên cứu của Hiệp hội côn trùng học Kansas.

“Tất cả chúng đều còn sống”

Khi cô He đang nhổ cỏ quanh mộ người thân thì có một cơn gió thổi vào mắt. Lúc đó cô chỉ cho rằng là bụi bẩn bay vào mắt. Cô đã làm sạch mắt bằng nước để mong rằng đã giải quyết vấn đề. Nhưng vào buổi tối, mắt cô không những chỉ khó chịu mà còn sưng đỏ, đau nhói và chảy nước mắt, khiến cô phải tìm sự trợ giúp y tế.

Ảnh: CTS Taiwan / Youtube)

“Cô ấy không thể nhắm mắt hoàn toàn. Tôi nhìn vào khoảng trống bằng kính hiển vi và thấy thứ gì đó màu đen trông giống chân côn trùng trong mắt của bệnh nhân. Tôi gắp lấy chân và rất chậm lấy ra một con, sau đó tôi thấy một con khác, và một con khác nữa… Tất cả là 4 con ong mồ hôi. Chúng vẫn còn nguyên vẹn và tất cả còn sống”, Bác sĩ Hong – Giáo sư nhãn khoa tại bệnh viện trả lời phỏng vấn tờ BBC.

Bác sĩ cho biết thêm cô ấy thật may mắn vì không dụi mắt khi những con ong ở bên trong. Bởi vì cô ấy đang đeo kính áp tròng nên không dám dụi mắt trong trường hợp cô ấy làm vỡ ống kính. Nếu có, cô ấy có thể khiến những con ong tạo ra nọc độc… và có thể bị mù.

Trang WebMD đã có cuộc trò chuyện với các bác sĩ (không liên quan đến sự chăm sóc của bệnh nhân) làm sáng tỏ về một số khúc mắc trong trường hợp này. Một là bác sĩ Mark Fromer – bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York. Hai là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình David B. Samimi tại Bệnh viện Dignity Health California ở Los Angeles.

Phóng viên (PV) WebMD: Các bác sĩ cho biết làm thế nào mà những con ong có thể lọt vào mắt của người phụ nữ?

Bs. Samimi: Có lẽ chúng đã đi vào hệ thống thoát nước mắt thông qua các lỗ trên mí mắt – được gọi là lỗ thủng. Đây là lỗ hổng cho phép nước mắt chảy vào hệ thống thoát nước và cuối cùng chảy vào mũi. Nghe có vẻ kỳ lạ khi chúng có thể vào đó, nhưng đây là những con ong nhỏ và chúng chỉ to bằng một dầu chấm lớn hơn bình thường.

PV WebMD: Tại sao chúng ở lại được trong đó?

Bs. Fromer: Bề mặt giác mạc là nguồn chất lỏng, luôn chứa muối và glucose ‘sẵn sàng’ cho mắt. Những con ong tìm thấy một ‘ngôi nhà’ – nơi các nguồn dinh dưỡng mà những con ong đang tìm kiếm có sẵn.

Bs. Samimi: Màng nước mắt thực chất là một hồ chứa nước muối, vì vậy những con ong này ăn thức ăn có muối. Đó là một lý do. Và nếu bạn đang khóc, có thể chúng sẽ theo dấu vết của nước mắt mà đi vào bên trong.

PV WebMD: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng không được gỡ bỏ?

Bs. Samimi: Nhiều điều có thể xảy ra. Cơ thể thường phản ứng ngay lập tức với các dị nguyên (những vật thể lạ), đặc biệt là côn trùng. Nó có thể sẽ gây ra một quá trình viêm, và làm tắc đường ra của nước mắt.

PV WebMD: Bác sĩ điều trị đã khen ngợi cô ấy vì đã không dụi mắt. Điều đó, có ý nghĩa gì?

Bs. Samimi: Đúng thế, việc chà xát có thể đã gây ra vết rách bên trong và đẩy côn trùng sâu hơn vào mí mắt. Hơn nữa sẽ làm cho những con ong thải độc tố. Như vậy, sẽ tăng nguy cơ bị mù lòa.

Trường hợp bệnh nhân trên tiên lượng phục hồi khá tốt. Như vậy, nếu có bất kỳ một dị vật nào đó chẳng may bay vào mắt, bạn nên nhớ một số bước xử lí như sau:

  1. Tuyệt đối không được dụi mắt
  2. Rửa mắt bằng nước sạch hoặc nhỏ nước mắt thật nhiều để dị vật có thể trôi ra
  3. Nếu tình trạng không cải thiện. Mắt sưng đau nặng hơn, hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn.

Ngọc Diệp
Tham khảo The Sun, BBC, WebMD

Xem thêm:

Exit mobile version