Đại Kỷ Nguyên

Từ 1/1/2019, bệnh nhân ung thư được BHYT chi trả tiền thuốc thế nào?

Theo thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/1/2019, Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc…

Cụ thể, thông tư 30/2018/TT-BYT quy định thanh toán đối với các thuốc điều trị ung thư như sau:

Chỉ được sử dụng để điều trị ung thư tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng điều trị ung thư (cơ sở ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân; các khoa, đơn vị ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân trong viện, bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa) và phải do bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn là ung bướu hoặc huyết học truyền máu chỉ định.

Trường hợp sử dụng để điều trị các bệnh khác không phải ung thư: Quỹ BHYT thanh toán theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc của bệnh viện. Trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị thì phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Nếu chưa có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và không có bác sĩ chuyên khoa ung bướu thì phải được hội chẩn dưới sự chủ trì của lãnh đạo bệnh viện trước khi chỉ định sử dụng.

Người bệnh bị ung thư có sử dụng thuốc Doxorubicin đường tiêm, dạng liposome; thuốc Erlotinib đường uống; thuốc Gefitinib đường uống; thuốc Sorafenib đường uống trước ngày 1/1/2015 và còn sử dụng sau ngày 1/1/2019, sẽ tiếp tục được thanh toán với tỷ lệ 100%.

Đối với người bệnh bị ung thư sử dụng thuốc Everolimus, đường tiêm, uống; thuốc L-asparaginase erwinia đường tiêm; thuốc Paclitaxel đường tiêm, dạng liposome và dạng polymeric micelle trước ngày 1/12019 và còn sử dụng sau đó; hoặc thuốc Sorafenib đường uống sau ngày 1/1/2015 và còn sử dụng sau ngày1/1/2019, sẽ tiếp tục được Quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT.

Quy định này áp dụng trong các trường hợp:

– Sử dụng cho đến hết liệu trình điều trị (từ thời điểm khi người bệnh được chẩn đoán xác định, bắt đầu điều trị đến kết thúc điều trị).

– Trường hợp sau khi điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh chuyển sang cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc này nhưng vẫn trong liệu trình điều trị (trừ trường hợp điều trị ngoại trú trái tuyến).

– Người bệnh điều trị bệnh tạm ổn và dừng điều trị, khi tái phát, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc đã điều trị.

– Trong quá trình điều trị, người bệnh không đến khám lại đúng hẹn, điều trị thuốc không liên tục.

– Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc Erlotinib, đường uống có tác dụng phụ hoặc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hết thuốc, bác sĩ chỉ định chuyển sang thuốc Gefitinib, đường uống và ngược lại (chuyển đổi từ thuốc Gefitinib, đường uống sang thuốc Erlotinib, đường uống).

Bên cạnh đó, thông tư 30/2018/TT-BYT còn quy định thanh toán đối với một số thuốc như các dạng đồng phân hóa học khác hoặc các dạng muối khác của hoạt chất (kể cả dạng đơn thành phần và dạng phối hợp đa thành phần, trừ vitamin và khoáng chất) có trong Danh mục thuốc tại Phụ lục 01 đều được Quỹ BHYT thanh toán nếu có cùng chỉ định với dạng hóa học hay tên thuốc ghi trong Danh mục thuốc.

(Tổng hợp)

Exit mobile version