Đại Kỷ Nguyên

Tuyên bố thành công ghép đầu người trên thi thể: Nhiều chuyên gia chỉ trích

Mặc dù chưa đưa ra bằng chứng xác thực, giáo sư Ý tuyên bố đã phẫu thuật ghép đầu người thành công trên thi thể người, và cho biết ông đã sẵn sàng tiến hành trên người sống. Các chuyên gia hàng đầu cho rằng hành động này là vô đạo đức và nguy hiểm.

Cách đây vài ngày, giáo sư phẫu thuật thần kinh người Italy Sergio Canavero, giám đốc tổ chức Turin Advanced Neuromodulation Group tuyên bố đã thực hiện thành công ca ghép đầu trên một thi thể ở Trung Quốc và sẵn sàng tiến hành trên cơ thể sống, theo Independent. Ông Canavero đã hợp tác với nhóm của bác sĩ khoa ngoại cơ xương Nhậm Hiểu Bình (Ren Xiaoping) trong “dự án thay đầu” này và ca phẫu thuật đã được thực hiện tại Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc.

Giáo sư phẫu thuật thần kinh người Italy Sergio Canavero: giám đốc tổ chức Turin Advanced Neuromodulation Group. (Ảnh: urbandictionary.com)

Theo giáo sư người Italy, ca phẫu thuật ghép đầu thành công trên thi thể cho thấy những kỹ thuật mới do ông phát triển nhằm nối lại cột sống, trong đó bao gồm dây thần kinh và các mạch máu, sẽ có hiệu quả. Thử nghiệm cũng cho thấy ca phẫu thuật có thể được hoàn thành trong 18 tiếng theo mục tiêu về thời gian.

Tuy nhiên nhà phẫu thuật chưa đưa ra bằng chứng xác thực nào cho tuyên bố nói trên, ông cho biết sẽ sớm cung cấp bằng chứng trong các ngày tới, “Ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên đã trở thành hiện thực. Báo cáo khoa học sẽ được công bố trong vài ngày tới. Mọi người đều nói đây là việc bất khả thi. Nhưng ca phẫu thuật đã thành công“, Telegraph dẫn lời Canavero.

Ông trở nên nổi tiếng sau nhiều phát biểu gây tranh cãi về kỹ thuật ghép đầu. Một người đàn ông Nga tên Valery Spiridinov, đã đồng ý đông lạnh đầu và ghép vào cơ thể mới từ nguồn hiến tặng.

Bước tiếp theo là hoán đổi toàn bộ đầu giữa hai người hiến nội tạng bị chết não. Và đó cũng là bước cuối cùng để cho ca phẫu thuật ghép đầu chính thức sắp diễn ra“, Canavero phát biểu tại một hội nghị ở Vienne, Áo.

Cộng đồng khoa học chỉ trích

Trước những tuyên bố của giáo sư Canavero, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích công trình của ông là trái đạo đức và nguy hiểm. Các nhà khoa học cảnh báo hiện nay tủy sống không thể được chữa lành nếu bị cắt đứt hoàn toàn. Vì vậy quá trình này có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân hoặc gây ra những vấn đề tồi tệ hơn cho người bệnh và đe dọa xã hội nói chung.

Bác sỹ Jan Schnupp, giáo sư thần kinh học trường đại học Oxford cho biết: “Tôi thấy không thể tưởng tượng được nếu các ủy ban đạo đức của bất kỳ hiệp hội lâm sàng hay nghiên cứu có uy tín nào bật đèn xanh cho ca ghép đầu người sẽ xảy ra trong tương lai”.

Quả thực, cố gắng thực hiện một điều như vậy trong tình trạng kỹ thuật hiện nay không khác gì phạm tội”.

Là một nhà khoa học thần kinh, tôi muốn cam đoan với công chúng rằng tôi hay bất kỳ đồng nghiệp nào của tôi đều nghĩ chặt đầu người trong những thí nghiệm cực đoan khó thành công là không thể chấp nhận“, giáo sư Schnupp nhấn mạnh. “Đó là điều không thể!“.

Theo nhiều chuyên gia, dự án của giáo sư Canavero gần như chắc chắn thất bại. Ngay cả khi thành công, thí nghiệm cũng sẽ gây tổn thương cho mọi bên liên quan và người bệnh có thể “sống không bằng chết”.

