Đại Kỷ Nguyên

Vận dụng Đông y ‘bắt mạch’ để biết sức khỏe, phúc thọ và tài vận của một người

Cổ nhân cho rằng một cá nhân và sự vật xung quanh họ đều là do tâm phản ánh ra bên ngoài. Do đó, thông qua quan sát sinh hoạt thường nhật, tín tức, mạch tượng… thì có thể chẩn đoán sức khỏe, tuổi thọ, tiền tài, phúc lộc của họ.

Xem mạch mà biết bệnh trạng, tình chí của một người, đó là tinh hoa của người xưa mãi lưu truyền (Ảnh: Nu Way Cleaners)

Trung y xem bệnh bắt mạch chú trọng vọng, văn, vấn, thiết. Có lúc bệnh nhân chưa bước vào, mới nghe âm thanh, ngửi khí vị, hoặc quan sát từ xa xương cốt, thân hình, diện mạo, da thịt, những đồ vật cá nhân ấy từng dùng, môi trường gia dụng, nếp sống sinh hoạt… thì đã biết bị mắc bệnh gì, tuổi thọ dài ngắn, phúc phận của họ. Dưới đây là 7 bước chẩn đoán trong Đông y:

1. Vọng

Vọng – nhìn ngoại hình, xem toàn bộ hình và thần đoán biết tuổi thọ.

Hoàng đế nội kinh” viết rằng: Người thượng cổ đều biết đạo dưỡng, họ bắt chước theo lẽ biến hóa của Âm Dương, hòa hợp được với thuật luyện tinh khí, ăn uống có điều độ, thức ngủ theo lẽ thường, không lao động mệt nhọc một cách cẩu thả, do đó hình thể và thần khí của họ đầy đủ để có thể sống trọn tuổi trời, trăm tuổi mới hết mệnh. (“Thượng cổ chi nhân, kỳ tri đạo giả, pháp vu âm dương, hòa vu thuật sổ, thực ẩm hữu tiết, khởi cư hữu thường, bất vọng tác lao, cố năng hình dữ thần câu, nhi tẫn chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ”).

Ăn uống điều độ, làm việc nghỉ ngơi hợp lý, điều chỉnh tình chí, giữ vững tinh thần, thuận phép tự nhiên, thuận tứ thời (4 mùa), thì có thể giữ chính khí trong cơ thể, là nâng cao sức miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, phòng trừ bệnh tà xâm nhập.

2. Văn

Văn: Nghe âm thanh biện đoán nỗi niềm tình chí.

Thất tình nhân sinh bi khổ, hỉ nộ ai lạc, ưu tư bi khủng, kinh… là chuyện thường trong cuộc sống nhân sinh. “Tố vấn – Khí giao biến đại luận” viết: Có tin mừng có nộ, có lo có tang, có trạch có táo, điều này cũng bình thường. (“Hữu hỉ hữu nộ, hữu ưu hữu tang, hữu trạch hữu táo, thử tượng chi thường dã“).

Nếu có thể coi nhẹ, trong “Tố vấn – Thượng cổ thiên chân luận” còn viết: Điềm đạm chẳng lo nghĩ, chân khí theo đó mà đến, cố giữ tinh thần, bệnh làm sao đến được. (“Đim đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thn nội thủ, bệnh an tòng lai?“).

3. Vấn

Hỏi sở thích khẩu vị ẩm thực mà cho bệnh.

Con người lấy thủy cốc làm cơ bản, thủy cốc vẫn là nguồn của sinh hóa khí huyết. No đói thất thường, nghiện món ăn thiên lệch quá độ, ẩm thực không cân bằng đều có thể tạo thành sức đề kháng của cơ thể giảm sút.

Nguyên tắc kết hợp thực phẩm trong “Nội kinh” viết: Năm loại hạt dùng để nuôi dưỡng cơ thể, năm loại quả hỗ trợ thêm, năm loại thịt gia súc có ích lợi cho sức khoẻ, năm loại rau dùng để bổ sung thêm, khí vị hợp lại làm bổ ích cho tinh khí con người. (“Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ ích tinh khí“).

