Đại Kỷ Nguyên

Truyền thuyết về cây Kỷ tử và công dụng trị bệnh hiệu nghiệm

Kỷ tử là vị thuốc quý thường dùng trong Đông y. Nó vốn là cây thần trên thiên giới, hội tụ tinh hoa trời đất được tạo hóa ban tặng cho nhân loại.

Đây là loại cây mọc thành bụi, chịu lạnh tốt; lá, quả và rễ đều có thể dùng làm thuốc. Theo Tân Bản Thảo Bị Yếu, lá non của cây Kỷ Tử được gọi là “Thiên Tinh Thảo”, hoa gọi là “Trường Sinh Thảo”, quả gọi là “Sơn Địa Quả”, rễ gọi là “Địa Cốt Bì”, đều có công dụng bồi bổ sức khỏe. Trong đó, quả có thể làm thức ăn, lá có thể pha trà, đều là những vị thuốc bổ hàng đầu. Hơn nữa, cây Kỷ Tử đã từng xuất hiện nhiều lần trong những quẻ bói viết bằng chữ giáp cốt vào thời nhà Thương. Có thể thấy rằng tổ tiên của chúng ta vào thời kỳ đầu của nền văn minh đã biết về cây Kỷ Tử.

Truyền thuyết về Kỷ tử

Kỷ Tử vốn là cây Thần trên thiên giới, hội tụ tinh hoa của trời đất, nàng (bởi vì bản thân cây Kỷ Tử rất có linh khí, toàn thân đều rất quý, cho nên người viết nhân cách hóa gọi là “nàng”) sống vui vẻ, mộc mạc trong khu vườn tiên của mình. Chỉ vì Đấng Tạo Hóa thấy rằng “thân thể người” đáng được trân trọng, cho nên mong muốn cây Kỷ Tử có thể giúp con người cải thiện sức khỏe để chống chọi lại những nhân tố xấu bên ngoài, cuối cùng tìm ra con đường thực sự quay trở về, do vậy đã đem cây Kỷ Tử trồng xuống nhân gian. Sáng Thế Chủ bảo nàng phải chờ đợi con người phát hiện ra nàng, hiểu được nàng, thì lúc đó nàng mới hoàn thành trách nhiệm và sứ mệnh của mình.

Dưới sự an bài có trật tự của Đấng Tạo Hóa, tổ tiên chúng ta vì khát nước hoặc đói bụng hoặc gai trên thân nàng vô tình mắc vào cánh tay người nào đó khiến họ chú ý, thế là họ tiện tay hái quả hoặc lá đưa vào miệng, phát hiện có vị ngọt hơi đắng, rất ngon. Chỉ có điều trên thân nàng có nhiều gai, mỗi lần hái không được nhiều quả và lá nên phải hái nhiều lần, kết quả phát hiện ra lâu dần thân thể trở nên nhẹ nhàng, khỏe mạnh, mắt tinh, tai thính.

Có rất nhiều truyền thuyết về thảo dược này, trong đó có câu chuyện: Ở Nhuận Châu có chùa Khai Nguyên, trong chùa có một cái giếng, cạnh giếng mọc rất nhiều cây Kỷ Tử, cao khoảng 1 – 2 trượng (1,7 – 3,4m), rễ cây chằng chịt, to khỏe, người trong chùa uống nước giếng này sắc mặt ai ai cũng hồng hào, thậm chí người 80 tuổi mà tóc không bạc, răng không rụng. Nhà thơ đời Đường – Lưu Vũ Tích một lần đến thăm quan Chùa Khai Nguyên, sau khi nghe lão hòa thượng kể về tác dụng thần kỳ của nước giếng Kỷ Tử, liền làm một bài thơ có tựa đề “Giếng Kỷ Tử”.

Lại có câu chuyện, vào đời Đường (Trung Quốc), tể tướng Phương Huyền Linh do giúp Đường Thái Tông Lý Thế Dân cai quản triều chính nên phải suy nghĩ căng thẳng, khiến cả tinh thần lẫn thể chất suy kiệt. Tể tướng được quan Thái y cho dùng món canh kỷ tử nấu với ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) thường xuyên nên sức khỏe dần phục hồi, tinh thần tráng kiện.