Trong một ca ghép đầu đầy đủ, tủy sống và tất cả dây thần kinh chạy qua cổ sẽ bị cắt đứt hoàn toàn và bệnh nhân sẽ bị liệt“, Catherina Becker, giáo sư phát triển thần kinh kiêm phó giám đốc Trung tâm khoa học khám phá não, Đại học Edinburgh, Scotland, nói. “Dù có nhiều phát triển đáng khích lệ trong lĩnh vực y học tái tạo, ở người và tất cả động vật khác, thương tích ở tủy sống hiện nay không có cách chữa trị và sau khi cắt đứt hoàn toàn, chức năng không bao giờ phục hồi“.

GS Catherina Becker nói: trong một ca ghép đầu đầy đủ, tủy sống và tất cả dây thần kinh chạy qua cổ sẽ bị cắt đứt hoàn toàn và bệnh nhân sẽ bị liệt. (Ảnh: thesaurus.com)

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh ông Canavero không đưa ra được bằng chứng chứng minh khả năng thành công của ca phẫu thuật. Và mọi quyết định chỉ được xem là thành công nếu một cá thể sống sót sau quá trình phẫu thuật, đảm bảo được chất lượng cuộc sống.

Trừ khi Canavero hoặc Ren đưa ra bằng chứng thực sự họ có thể thực hiện ghép đầu, hay đúng hơn là toàn bộ cơ thể, trên một động vật lớn và con vật bình phục với đầy đủ chức năng và sống tốt hơn, nếu không toàn bộ kế hoạch này hoàn toàn sai trái về mặt đạo đức“, James Fildes, nhà khoa học nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Cấy ghép, Bệnh viện Đại học Nam Manchester kiêm chuyên gia điều tra nghiên cứu ở Trung tâm cộng tác nghiên cứu truyền nhiễm Manchester của Đại học Manchester, khẳng định.

Ngoài tuyên bố viển vông, Canavero không công bố bằng chứng cho thấy ông ấy có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của một người hay một con vật bằng cách thực hiện ghép đầu“, bác sĩ Fildes cho biết.

Cùng quan điểm, giáo sư Becker cho hay, “Thành công thực sự của một ca ghép đầu phải được đo đếm bằng sự tồn tại lâu dài của phần đầu và cơ thể với chức năng kiểm soát vận động đầu. Điều này rõ ràng không thể đánh giá được ở tử thi và tất cả những gì chúng tôi biết là nó cũng không xảy ra ở cơ thể sống. Do đó, chúng ta cần vô cùng cẩn trọng khi diễn giải thí nghiệm ghép đầu vừa được công bố“.

Còn bác sĩ Hunt Batjer, chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Mỹ, khẳng định, “tôi không mong muốn ca phẫu thuật được tiến hành với bất cứ ai. Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai thực hiện với tôi bởi có nhiều thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết“.

Những ai sẵn sàng chi trả?

Tháng 6 năm ngoái, New York Times (Mỹ) đăng bài viết có tiêu đề “Thay thân thể cho người bại liệt, y học Trung Quốc đột phá hay ngông cuồng?” Theo đó, ông Nhậm Hiểu Bình chuẩn bị thay thân thể mới cho một người bệnh vốn có quyền cao chức trọng nhưng đang bị bại liệt, phẫu thuật có thể thực hiện vào năm 2017. Có người chia sẻ trên mạng rằng chi phí phẫu thuật này là 130 triệu nhân dân tệ (khoảng 19,6 triệu Đô la Mỹ). Giả sử ca thay đầu thành công thì tất nhiên vẫn cần thêm cả núi chi phí để duy trì cho cái sự sống (?) mong manh kia. Như vậy chắc chắn chỉ có cỡ đại gia quan chức mới có thể “đặt hàng” được.

Số tiền chi phí cho lần phẫu thuật là quá lớn, không kể chi phí duy trì cho cuộc sống của người được ghép sau khi phẫu thuật. (Ảnh: youtube.com)

Những năm gần đây Trung Quốc đã liên tiếp bị chỉ trích vì ngành “du lịch ghép tạng“, trở thành nơi cung cấp nội tạng và cơ thể người không nguồn gốc cho cả thế giới. Theo điều tra của nhiều tổ chức độc lập, các luật sư nhân quyền, sở dĩ nước này có nguồn cung tạng khổng lồ như thế là nhờ chiến dịch đàn áp nhắm vào khoảng 100 triệu các học viên Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp bắt đầu khai nổ vào ngày 20/7 năm 1999, bắt giam hàng triệu người tu luyện Pháp Luân Công, thực hành Chân – Thiện – Nhẫn. Rất nhiều người bị bắt làm lao động khổ sai trong các trại cải tạo, đồng thời như một nguồn tạng sống, vừa phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, vừa là nguồn tạng sống cho các bệnh viện quân đội khai thác.

Đại Hải

Exit mobile version