Trong “Tố vấn – Chí chân yếu đại luận” viết: Ngũ vị nhập vị, mỗi vị một sở thích, vị chua nhập can, vị đắng nhập tâm, vị ngọt nhập tỳ, vị cay nhập phế, vị mặn nhập thận (“Phu ngũ vị nhập vị, các quy kỳ sở hỉ công, toan tiên nhập can, khổ tiên nhập tâm, cam tiên nhập tỳ, tân tiên nhập phế, hàm tiên nhập thận”).

Nghiên cứu hiện đại chứng minh: Phương thức sinh hoạt của con người (Từ thói quen ăn uống đến công việc áp lực) khác nhau, tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh của họ cũng khác nhau. Do đó, phối hợp dinh dưỡng cân bằng, không được vì để giảm béo mà cố ý không ăn ngũ cốc, cũng không được ăn uống quá nhiều, no đói thất thường.

Vị chua nhập gan, vị đắng nhập tim, vị ngọt nhập tỳ, vị cay nhập phổi, vị mặn nhập thận thuận theo ngũ hành mà dưỡng sinh (Ảnh: qua TUB GIT)

4. Thiết

Thiết – Bắt mạch tượng tam bộ-cửu hậu quan sát khí huyết tạng phủ nhiều ít.

Phương pháp chẩn đoán Tam bộ cửu hậu bao gồm ba bộ: Nhân nghênh, Thốn khẩu, Phu dương, cho tới phương pháp chẩn đoán cửu hậu. Nhân nghênh gần tâm, nên lấy hậu (đợi) tâm khí là chủ yếu (tương đương với bộ phận động mạch cảnh), Phu dương chủ hậu vị khí (khoảng vị trí động mạch mu chân), Thốn khẩu: tại động mạch cổ tay – động mạch quay (thốn, quan, xích tam quan), quan sát lục phủ ngũ tạng, khí huyết 12 kinh mạch nhiều ít. “Ngọc hàm kinh – Sinh tử ca quyết” nói: “Thiết mạch định được con đường sống chết”. Cửu hậu chỉ 3 bộ trên, giữa, dưới “ thiên, địa, nhân” cửu hậu của cơ thể, ứng với biến hóa khí huyết toàn thân.

5. Tra

Tra – xét điều chỉnh, thuận ứng của biến hóa của bốn mùa.

Con người nếu có thể thuận ứng xuân hạ thu đông bốn mùa biến hóa, điều chỉnh sinh hoạt làm việc nghỉ ngơi, thì có thể dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ.

Ba tháng mùa xuân là lúc phô trần cái mới, trời đất đều có sinh khí, vạn vật hân hoan hớn hở; [người ta] đêm ngủ thì sáng nên dậy sớm, bách bộ trong sân, y phục rộng rãi tóc tai thoải mái, để cho tinh thần và ý chí thuận sinh với khí tiết; nghĩa là để cho sinh trưởng chứ không sát hại, cho tặng chứ không tước đoạt, khen thưởng chứ không trách phạt, đó là ứng với khí xuân, là đạo nhiếp dưỡng sinh khí. Nếu làm ngược lại thì hại gan, và đến mùa hạ thì sinh bệnh có tính hàn, mà không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa hạ.

Ba tháng mùa hạ là lúc thảo mộc sum suê xinh đẹp, khí âm dương của trời đất giao nhau, vạn vật đơm hoa kết trái; sáng nên dậy sớm, đừng sợ ánh nắng mùa hạ; cứ để cho lòng khoan khoái đừng nổi giận, để cho thần khí tràn đầy, để cho dương khí trong thân phát tiết ra ngoài, như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa hạ, là đạo nhiếp dưỡng trưởng khí. Nếu làm ngược thì hại tim, qua mùa thu thì bị sốt rét bởi vì không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa thu, sang đông chí thì bệnh tái phát.

Ba tháng mùa thu là lúc hình trạng của vạn vật đã ổn định, khí trời gấp rút, khí đất trong sáng; [người ta] nên ngủ sớm và dậy sớm, dậy cùng lúc với gà gáy; để cho thần chí được an ổn, để giảm bớt ảnh hưởng của khí thu đối với con người; phải thu gom thần khí, để cái khí thu được bình hòa; đừng mất sự tập trung tinh thần, để khí của phế thanh tĩnh; như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa thu, là đạo nhiếp dưỡng thu khí.Nếu làm ngược lại, sẽ làm hại phế, qua mùa đông bị bệnh ăn không tiêu bởi vì không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa đông.

