Việc cắt bỏ một khối u không quá khó, nhưng điều làm các bác sĩ đau đầu là phải quét sạch mọi tế bào ung thư trong cơ thể. Chỉ một lượng rất nhỏ tế bào u còn sót lại cũng có thể phát triển thành khối u mới, khiến việc điều trị dứt điểm khối u đa phần là bất khả thi.

Sau khi đột biến, tế bào ung thư thực sự “ranh mãnh” hơn nhiều loại tế bào khác trong cơ thể. Chúng có thể dễ dàng tách khỏi khối u, xâm lấn trực tiếp hoặc di căn đến nơi khác. Tế bào ác tính có khả năng lẩn tránh đội quân miễn dịch của cơ thể, hoặc tiến vào trạng thái “ngủ đông” giúp tránh các công kích từ thuốc bên ngoài và “vùng dậy” trở lại khi cần thiết.

Trong phần lớn các trường hợp, y học ngày nay chưa có công cụ phát hiện từng tế bào ung thư còn sót lại, cũng như chưa có biện pháp diệt sạch mọi tế bào ung thư đã xâm lấn, di căn.

Sau phẫu thuật

Ảnh: Pinterest

Ung thư có thể bị tái phát sau phẫu thuật, nguyên nhân có thể là do:

  • Một số tế bào ung thư bị bỏ sót trong quá trình phẫu thuật
  • Tế bào ung thư tại nơi phát sinh đã bị lấy đi, nhưng có thể vẫn còn các tế bào di căn ở vị trí khác (vi di căn)
  • Bác sĩ phẫu thuật cố gắng làm hết sức mình, nhưng có thể vẫn sẽ còn sót lại một nhóm nhỏ các tế bào ung thư. Bác sĩ phẫu thuật có thể khuyến nghị nên điều trị thêm nếu họ cảm thấy có nguy cơ tái phát.

Việc điều trị bổ sung có thể là hóa trị, xạ trị, liệu pháp hoóc-môn hoặc liệu pháp tế bào đích. Các phương pháp điều trị này nhằm mục đích cố gắng kiểm soát hoặc tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.

Tuy nhiên ung thư vẫn có thể bị tái phát sau khi điều trị bằng thuốc hoặc xạ trị do các phương pháp này không hoàn toàn phá hủy tất cả các tế bào ung thư.

Hóa trị

Ảnh: Hello Bacsi

Các loại thuốc hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tấn công các tế bào đang trong quá trình nhân đôi thành 2 tế bào mới. Nhưng không phải tất cả các tế bào ung thư đều phân chia cùng một lúc và các tế bào đều có thời gian nghỉ giữa các lần phân chia.

Các tế bào đang nghỉ ngơi trong lần điều trị đầu tiên có thể sẽ phân chia trong bạn điều trị đợt tiếp theo. Sử dụng nhiều đợt hóa trị giúp bạn tiêu diệt nhiều tế bào đang phân chia nhất có thể. Tuy nhiên khả năng giết chết mọi tế bào ung thư trong cơ thể là rất thấp. Các bác sĩ sẽ cố gắng giảm số lượng tế bào ung thư càng nhiều càng tốt.

Xạ trị

Ảnh: cumargoldkare.vn

Xạ trị gây nên những tổn thương DNA nhỏ trong tế bào. Những tổn thương nhỏ này ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển, phân chia và thường khiến tế bào tử vong. Các tế bào bình thường ở gần khối u cũng có thể bị tổn thương do bức xạ, nhưng hầu hết phục hồi và trở lại hoạt động bình thường. Nếu xạ trị không giết tất cả các tế bào ung thư, chúng sẽ tái phát vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Thuốc điều trị đích

Thuốc điều trị đích nhắm vào các đích khác nhau vốn giúp tế bào ung thư sinh trưởng và phát triển. Một số ít liệu pháp có thể loại bỏ hoàn toàn khối u. Một số khác chỉ làm thu nhỏ và kiểm soát khối u trong vài tháng hoặc vài năm. Một khối u dường như sẽ biến mất và không còn thấy trên phim chụp hoặc xét nghiệm máu, nhưng đa phần vẫn còn nhóm nhỏ tế bào u trong cơ thể mà các công cụ y học hiện đại chưa thể tìm ra và sẽ phát triển trở lại sau một đoạn thời gian.

Ung thư kháng thuốc

Ảnh: Infonet

Đôi khi khối u có thể đề kháng với các thuốc điều trị. Đột biến xảy ra trong các gen của tế bào ung thư khiến chúng “hung hãn” hơn tế bào bình thường và đe dọa tính mạng người bệnh.

Một số đột biến có thể khiến các tế bào đề kháng với hóa trị, thuốc điều trị đích hoặc liệu pháp hormon. Nếu xảy ra, đôi khi bạn sẽ cần một biện pháp điều trị khác. Nhưng kém may mắn là đôi khi ung thư đề kháng với nhiều loại thuốc một lúc. Các bác sĩ gọi đây là kháng đa thuốc.

Chữa hay thuyên giảm bệnh?

Ngày nay, các bác sĩ có thể điều trị nhiều loại ung thư, nhưng bệnh vẫn có thể tái phát sau nhiều năm điều trị. Thông thường bạn sẽ thấy bác sĩ không muốn dùng từ chữa dứt điểm, mà sẽ nói rằng bệnh của bạn đã đỡ, thuyên giảm, tức là nhiều khả năng vẫn còn tế bào u trong cơ thể, nguyên nhân có thể là do

  • Quá ít để nhìn thấy
  • Quá ít để gây triệu chứng
  • Chúng ở trạng thái bất hoạt và không phát triển

Các bác sĩ không thể chắc chắn khối u đã hoàn toàn biến mất sau điều trị. Vì vậy họ có thể đề xuất một vài liệu trình điều trị lâu dài, như liệu pháp hormon hay liệu pháp đích. Họ gọi đây là điều trị bổ trợ.

Điều trị bổ trợ cũng có thể bao gồm một đợt điều trị hóa chất hay xạ trị sau phẫu thuật. Mục đích của điều trị này là để ngăn ngừa ung thư quay lại.

Tương lai khó đoán trước

Ảnh: .istockphoto.com

Trên thực tế ung thư có thể quay lại bất cứ lúc nào. Trong đa số các trường hợp, các bác sĩ sẽ không dám khẳng định bạn đã được chữa khỏi.

Với hầu hết bệnh nhân ung thư trong tình huống này, mỗi ngày trôi qua đồng nghĩa nguy cơ tái phát giảm đi. Hầu hết ung thư quay trở lại trong vòng 2 năm đầu sau điều trị. Sau 5 năm, nguy cơ tái phát không còn nhiều. Đối với một vài loại ung thư, sau 10 năm các bác sĩ có thể nói bệnh bạn đã khỏi. Tuy vậy, một số ung thư có thể quay lại sau nhiều năm kể từ lần chẩn đoán đầu tiên.

Đại Hải