Trong y học, chúng ta thường thấy Đông y thể hiện nhiều qua thủ pháp châm cứu, bấm huyệt, dùng thuốc… rất hiệu quả, nhưng chưa từng thấy Đông y giải phẫu bao giờ là vì sao?

Cách nhìn của Đông y về cơ thể người

Trong cơ thể người, các tạng phủ được Đông y xem là những tạng tượng, mà ý niệm về tượng là một ý niệm hết sức trừu tượng, trùm phủ hầu như lên tất cả triết lý của Dịch: “Dịch giả tượng dã” (Dịch là tượng vậy).

Ý niệm về tượng do Lão Tử đề xuất rồi do những môn sinh – mà đứng hàng đầu là Vương Bật – khai triển, là một ý – niệm hết sức độc đáo, ngang với một tầm mức tư duy rất cao (vì thuộc các phạm trù trừu tượng hóa, khái quát hóa); nhằm mô tả những trạng thái, những sự vật trong một không gian và thời gian tương đối.

Tượng là tương tự, là giống nhau, là bắt chước, là mô phỏng. Tất cả cái biết của ta về thế giới bên ngoài, về sự vật ngoại môi chẳng qua chỉ là mô phỏng, chỉ là bắt chước những hình ảnh tương tự về thế giới vạn vật mà thôi. Vậy thì những quẻ, những hào trong Kinh Dịch chẳng hạn chỉ là những hình ảnh phỏng tạo thay thế cho sự vật thực; do đó, chúng chỉ có thể có ý nghĩa tượng trưng.

Đông y dùng thận tượng (ý chỉ về tạng thận) là bao gồm toàn bộ hệ thống khí hóa liên quan đến thận chi phối cơ thể, chứ không hề chỉ đơn thuần là hai cơ quan hình hạt đậu nằm hai bên cột sống ngang tầm thắt lưng. (Ảnh: teberooz.ir)

Vương Bật khẳng định trong Chu Dịch lược lệ:

Tượng giả, xuất ý giả dã (tượng là để phát biểu ý nghĩ, ý tưởng)

Và: Tận ý mạc nhược tượng (diễn tả hết được ý không gì bằng tượng)

Hoặc: Tượng sinh như ý (tượng là ở ý mà sinh ra).

Trong khi Lão Tử hạ bút: “Đại tượng vô hình” (Đạo đức Kinh, Chương 41).

Cho nên tất cả những luận cứ căn bản, tất cả những quan điểm mấu chốt của Đông y đều được trình bày theo hình thức những biểu tượng, những phù hiệu như Lão Trang hiểu.

Thận tượng chẳng hạn là tượng trưng cho cả cái hệ thống phức tạp chi phối con người ít nhất là về những mặt bài tiết, nội tiết, tính dục, chứ không hề chỉ đơn thuần là hai cơ quan hình hạt đậu nằm hai bên cột sống ngang tầm thắt lưng.

Những bức tranh cơ thể học của Đông y cũng thế: Chúng chỉ tượng trưng con người, thường khi là con người gần gũi với Đạo nhất, tức là con người lúc sơ sinh, chưa bị ngoại cảnh uốn nắn, hướng dẫn lệch lạc, bởi “Đứa trẻ con không dùng đến trí mà hợp tự nhiên” (Anh nhi bất dụng trí nhi hợp tự nhiên chi trí, Vương Bật).

Sự khác biệt về “sống” và “tĩnh” trong y học

Đơn vị đo lường trong Đông y đối với cơ thể người là “sống” chứ không cố định bằng đơn vị như mm, hay cm. Ví như dùng thốn – bề ngang khớp ngón tay cái 1-2 đo huyệt. (Ảnh: HEAL01.COM)

Những đồ hình châm cứu học của Đông y luôn luôn là những đồ hình phảng phất hình tướng: Đầu lớn, thân hình mập, tay chân ngắn. Cũng vì những hình ảnh ấy không phải là những hình ảnh chụp; cho nên, để ước định khoảng cách, để đo lường mức nông sâu – ví dụ trong nghệ thuật định huyệt châm kim – người y sĩ thường sử dụng những đơn vị đo lường dựa vào bề cao, chiều dài của chính bản thân bệnh nhân; do đó, có những đơn vị đặc biệt như thốn đồng thân chẳng hạn, tức là những đơn vị đo lường mà cá tính căn bản cũng lại là tương đối. Không cần lôi thôi rắc rối ấn định một đơn vị mẫu, chế đúc bằng một kim loại mẫu, bảo quản ở một nhiệt độ mẫu, tàng trữ trong một cơ quan cũng mẫu nốt. Cái loại đơn vị ấy nó không thật, nó phi ngã và nhất là nó tĩnh quá, trong khi sự sống, chất sống thì lại vốn dĩ rất động. Bởi vậy y khoa cần có một đơn vị linh động như chất sống, cùng với ta sinh ra, cùng với ta lớn lên, cùng với ta thu rút; nói tóm lại, cùng với ta sống trong vũ trụ.

Bàn về “khí” trong Đông y

Sự khí hóa của vũ trụ và nhân thể là liên quan mật thiết. (Ảnh: Crystalinks)

Cũng như vũ trụ, cũng như Đạo, phủ trùm khắp nơi mà lại không làm sao thấy được, nên gần như không có gì cả, là ý niệm đặc biệt mà chỉ có Đông y mới có về khí.

Giống như Đạo, khí thì “Đại doanh nhược xung” (Đạo đức Kinh, Chương 45): Đầy tràn, lại dường như trống không. Làm sao thấy được, sờ được, bắt được khí? Nhưng làm sao phân biệt được sự sống với sự chết? Cũng vẫn là thân xác này, mà tại sao chỉ một thoáng chốc đã biến đổi từ một trạng thái gọi là sinh qua một trạng thái được gọi là tử?

