Cây ích mẫu là một trong những vị thuốc quý của nền Y học cổ truyền với công dụng chủ yếu là dành cho phái nữ. Ngay từ cái tên cũng đã cho ta thấy phần nào tác dụng của vị thuốc này: ích mẫu nghĩa là có ích cho người mẹ. 

Tương truyền thời xưa, ở chân núi Đại Cố, có một cô thôn nữ hiền lành tên là Tú Nương. Sau khi lấy chồng được mấy tháng thì nàng có mang. Một hôm, Tú Nương đang ngồi trong nhà dệt vải, bỗng nghe có tiếng vó ngựa ầm ầm. Cô nhìn ra cửa, thấy có một con nai chân bị thương tập tễnh chạy vào nhà, nghênh đầu kêu “be, be” hết sức đáng thương. Tú Nương nhìn về phía xa thấy có một toán thợ săn đang phi ngựa đến. Cô liền dẫn con nai trốn xuống gầm ghế mình đang ngồi và lấy chăn che kín lại. Khi tốp thợ săn tới trước cửa, hỏi có thấy con nai hay không, cô làm như chẳng có chuyện gì, cứ tiếp tục dệt vải và điềm nhiên trả lời: “Nó đã chạy về phía đông rồi!”. Toán thợ săn  liền phóng ngựa đi. Đợi họ đi khuất cô mới gọi con nai ra và chỉ: “Hãy mau chạy ngay về phía tây!”. Con nai như hiểu ý, cảm kích gật đầu mấy cái, rồi khập khiễng chạy về phía tây.

Con nai được Tú Nương cứu khỏi nhóm thợ săn. (Ảnh: kienthuc.net.vn)

Vài tuần sau, Tú Nương trở dạ, không may lại bị chứng khó đẻ. Bà đỡ cố gắng mãi, nhưng cũng đành bó tay. Người chồng mời thầy thuốc đến khám, cho uống đủ thứ thuốc thúc đẻ cũng vẫn vô dụng. Trong khi đó mẹ chồng cô cũng đến chùa thắp hương cầu thần linh phù hộ. Cả nhà nhìn Tú Nương bụng quằn quại và không thể cầm nổi nước mắt. Đúng lúc ấy con nai xuất hiện, miệng ngậm mấy nhánh cây, tiến tới gần chỗ Tú Nương mắt đang đẫm lệ, miệng kêu “be, be”. Tú Nương mở mắt, nhận ra đó chính là con nai đã được mình giải thoát mấy tháng trước. Cô liền hiểu ý và bảo chồng lấy mấy nhánh cây từ miệng con nai đem sắc lên cho mình uống. Con nai gật đầu mấy cái rồi chạy trở về núi. Uống xong bát thuốc, chỉ một lát sau Tú Nương đã cảm thấy cơn đau dịu bớt, toàn thân khoan khoái. Chẳng bao lâu đã nghe tiếng trẻ khóc “oe oe”…

Cây ích mẫu mà con nai mang đến đã cứu được mẹ con Tú Nương. (Ảnh:
medium.com)

Biết được tác dụng kỳ diệu của cây thuốc con nai mang tới, người chồng liền lên núi tìm kiếm và nhổ về trồng ở quanh nhà, dùng làm thuốc chữa bệnh cho phụ nữ trong thôn. Kinh nghiệm quý báu đó đã lan rộng và lưu truyền tới tận ngày nay. Dân gian còn để lại hai câu thơ nổi bật lên công dụng của loài cây này:

Nhân trần, ích mẫu đi đâu

Để cho gái đẻ đớn đau thế này!

Sơ lược vài nét về cây ích mẫu

Ích mẫu còn có tên gọi khác là ích minh, cây sung úy, làm ngài, xác điến, cây chói đèn (dân tộc Tày), chạ linh lo (dân tộc Thái). Tên khoa học là Leonurus heterophyllus, họ Lamiaceae (họ Hoa Môi), là loại cây mọc hoang ở nước ta và nhiều nước khác trên thế giới (ngày nay đã được trồng để đáp ứng nhu cầu).