Kỷ tử còn được gọi là “Minh mục tử” do có tác dụng làm sáng mắt. Chuyện xưa kể rằng: Ở Ninh An, tỉnh Ninh Hạ, Trung Quốc, có người vợ khóc chồng nên mù cả hai mắt. Để chữa bệnh cho mẹ, con gái tên là Câu Hồng Quả đã ngày đêm leo đèo, lội suối để tìm thuốc. Cảm tấm lòng hiếu thảo của cô gái, tiên ông Bạch Hổ Tử đã chỉ cô hái thuốc câu kỷ tử cho mẹ cô uống. Sau thời gian uống thuốc, mắt của mẹ cô gái sáng trở lại một cách thần kỳ.

Công dụng của Kỷ tử

Huyền thoại về cây thuốc thường được dựa trên công dụng thực chữa bệnh của nó. Theo Đông y, Kỷ tử vị ngọt, tính bình, vào ba kinh Can, Thận và Phế; có công dụng tư bổ Can, Thận, dưỡng huyết minh mục và nhuận Phế; thường dùng để chữa can thận âm suy, lưng gối yếu mỏi, đầu choáng mắt hoa, mắt nhìn không rõ, di tinh, vô sinh…

Can có chức năng tàng huyết, chủ về cân, khai khiếu ở mắt; Thận tàng tinh, chủ về xương, khai khiếu ở tai. Hai cơ quan này đều nằm ở phần dưới của cơ thể (hạ tiêu), có chức năng tương hỗ lẫn nhau, “Ất quý đồng nguyên, Can Thận đồng trị”.

Nếu Can Thận âm hư, tinh và huyết đều thiếu không thể nuôi dưỡng mắt đầy đủ được mà phát sinh chứng trạng hoa mắt, mắt mờ, thị lực giảm sút… Kỷ tử là vị thuốc vào được cả kinh Can và Thận, một mặt bổ ích Thận tinh, một mặt bổ dưỡng Can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, điếc, lưng đau gối mỏi… và đặc biệt là chữa được di tinh, liệt dương dùng trong hiếm muộn, vô sinh.

Món ăn bài thuốc từ Kỷ tử

Ảnh: Thinstock

1. Trị mắt đỏ, mắt sinh mộc thịt: Kỷ tử giã nát lấy nước, điểm 3 – 4 lần vào khóe mắt, rất hiệu nghiệm (Trửu Hậu Phương).

2. Trị gan viêm mạn tính, gan xơ do âm hư: Bắc sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Đương quy 12g, Kỷ tử 12 – 24g, Sinh địa 24 – 40g, Xuyên luyện tử 6g, sắc nước uống (Nhất Quán Tiễn – Liễu Châu Y Thoại).

3. Trị Can Thận âm hư, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, mắt mờ, hoa mắt, hoặc đau rít sáp trong mắt: Câu kỷ tử, Cúc hoa mỗi thứ 12g, Thục địa 16g, Sơn dược 8g, Phục linh, Đơn bì, Câu kỷ tử mỗi thứ 6g. Tán bột trộn làm viên. Mỗi lần uống 12g ngày 2 lần, với nước muối nhạt (Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư).

4. Trị thận hư, tinh thiếu, lưng đau, vùng thắt lưng đau mỏi: Câu kỷ tử, Hoàng tinh, 2 vị bằng nhau, tán bột, luyện mật làm viên, mỗi lần 12g, ngày uống 2 lần với nước nóng (Câu Kỷ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

5. Cháo Kỷ tử làm sáng mắt, bổ não:

Nguyên liệu: Câu kỷ tử 30g, dâu tằm (tang thầm) 30g, gạo nếp 60g, đường phèn.

Cách làm: Rửa sạch các vị rồi cho vào nồi nấu thành cháo. Khi ăn cho thêm đường phèn.

Công dụng: Bổ Can Thận, dưỡng huyết, ích trí, làm sáng mắt, thích hợp với những người bị giảm thị lực, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, tóc bạc sớm… do huyết hư, Can Thận suy yếu.

Exit mobile version