Ba tháng mùa đông là lúc bế tàng. Nước đóng băng và đất nứt nẻ, chớ có quấy động dương khí; nên đi ngủ sớm và dậy muộn một chút, đợi khi mặt trời chiếu sáng rồi hãy dậy, để cho thần chí tiềm phục ẩn tàng giống như dương khí, làm như thể mình có điều bí mật (tức là để thần khí nội tàng), trong sinh hoạt tránh lạnh lẽo mà tìm ấm áp, đừng cho tiết mồ hôi khiến dương khí tổn, như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa đông, là đạo nhiếp dưỡng tàng khí. Nếu làm ngược lại, sẽ làm hại thận, đến mùa xuân sẽ bị bệnh chân tay tê lạnh, bởi vì không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa xuân.

Xuân – Hạ -Thu – Đông vận hành theo quy luật của vũ trụ, thuận theo mùa mà dưỡng sinh (Ảnh: qua mecon.vn)

6. Thẩm

Thẩm tra xem xét thẩm thị tinh thần, chế độ làm việc nghỉ ngơi. Làm việc nghỉ ngơi cần giữ cân bằng, không được cái gì quá độ, “Nội kinh” viết: “Nhìn lâu thương huyết, nằm nhiều thương khí, ngồi lâu thương cơ nhục, đứng nhiều thương cốt, đi nhiều thương gân

Tinh đầy đủ ắt khí thịnh thần vui vẻ, tinh khuyết thiếu ắt khí nhược thần suy, tinh suy ắt hình bại. Mà “Âm tinh khó thành nhưng dễ mất”. Do đó, sinh hoạt điều độ, phòng dục tiết độ, bớt ưu tư, thu tâm thần để phòng tướng hỏa vọng động.

Thận bất động ắt tinh bảo toàn, tinh mãn không nghĩ muốn dục, động thì âm tinh loạn hao. Thân bất động ắt thần toàn, thần mãn không bị buồn ngủ. Có thể “Bảo tinh an thần, đẩy lùi bệnh tật kéo dài tuổi thọ”. Ba thứ đầy đủ toàn diện, tự nhiên thành tiên.

7. Khán

Khán – quan sát phúc đức tài vận, tướng do tâm sinh. Khi con người không may mắn thường hay nói: “Uống nước có thể bị sặc, đi trên đường một cọng cỏ nhỏ có thể làm bạn vấp ngã”. Vạn vật đều có linh. Nếu tâm cảnh (trong lòng) chuyển biến rồi, quan hệ của người, sự, vật xung quanh ắt có thể cải thiện, cuộc sống cũng có thể phát sinh biến hóa.

Một vị cao nhân về phong thủy từng nói một câu, rất đáng để suy nghĩ. Ông nói “Nếu bạn có phúc phận, sống ở nơi phong thủy kém, phong thủy có thể theo bạn mà tốt hơn lên. Nếu bạn không có phúc khí, sống ở nơi phong thủy tốt, bạn trấn giữ không được tốt, phong thủy tốt có thể tự động bị hủy hoại. Phải tôn trọng sách vạn vật thiên địa nhật nguyệt sơn hà thảo mộc trùng ngư sa thạch, tất cả những thứ này đều có linh. Bạn cung kính chúng, chúng đâu đâu cũng thành tựu bạn, giúp đỡ bạn”.

Một người có đức độ, rộng lượng là một người có vận mệnh tốt mà được trời ban cho phúc thọ (Ảnh: qua ytecongdong.net)

Cơ thể con người, nếu mềm mại sẽ có đàn hồi, nói lên sức sống mạnh mẽ. Còn gân cốt co cứng, cơ bắp cứng đờ, nếu gặp trường hợp khẩn cấp gấp rút, dễ dàng gân đứt xương gãy, cơ nhục tổn thương, dây chằng căng. Như trẻ con ngã cái bổ nhào, bò dậy và chạy tiếp, chưa chắc xuất hiện vấn đề, bởi vì cơ thể chúng dẻo dai, không bị co cứng.

Do đó, mềm mại chứa đựng sức sống, đức hạnh bao dung vạn vật. Nếu con người ta có thể sống thuận theo tự nhiên, tu dưỡng tinh thần, vô ưu vô nghĩ, thì phúc đức tài vận cũng sẽ vẹn toàn.

Liên Hoa

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version