Đại Kỷ Nguyên

Từ bài học suýt mất mạng vì tự phá thai… hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định

Tối 10/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã cấp cứu một bệnh nhân chảy máu âm đạo, đau bụng nhiều. Người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng tử cung và có dị vật hình que dài hơn 14 cm chọc vào tử cung.

Bệnh nhân 27 tuổi, trú tại huyện Na Hang (Tuyên Quang). Theo người nhà của bệnh nhân, mấy ngày trước, bệnh nhân nhờ người quen phá thai bằng thảo dược, sau đó, đặt que “thuốc” để… cầm máu và tránh bị sốt. Khi bị đau bụng và chảy máu nhiều, người bệnh mới được người nhà đưa đi khám.

Hình ảnh kết quả siêu âm phát hiện que “thuốc” đặt trong âm đạo. (Ảnh dẫn theo Dân trí)

Các bác sĩ khoa Phụ sản và khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang đã làm thủ thuật rút que ra khỏi tử cung thành công. Bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại khoa Phụ sản – Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang.

Que “thuốc” đặt trong âm đạo sau khi được lấy ra. (Ảnh dẫn theo Dân trí)

Theo các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, đây không phải là trường hợp đầu tiên phải cấp cứu do tự phá thai bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Đa phần người bệnh cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng, mất máu, thủng tử cung hoặc thai chưa được đẩy ra hết, bị sót và nhiễm khuẩn.

Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới

Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phương – Phó Chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam, thống kê cho thấy, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, khoảng 1,52 triệu ca mỗi năm. Ước tính mỗi phụ nữ Việt Nam phải trải qua việc phá thai 2,5 lần trong đời và cứ 4 ca thì có 1 ca là phá thai không an toàn, chiếm 13% nguyên nhân tử vong mẹ. Trong khi ở nhiều nước khác, việc phá thai được luật hóa và quản lý chặt chẽ thì tại vấn đề phá thai gần như không được kiểm soát và có xu hướng gia tăng đột biến với các cơ sở phá thai công khai và bán công khai mọc lên khắp nơi.

Có thể dễ dàng tìm thấy các cơ sở phá thai công khai (Ảnh: sưu tầm)

Những hậu quả khi phá thai

Cho dù phá thai bằng bất cứ hình thức nào, thì đều để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe cũng như tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi nạo phá thai như: nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, sót thai, rong kinh, sẹo ở tử cung, thủng tử cung, chửa ngoài dạ con, sẩy thai hoặc đẻ non, vô sinh, ám ảnh về tâm lý…

1. Thai chết lưu

Thai chết lưu là hiện tượng thai bị chết nhưng vẫn nằm lại trong tử cung của người mẹ. Điều nguy hiểm đối với người bị thai lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ. Qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con, gây nhiễm khuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển lan vào buồng tử cung, cổ tử cung, âm đạo và các cơ quan lân cận, gây nên tình trạng nhiễm trùng rất nặng.

Hơn nữa, khi thai lưu quá lâu trong tử cung, người mẹ có thể bị rối loạn đông máu gây băng huyết nặng, rất nguy hiểm cho tính mạng.

2. Thai dị tật

Không phải tất cả các trường hợp phá thai bằng thuốc đều thành công. Nếu dùng phải thuốc hỏng hoặc dùng không đúng cách, việc uống thuốc phá thai có thể vô tác dụng. Thai sẽ vẫn phát triển trong bụng người mẹ nhưng không bình thường, khuyết tật, dị dạng. Điều này rất nguy hiểm đối với tương lai của đứa bé sau khi ra đời.

3. Viêm nhiễm buồng trứng

Phá thai nhiều lần sẽ làm sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, mở đường cho sự xâm nhập của vi khuẩn vào đường âm đạo, gây viêm buồng trứng, tắc vòi trứng dẫn đến nguy cơ vô sinh và nhiều vấn đề khác.

4. Dính cổ tử cung và buồng tử cung

Hành động phá thai nếu lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến buồng tử cung và cổ tử cung bị bám dính, có thể bị xuất huyết vùng chậu hoặc trào ngược máu vào trong khoang bụng, gây lạc nội mạc tử cung cũng như đau bụng dưới theo chu kỳ.

5. Viêm cổ tử cung và viêm nội mạc tử cung

Sau khi phá thai, lớp nội mạc tử cung không thể được phục hồi hoàn toàn trong một thời gian ngắn. Nếu sau đó lại tiếp tục nạo, phá thai, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập gây viêm cổ tử cung hoặc viêm nội mạc tử cung, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng (Ảnh: Nutri.S daily)

6. Mất kinh, rối loạn kinh nguyệt

Phá thai nhiều lần làm cho nội mạc tử cung chưa lành lại bị tổn thương lặp đi lặp lại, dễ khiến các chức năng của lớp nội mạc tử cung bị mất đi và không được tái phục hồi. Do đó sẽ dẫn đến hiện tượng vô kinh. Ngoài ra, phá thai liên tục dễ khiến cho người phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố, nên cũng có thể xảy ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, về lâu dài nếu không được điều trị sẽ dẫn tới vô sinh.

7. Gây ra tình trạng sinh khó và sót nhau

Phá thai là cạo đi lớp nội mạc tử cung. Nếu số lần phá thai càng nhiều thì lớp nội mạc tử cung bị tổn thương càng lớn. Sau nhiều lần phá thai, người phụ nữ khi có thai trở lại dễ bị sinh khó và sót nhau.

8. Nguy cơ vô sinh

Nguy cơ vô sinh thứ phát của những phụ nữ đã từng phá thai ít nhất một lần cao gấp 3 – 4 lần những người phụ nữ khác.

Nguyên nhân gây vô sinh sau thủ thuật phá thai (đặc biệt là phá thai nhiều lần) là ống dẫn trứng sẽ không hoạt động bình thường, có thể bị tình trạng kết dính, cũng có thể tắc nghẽn… khiến rối loạn chức năng rụng trứng, do đó ảnh hưởng đến quá trình tinh trùng di chuyển.

Trầm cảm (Ảnh minh hoạ: Sản phụ khoa)

9. Trầm cảm

Nhiều người sau khi nạo phá thai thường có tâm trạng sợ hãi, trầm cảm và ám ảnh, mất ăn mất ngủ trong một thời gian dài. Sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường bị hoang mang, ám ảnh, nhất là mỗi khi nhìn thấy các thai phụ. Ngoài ra, khi lập gia đình cũng khiến họ mặc cảm do những vết thương mình đã gây ra. Nhiều trường hợp cho thấy đó là nguyên nhân khiến vợ chồng mâu thuẫn.

Mặc dù chỉ là một thủ thuật đơn giản của sản khoa, nhưng những hậu quả của việc nạo phá thai là vĩnh viễn và nặng nề. Phá thai không phải là giải pháp duy nhất, luôn có những tổ chức thiện nguyện có thể tư vấn và hỗ trợ bạn (tham khảo: yeususong.com). Hãy cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định!

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version