Ngộ độc khí gas trong không gian kín làm người bị nạn tử vong rất nhanh nếu như không được phát hiện và có dụng cụ cứu hộ ứng phó kịp thời.
Trưa 11/4 vừa qua, tại Tân Cảng Miền Trung (ở P.Hải Cảng, Tp.Quy Nhơn, Bình Định) xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến 3 thủy thủ trên tàu hàng Thành Công 98 (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Mỹ Phát, trụ sở tại Đồng Nai) bị chết ngạt, theo Thanh Niên. Điều tra ban đầu cho thấy khí gas phát sinh trong hầm tàu là do những vết mật mía chuyến hàng trước còn sót lại.
Không chỉ trên tàu, nhiều nơi cũng được thiết kế không gian kín để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và chứa hàng hóa. Trong không gian này luôn có những mối nguy hiểm về hô hấp từ một số nguồn như khí gas, hơi hydrocacbon, thiếu oxy, các chất độc như benzen, hydro sulfua có thể còn lại do cặn bã của các hàng hoá khác nhau để lại, hoặc do sơ suất của người dùng. Các hộ gia đình có dùng khí gas cũng cần lưu tâm trong vấn đề bảo trì và cẩn thận trong việc đóng mở dụng cụ chứa gas
Có nhiều nguy hiểm dẫn đến chết người do đi vào không gian kín mà không có sự giám sát và đúng quy trình. Hơn nữa, tâm lý nóng vội cứu người của những người bên ngoài mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ làm gia tăng số người tử vong. Sau đây là một số kiến thức về khí gas và cách xử lí khi gặp sự việc này.
Không gian kín luôn tiềm ẩn nguy cơ
Không khí trong khu vực kín có thể chứa khí hoặc hơi độc hoặc khí dễ cháy, bị thiếu oxy, đến mức mà nó có thể gây nguy hiểm cho tính mạng con người và tiềm ẩn cả các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Một kết quả nghiên cứu đã cho thấy: Con người sẽ bị mất ý thức hoặc bị ngạt nếu không khí trong khu vực làm việc phát sinh khói, hơi hay thiếu oxy, thiếu oxy sẽ ảnh hưởng đến não nhanh hơn bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể:
- Nếu hàm lượng oxy trong không khí giảm xuống dưới 21% hơi thở trở nên nhanh hơn, sâu hơn và nhanh mệt hơn. Sự suy giảm sẽ khác nhau cho mỗi cá nhân và một số người sẽ trở thành vô thức.
- Dưới 16% não nhanh chóng bị ảnh hưởng
- Dưới 10% nhanh bất tỉnh và con người sẽ chết nếu không khí trong lành không được bổ sung kịp thời.
- Khi nồng độ oxy dưới 5% con người sẽ bị bất tỉnh ngay lập tức, não sẽ bị tổn thương và không có khả năng hồi phục lại được.
Tình trạng ngạt khí gas là gì?
Thủ phạm gây ngộ độc khí gas chủ yếu là khí CO. Với nồng độ thấp lan tỏa trong không khí, nếu ai hít phải sẽ nhanh chóng bị thâm nhập vào máu. Trong thời gian rất ngắn, nó chiếm giữ vị trí gắn vào hồng cầu của oxy trong cơ thể người, làm cho hàm lượng oxy trong cơ thể giảm xuống gây nên thiếu oxy ở đại não.
Khi khí gas rò rỉ, ta dễ ngửi thấy mùi nồng nặc đặc trưng của nó. Nếu ngộ độc nhẹ, người bị nạn sẽ có triệu chứng chóng mặt, đau đầu, ù tai, tức ngực và buồn nôn. Ngộ độc nặng, có hiện tượng toát mồ hôi, tinh thần hoảng loạn, da tái nhợt, bước đi không vững, thị lực giảm, nhanh chóng lâm vào trạng thái hôn mê, chân tay co giật, da tím ngắt và dẫn tới tử vong.
Đối với những không gian kín chuyên dụng như hầm tàu, hầm chứa nguyên liệu ở các nhà máy cần lưu ý:
Biện pháp phòng hộ trước khi đi vào không gian kín
Thăm dò thử nghiệm không khí trước khi đi vào không gian kín: máy đo khí đảm bảo tiêu chuẩn, có thiết bị phát hiện khí gas
Trang bị các thiết bị bảo vệ hô hấp: thiết bị thở có sẵn bình nén khí, thiết bị thở có ống dẫn không khí, mặt nạ có hộp lọc khí, mặt nạ có ống khí.
Sẵn sàng các bình dưỡng khí (SCBA) dự phòng , dây thừng, cáng cứu thương và các trang thiết bị cấp cứu, hỗ trợ
Xử lý khi gặp trường hợp ngộ độc khí gas trong hầm kín
- Kéo chuông báo động chung
- Tập hợp đội ứng cứu sự cố
- Người chịu trách nhiệm chỉ đạo đội ứng cứu
- Người được phân công đeo bộ bình dưỡng khí (SCBA) và mang theo bộ đàm, thiết bị thở thoát hiểm sự cố (EEBD), đèn pin và dây nịt cứu hộ đi vào không gian kín. Trước khi vào kiểm tra SCBA và buộc dây cứu sinh vào người
- Cử người trực bên ngoài không gian kín, duy trì liên lạc bằng bộ đàm với người vào bên trong không gian kín và buồng lái, hỗ trợ khi cần thiết
- Chuẩn bị thiết bị để có thể hỗ trợ cẩu, kéo nạn nhân lên (pa lăng, ròng rọc…), nếu cần
- Sơ cứu và tiến hành hồi sức cho nạn nhân
- Thông báo về Công ty qua điện thoại
- Liên hệ với Trung tâm Y tế trên bờ để xin tư vấn (nếu cần)
Không bao giờ một mình cố gắng giải cứu một người bị nạn trong không gian hạn chế. Luôn luôn kêu gọi giúp đỡ, triển khai kế hoạch hoạt động cứu hộ nhanh chóng và thực hiện hiệu quả với hỗ trợ của đội ứng cứu và các thiết bị phù hợp.
Khi gặp trường hợp ngộ độc khí gas trong phòng kín mà không có thiết bị phòng hộ, cần thực hiện một số phương pháp sau để cứu người bị nạn và an toàn cho chính mình:
- Hít một hơi dài, bịt chặt mũi bằng khăn ướt, rồi xông vào phòng, nhanh chóng đóng khóa van bình gas lại và mở tất cả các cửa để cho không khí bên ngoài tràn vào phòng.
- Chạy nhanh ra ngoài hít thở không khí, sau đó tiếp tục vào phòng khẩn trương đưa người bị ngộ độc thoát ra ngoài.
- Kiểm tra mạch đập, tình trạng hô hấp của người bị ngộ độc. Nếu thấy nạn nhân không còn mạch đập và ngừng hô hấp thì phải khẩn trương làm hô hấp nhân tạo.
- Nếu nạn nhân còn tỉnh cho nằm yên tĩnh nghỉ ngơi, tránh cử động chân tay và ổn định tinh thần để giảm bớt tiêu hao ôxy và năng lượng không cần thiết. Nếu trời lạnh, chú ý giữ ấm cho người bị nạn.
- Sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu hỗ trợ để được xử lý kịp thời và điều trị đúng.
Yến Dương