Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đồ uống có cồn không thể ngăn ngừa COVID-19 mà còn có thể làm gia tăng một số vấn đề sức khỏe thần kinh cũng như hành vi gây rủi ro và làm gia tăng bạo lực… do đó WHO kêu gọi chính phủ các nước mạnh tay kiểm soát mặt hàng này trong đại dịch.
VnExpress dẫn lời tuyên bố của WHO hôm 14/4: “Lạm dụng rượu bia trong thời gian cách ly có thể làm các vấn đề sức khỏe sẵn có thêm nghiêm trọng, thúc đẩy các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý hoặc làm gia tăng tình trạng bạo lực”.
WHO một lần nữa bác bỏ các tin đồn hoang đường cho rằng đồ uống có cồn, cụ thể là rượu ethyl và ethanol giết chết được virus Vũ Hán hoặc khiến cơ thể người miễn nhiễm với virus. Các loại rượu nồng độ cồn từ 60% trở lên có thể khử trùng da, song nó không giúp diệt mầm bệnh khi hấp thụ vào cơ thể.
“Uống nhiều rượu bia thậm chí có thể làm tổn hại hệ miễn dịch, gây suy giảm khả năng chống lại virus ở người. Vì vậy uống rượu bia trong khi đang mắc bệnh sẽ làm gia tăng các rủi ro”, WHO khuyến cáo.
Theo báo Tuổi Trẻ, mỗi năm có khoảng 3 triệu người chết vì các nguyên nhân liên quan tới đồ uống có cồn ngay cả khi chưa xảy ra đại dịch.
“Vì thế mọi người nên giảm thiểu lượng tiêu thụ bia rượu mọi lúc, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19”, văn phòng WHO tại châu Âu nhấn mạnh.
Khi hàng triệu người trên thế giới phải ở nhà để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres, đầu tháng này đã cảnh báo thế giới đang chứng kiến “mức độ gia tăng đáng sợ toàn cầu tình trạng bạo lực gia đình”.
Theo ông Antonio Guterres, sự căng thẳng về kinh tế, xã hội liên quan tới dịch bệnh COVID-19, cộng thêm với những hạn chế đi lại là những nhân tố góp phần làm gia tăng bạo lực.
Hiện chưa có thống kê cho thấy COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ rượu bia. Song dữ liệu về doanh thu của các đại lý cho thấy người dân có xu hướng mua nhiều đồ uống có cồn hơn khi đang cách ly. Trong tuần thứ ba của tháng 3, con số này tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Nielsen.
Trước đó vào tháng 3, 27 người tử vong do ngộ độc methanol sau khi uống quá nhiều rượu “để chữa COVID-19”.