Sinh và tử khác nhau ở đâu khi cả hai cùng đều có đồng một cơ sở vật chất là cơ thể? Hẳn phải có một cái gì đó, mặc dầu ta không thấy được, vô hình, phi chất; để định tính sự sống, cái gì đó tức là khí, mà tính chất cũng giống hệt Đạo, cũng tuy đầy tràn mà lại tựa như trống không. Bởi vì khí là dạng thể sinh lý của Đạo như Hệ từ quan niệm:

Hình nhi thượng giả vị chi Đạo,

Hình nhi hạ giả vị chi Khí.

Nên khí cũng ở vào vị thế trung dung, cũng vi nhi vô vi (làm mà không làm), cũng là chân không, cũng là vô hữu, và do đó, cũng luôn luôn ở vào một tình trạng vận chuyển triền miên, biến dịch liên tục. Bởi lẽ tuy khí có bản tính là đại doanh nhược xung, nhưng về công năng thì lại “Kỳ dụng bất cùng”. Khả năng “Dùng mãi không cùng” ấy của khí cắt nghĩa cả một hệ thống lý luận tiền đề của Đông y, tức là hệ thống lý luận về khí hóa.

Đông y quan niệm rằng khí huyết là những yếu tố cung cấp dinh dưỡng cho toàn thân, bảo vệ sự sinh tồn, đồng thời tiếp liệu năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể. Cho nên Lãn Ông nhấn mạnh: “Huyết giống như nước, khí ví như gió, nước lên là do sức gió đẩy, huyết chạy là nhờ khí dẫn đi; khí hòa thì huyết chạy đều, khí hàn thì huyết ngưng lại”. Khí nóng bức bách quá thì huyết chạy gấp (xung huyết, vượng huyết), khí nhiệt găng quá thì huyết tràn ra ngoài (thổ huyết, hạ huyết)…

Cái dụng của khí quả thực là bất cùng

Nó bất cùng dưới giác độ đối tượng, bởi khí là nguyên liệu, là chất xúc tác của mọi hoạt động, mọi phản ứng, tạng phủ.

Nó bất cùng dưới giác độ phát sinh, cung dưỡng, bởi thông qua cơ năng tiêu hóa của tỳ vị và cơ năng hóa khí của phế, cùng với thức ăn nước uống và khí trời hít thở hàng ngày, khí luôn luôn được tái tạo, mãi mãi hồi sinh.

Nó bất cùng dưới giác độ vận hành, bởi thực sự ta không biết nó khởi đi từ đâu, mà ta chỉ có thể hình dung lộ trình của nó như một cái vòng kín, một thứ Hoàn vô đoan như Nội Kinh tả; một loại năng lực sinh học chu hành nhi bất đãi (đi vòng mà không mỏi), động nhi dã xuất (càng hoạt động thì càng tuôn chảy thêm) như Lão Tử nhận xét; một quyền năng độc đáo, thánh giáng, khai hợp theo một chu kì triền miên, trước sau như trên một cái vòng tròn, thủy tốt nhược hoàn (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, thiên Ngụ ngôn).

Cái chum có tác dụng chính là ở chỗ cái “không” – phần có thể chứa đựng, đó là hợp với Đạo – trong “không” mà bao hàm hết thảy. (Ảnh: soha.vn)

Nếu những nồi, bát, chum, vại, nhà, cửa có công dụng là ở chỗ trống rỗng – cái nồi đất chỉ là một khối đất sét, cái vại đặc chỉ có thể là một… vật dụng chứa đựng – thì lý do hiện hữu của các cơ quan là ở “khí” của chúng. Cơ quan không phải là tất cả, cái quan trọng chính là chức năng của cơ quan, bởi lẽ chức năng mới là hình thái của sự sống, nếu không có chỗ trống không ở giữa các nan hoa thì bánh xe – của thời Lão Tử – làm sao mang nổi cái trục để cho xe đi? Cho nên dưới nhãn quan của y lý cổ truyền và xuyên qua lăng kính Trang Lão, cơ thể học thực sự không mấy quan trọng mà chính sinh lý học – tức là hệ thống khí hóa của Đông y – mới là hành trang tối thiết cho cuộc hành trình trên y đạo.

Cũng vì vật chất được cấu tạo từ nhỏ đến lớn, từ không đến có như: Tổ hợp nguyên tử tạo thành phân tử, tổ hợp phân tử tạo thành tế bào, rồi lại tổ hợp của tế bào thành sự vật có hình tướng mà ta quan sát được như cơ thể người, nên điều chỉnh cái không đó chính là điều chỉnh cái hình tướng này. Cũng là giải thích cho vì sao dùng huyệt mà điều chỉnh cho tạng phủ, dùng 1 điểm mà trị cho toàn thân là vậy.

Cho nên ta hiểu vì sao Đông y coi nhẹ khoa giải phẫu (không những vì ảnh hưởng Lão học, mà còn vì lễ giáo nho gia) mà rất trọng khoa nội thương. Cho nên ta cũng hiểu tại sao bộ Thánh kinh của người đông y sĩ lại là bộ Nội Kinh, bởi đấy là cuốn sách nói về những sự kiện kinh điển thuộc nội môi, tức là khoa sinh lý học.

Đối với người Đông y sĩ, những đặc tính sinh lý bệnh lý của khí đã trở thành mặc nhiên, và không cần được giải thích gì cả.

Cao Sơn