Giấc ngủ không chỉ đơn thuần là tối nhắm mắt lại và sáng mở mắt ra mà thực tế cũng có chu kỳ và có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố mà bạn dễ bỏ qua, khiến cơ thể không được hồi phục vào lúc bình minh.

1. Đọc sách kinh dị

Ảnh: bantbe.blogspot.com

Đọc sách trước khi ngủ là thói quen tốt được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyến khích. Tuy nhiên, nếu bạn chọn những quyển sách có nội dung rùng rợn, kinh dị như truy đuổi, giết người, ma ám… sẽ có tác dụng ngược lại hoàn toàn.

Bởi thay vì giúp bạn thư giãn tinh thần thì các loại sách kinh dị có thể làm tăng nhịp tim lẫn hoạt động của não khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Đặc biệt, khi đọc sách kinh dị thì cảm xúc và phản ứng sinh lý của cơ thể sẽ tồn tại khá lâu sau khi bạn ngừng đọc nên giấc ngủ sẽ chập chờn, thậm chí có khi còn gặp ác mộng.

Xem phim có cảnh hành động, kinh dị có tác dụng còn tệ hại hơn nữa. Do đó hãy cho hệ thần kinh của bạn nghỉ ngơi trước khi lên giường.

2. Đi ngủ quá muộn

Ảnh: aFamily

Thường đến 11h đêm là bạn đã phải đang ngủ rồi. Thức đêm khiến đồng hồ sinh học bị lệch, quá nhịp giấc ngủ, cơ thể khó bài tiết chất thải, chỉnh sửa tổn thương cũng hạn chế.

Do vậy không chỉ là số giờ ngủ, yêu cầu khoảng 7 tiếng ngủ mỗi ngày, mà bạn cần lưu tâm duy trì ngủ đúng giờ đều đặn.

3. Ôm theo phiền não vào giấc ngủ

Mang theo ám ảnh về một cuộc họp với sếp buổi sáng hay các lo toan cuộc sống, phiền não này khác sẽ quấy rầy giấc ngủ.

Do vậy, hãy “đổ” hết chúng đi, trút chúng qua nhật kí, tâm sự với một người bạn, hoặc nằm dài trên giường và tập những động tác nhẹ nhàng, thiền định 10-15 phút…

4. Đặt đồng hồ báo thức nhiều lần

Một số người có thói quen đặt chuông sớm một chút, khi chuông reo liền tắt đi và ngủ thêm chút nữa. Thực chất như vậy thời gian ngủ sẽ bị giảm bớt. Thời gian ngủ còn lại thì liên tục bị chuông báo thức làm ảnh hưởng, và khoảng thời gian này chất lượng giấc ngủ cũng bị kém đi.

5. Ăn quá muộn

Tất nhiên là không nên lên giường đi ngủ với 1 cái bụng rỗng tuếch. Nhưng nếu ăn quá gần giờ ngủ và cho dù bạn đã chìm vào giấc ngủ thì cơ thể vẫn không được nghỉ ngơi hoàn toàn. Dạ dày vẫn phải cày cuốc “tăng ca ngoài giờ” để xử lý lượng thức ăn bạn vừa nạp. Đó là lý do vì sao mặc dù bạn ngủ đủ giấc nhưng vẫn mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Ngoài ra, ăn tối quá muộn còn liên quan đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như béo phì, tiểu đường, tim mạch, dạ dày, đường ruột… do đó, tốt nhất là bạn nên ăn no vào buổi chiều để tối không bị đói bụng. Hoặc nếu đói thì ít ra bạn cũng nên ăn trước khi ngủ 2 tiếng để thức ăn kịp tiêu hóa và cơ thể chìm vào giấc ngủ sâu hơn.

6. Uống quá nhiều nước

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày là thói quen tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người ban ngày bận rộn nên tối hay uống bù. Tuy nhiên, buổi tối lại không phải là thời gian thích hợp để nạp quá nhiều nước, nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến giấc ngủ. Uống nhiều bia, ăn nhiều canh cũng đưa lại vấn đề tương tự.

Việc thức dậy để đi vệ sinh vài lần trong đêm cũng đủ gây hại cho sức khỏe vì ngủ không thẳng giấc. Vì thế, theo các chuyên gia thì buổi tối bạn chỉ nên uống một chút nước cho đỡ khô miệng và duy trì độ ẩm cho cơ thể chứ đừng nạp cả một cốc quá đầy.

7. Tập thể dục nặng sức

Ảnh: Healthplus.vn

Do bận rộn nên nhiều bạn chọn tập thể dục vào buổi tối để tăng cường sức khỏe. Nhưng nếu bạn tập quá nặng sẽ khiến nhịp tim và hormone adrenaline tăng lên, giấc ngủ sẽ mất ngon. Do đó, tránh sai lầm tập thể dục quá nặng vào buổi tối, nhất là trước khi ngủ để không gây cản trở cho giấc ngủ bạn nhé.

Giấc ngủ không tốt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, công việc, chất lượng cuộc sống. Khi mất ngủ, sức khỏe sẽ nhanh chóng tuột dốc, cơ thể mệt mỏi, mất tập trung, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây những hệ lụy nguy hiểm, tử vong sớm… Thời gian ngủ chiếm 1/3 đời người, nhất định bạn cần lưu tâm chăm chút.

Minh Thành