Cây ích mẫu là loại cỏ sống 1 – 2 năm, cao 0,6 – 1m. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây thường gọi là ích mẫu thảo; quả gọi là sung uý tử. Sau khi trồng được 3 – 4 tháng, khi cây bắt đầu ra hoa mới cắt để lại các chồi gốc cho cây tiếp tục phát triển. Thu hoạch cây vào lúc trời nắng, rửa sạch, dùng tươi, hay phơi trong râm để héo đem nấu cao, hoặc phơi khô để dùng dần.

Thành phần hóa học: toàn cây ích mẫu chứa leonurin, atachydrin, leonuridin. Ích mẫu Việt Nam chứa 3 alcaloid (trong đó có alcaloid có N bậc 4), 3 flavonosid (trong đó có rutin), 1 glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin. Y học nhận thấy các hoạt chất của ích mẫu có tác dụng trên tử cung, huyết áp, tim mạch, hệ thần kinh, ức chế một số vi khuẩn gây bệnh; ngoài ra có tác dụng đối với viêm thận và phù thũng cấp.

Công dụng của ích mẫu theo Đông y

Ích mẫu có vị cay đắng, tính mát, đi vào kinh can và tâm bào nên có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, sinh tân (thải huyết ứ, sinh huyết mới), tiêu thủy nên còn là thuốc có tác dụng trị nhiều bệnh cho chị em như chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, kinh nguyệt ra nhiều, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, giảm đau, giúp dễ đẻ, thống kinh, bế kinh, phù nề cổ trướng…

Hạt ích mẫu có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng bổ can thận, ích tinh sáng mắt, bổ huyết, hoạt huyết và điều kinh. Hạt có tác dụng làm cho dạ con mau co lại, thuốc lợi tiểu. Mỗi ngày dùng 6 – 12g thân lá hoặc hạt sắc uống.

Không nên dùng cho phụ nữ có thai. (Ảnh: duocnguyensinh.com)

Chú ý: không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ, phụ nữ mang thai.

Bài thuốc dùng ích mẫu

Bài 1: Ích mẫu thảo 20g

Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (ngắn vòng), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh

Sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh.

Bài 2: Ích mẫu thảo 20g, ngưu tất, rau dừa nước mỗi vị 15g sắc

Chủ trị: Chữa sau khi đẻ phù thũng, hoặc có thai đi đứng nhiều, xuống máu chân

Bài 3: Ích mẫu thảo 30 – 60g, nấu với trứng gà hay thịt gà, ăn bình thường.

Chủ trị: Suy nhược toàn thân và cằn cỗi ở phụ nữ

Dùng ngoài: lấy cây tươi giã đắp trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.

Hạt ích mẫu (sung úy tử): chữa phù thũng, thiên đầu thống, thông tiểu.

Một số món ăn thuốc trị bệnh từ ích mẫu

Các trường hợp bế kinh, mất kinh: Dùng món “Đậu đen hầm ích mẫu thảo”

Ích mẫu thảo 30g (gói trong vải xô), đậu đen 30g, đường đỏ 30g. Nấu đến khi đậu đen chín nhừ, vớt bỏ bã thuốc, thêm 30ml rượu khuấy đều cho uống.

Phụ nữ kinh nguyệt không đều: dùng “Canh trứng gà ích mẫu”

Ích mẫu thảo 50g, hồng hoa 10g, sài hồ 10g, trứng gà 2 quả. Tất cả cùng đem nấu, khi trứng chín, đập bỏ vỏ trứng, đặt lại 2 quả trứng chín vào nồi nấu tiếp, vớt bỏ bã thuốc, cho thêm ít đường và gia vị, ăn trứng và uống nước canh, sáng và tối.

Bế kinh, tắt kinh sớm do huyết hư, suy nhược cơ thể: dùng “Chè ích mẫu đại táo”

Ích mẫu thảo 30g, đại táo 30 quả, gừng tươi 20g, đường 60g. Tất cả cùng đem nấu nước uống thay nước chè. Ngày sắc 1 lần, cho uống trong ngày. Uống vào trước kỳ kinh 5 – 10 ngày liền.

Yến Dương