Đại Kỷ Nguyên

Uống nhiều sữa tốt cho xương: Sự thật hay lời nói dối xuyên lục địa?

“Uống sữa tốt cho xương, uống sữa giúp phòng ngừa gãy xương…” là các thông điệp mà các giới chức của bộ ngành y tế sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng, và đặc biệt là các nhà sản xuất và kinh doanh sữa vẫn đang ngày đêm tiếp tục quảng bá tại nhiều nước. Điều này đã trở thành hiển nhiên đúng với nhiều triệu người trên trái đất. Nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy, đó có lẽ chỉ là chiêu thuật để đẩy mạnh tiêu thụ sữa trong dân chúng.

Thực ra thì tiếng to tiếng nhỏ, nghi ngờ những khả năng phòng chống loãng xương, gãy xương…của sữa đã có từ lâu nhưng chưa có được các nghiên cứu nào đủ trọng lượng để khẳng định. Trong khi đó giới công nghiệp thì vừa nhiều tiền, giỏi ăn nói và quan hệ công chúng, lại “lobby” chính trị tốt nên luôn chiếm ưu thế trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt lại càng áp đảo trước các nhà khoa học có thói quen “rụt rè” trong các kết luận của mình.

Sau khi tổng hợp hàng loạt nghiên cứu khác nhau, phỏng vấn những người trong ngành, kết quả các điều tra thì nhà báo khoa học chuyên nghiên cứu về sữa và công nghiệp sữa, ông Thierry Soucar đã cung cấp rất nhiều thông tin và phân tích trong cuốn sách nổi tiếng của mình, Lait, mensonges et propagand (tạm dịch: Sữa, lời dối trá và tuyên truyền). Ông cho rằng, những “diễn văn” của các nhà sản xuất và kinh doanh sữa khuyến cáo nên ăn/uống từ 3 đến 4 phần sữa mỗi ngày, ví dụ: 1 ly sữa, 1 cái yaourt, 1 miếng phomai, 1 chén ngũ cốc trộn sữa) để tốt cho xương…chỉ đơn thuần là lời tuyên truyền. Nếu dùng quá nhiều sẽ tăng khả năng bị ung thư tiền liệt tuyến ở nam, ung thư buồng trứng ở nữ, và bệnh Parkinson ở cả hai giới.

Cuộc tranh luận tẩy chay thông điệp này lại càng nóng lên sau khi các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard công bố kết quả thu được khi cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa sự tiêu thụ sữa của những người vị thành niên và mối nguy gãy xương sau đó trong đời. Đây là một nghiên cứu quy mô rất lớn, thu thập số liệu của 22 năm và có sự tham gia của trên 96.000 người cả nam lẫn nữ (1).

Kết quả cho thấy, thêm một ly sữa hàng ngày ở tuổi vị thành niên là gắn với một mối nguy cơ bị gãy xương háng cao hơn ở đàn ông. Đối với phụ nữ thì uống sữa không liên quan đến việc tăng hay giảm mối nguy này.

Kết luận của các nhà nghiên cứu là: tiêu thụ sữa ở tuổi vị thành niên không giúp giảm nguy cơ gãy xương mà thậm chí còn làm tăng nguy cơ gãy xương ở đàn ông.

Thêm vào đó, theo một nghiên cứu công bố vào năm 2012 trên American Journal of Epidemiology, nếu người nào dùng nhiều sữa và lúc tuổi vị thành niên, thì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt (2).

Thực thế nhiều khảo sát ở những nước phát triển, tiêu thụ nhiều các sản phẩm sữa cho thấy tỉ lệ các vấn đề xương khớp không sai biệt gì đáng kể so với những nước kém phát triển, nơi mặt hàng sữa vẫn còn thuộc loại xa xỉ. Mọi người thường hay liên hệ đến canxi khi nói đến sức khỏe của xương, nhưng thực ra các yếu tố dinh dưỡng khác cũng vô cùng quan trọng, đó là phốt pho, kali, các chất khoáng khác, đạm và vitamin. Cần đa dạng hóa thực phẩm để không bị thiếu hoặc dư thừa một chất nào đó.

Ảnh: doanhnhansaigon.com

Ở Việt Nam có lẽ cũng rất khó để thực hiện được những nghiên cứu bài bản và khách quan như trên. Tuy nhiên chúng ta cũng không có quá nhiều các sản phẩm sữa để dùng đến 3 – 4 phần mỗi ngày nhất là khi giá sữa luôn treo ở “trên cây”. Khi uống sữa, nếu bạn cảm thấy khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, ợ hơi…thì cũng đừng nên ép. Thực tế là sau vài năm đầu đời, hệ tiêu hóa của chúng ta không còn sản xuất các men để tiêu hóa sữa nữa, nhất là với người châu Á.

Việc các doanh nghiệp luôn tìm cách rót vào tai người tiêu dùng những công dụng tuyệt vời đã được đánh bóng (đôi khi là không có thực) và thổi phồng lên là chuyện thường tình. Nếu bạn muốn có canxi để chắc xương, cao lớn thì sữa không chỉ là nguồn duy nhất cung cấp chất này. Ngoài ra, để tạo xương, cơ thể cần thêm magie, phospho, vitamin D, protein một cách hài hòa, chứ không phải chỉ là canxi. Do đó nên chăng mọi người hãy coi sữa cũng giống như các thực phẩm thông thường khác thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.

Lưu ý: Khi chọn sữa, hãy dùng các loại sản phẩm ít đường nhất.

Hồng Lưu

Tài liệu tham khảo:

[1] Feskanich D, Bischoff-Ferrari HA, Frazier AL, Willett WC. Milk Consumption During Teenage Years and Risk of Hip Fractures in Older Adults. JAMA Pediatr.2013 Nov 18.

[2] Torfadottir JE. Milk intake in early life and risk of advanced prostate cancer. Am J Epidemiol. 2012 Jan 15;175(2):144-53. Epub 2011 Dec 20.
Exit mobile version