Virus là sinh vật tuy rất nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng rộng lớn, chúng có cấu tạo vô cùng đơn giản nhưng lại là thủ phạm của nhiều bệnh nguy hiểm. Dù vậy, Virus cũng có lợi ích cho hệ miễn dịch của cơ thể.
Từ nhiều thế kỷ qua các bác sĩ đã chứng kiến những biểu hiện bệnh virus như dịch hạch, bệnh thủy đậu, ho gà v.v… nhưng phải đến thế kỷ 20, thủ phạm mới được nhận diện. Đó là khi các nhà khoa học khám phá ra một thực thể giống vi khuẩn nhưng có đặc trưng riêng biệt: Không thể sinh sản độc lập nếu không có tế bào sống khác. Tức là, chúng không thể sống hoặc sinh sản bên ngoài một vật chủ.
Hiện nay có hơn 400 virus lây nhiễm cho con người. Virus còn có thể lây nhiễm cho động vật, thực vật và cả vi khuẩn. Nếu gộp cả lại, ước tính có hơn 100 triệu chủng virus lây nhiễm mọi loài từ động vật, thực vật, nấm, tảo và vi khuẩn.
Khi nhiễm virus, cơ thể người sẽ trở thành nhà máy sản xuất, khiến số lượng virus trong thân thể tăng lên theo cấp số nhân cho tới khi hệ miễn dịch ngăn chặn chúng. Mọi loại virus từ virus cúm, viêm gan hay virus HIV đều sinh sôi như vậy.
Chính bởi vậy, việc điều trị virus gặp phải một số khó khăn. Kháng sinh có thể diệt vi khuẩn theo nhiều cơ chế, một trong số đó là chặn đứng cơ chế sinh trưởng. Tuy nhiên virus không theo cơ chế này, do vậy kháng sinh không có hiệu quả.
Virus có lợi
Không phải mọi loại virus đều có hại, một số virus có thể diệt khuẩn. Lớp niêm mạc nhầy lót đường tiêu hóa, đường hô hấp và đường sinh sản là vật chủ của một số loại virus đặc biệt. Những virus này lây nhiễm và tiêu diệt vi khuẩn. Một số khác có thể chống lại những chủng virus nguy hiểm hơn.
Sau khi phát hiện vi khuẩn và virus là những tác nhân gây bệnh, các nhà khoa học cũng nhận ra chúng có tác dụng bảo vệ cơ thể. Nghiên cứu gần đây cho thấy, những virus kể trên là một phần của hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể.
Một số loại virus đã được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng máu do tụ cầu, salmonella, v.v. từ gần một thế kỷ nay. Đặc biệt trong bối cảnh vi khuẩn đa kháng thuốc xuất hiện ngày một nhiều, những chủng virus này đang hứa hẹn tiềm năng to lớn hơn.
Nhiễm virus
Virus có thể gây nhiều bệnh, từ bệnh nhẹ như cảm cúm cho đến thủy đậu, sốt xuất huyết hay HIV.
Đối với một số bệnh nhẹ như cảm cúm, thủy đậu, sốt xuất huyết hệ miễn dịch của cơ thể có thể tự đẩy lùi mầm bệnh virus sau một thời gian. Đối với bệnh nặng như HIV, chúng ta chỉ có thuốc giúp kéo dài thời gian sống và biến căn bệnh trở thành mãn tính.
Các thuốc điều trị HIV hoạt động dựa trên nguyên lý ức chế hoạt động virus. Như vậy, virus sẽ không thể sinh sôi và tiêu diệt các tế bào vật chủ. Chiến lược điều trị này không thể diệt hoàn toàn virus hay chữa khỏi bệnh, nhưng gia tăng tuổi thọ bệnh nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Thuốc kháng HIV không phải là lựa chọn duy nhất. Y học cổ truyền có thể đóng một vai trò nhất định trong điều trị HIV. Chẳng hạn, một nghiên cứu từ đầu những năm 2000 đã đánh giá lại những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối (AIDS) còn khỏe mạnh đang ở độ tuổi 50-60. Thay vì sử dụng thuốc kháng virus, 9 bệnh nhân tham gia nghiên cứu được điều trị bằng bài thuốc Đông Y làm từ 13 loại thảo dược.
Đến năm 2016, 8 trên 9 bệnh nhân có tải lượng virus trong cơ thể ở dưới ngưỡng phát hiện được, bệnh nhân còn lại có tải lượng virus thấp. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra điều trị bằng Đông Y có thể hỗ trợ làm giảm tác dụng phụ do thuốc kháng virus.
Y học hiện đại cũng đã nhận thức được khả năng tăng cường miễn dịch của các loại thảo dược trong Y học cổ truyền. Sử dụng thường xuyên đã được chứng minh là làm giảm tác động và thiệt hại do nhiễm một số loại virus nhất định.
Giữ gìn vệ sinh luôn có vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh. Rửa tay thường xuyên đặc biệt là trước khi chạm vào miệng, mũi, mắt là một biện pháp hữu hiệu phòng ngừa nhiễm trùng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC) tuyên bố rửa tay giúp ngăn ngừa tiêu chảy và nhiễm trùng hô hấp, có thể phòng ngừa nhiễm trùng da và mắt.
“Giữ đôi tay sạch sẽ là một trong những bước quan trọng nhất chúng ta có thể thực hiện để phòng bệnh và phòng ngừa lây lan mầm bệnh. Nhiều bệnh lây lan do không rửa tay với xà phòng, nước”, theo CDC. Xà phòng thông thường là đủ để bảo vệ đôi tay. Xà phòng kháng khuẩn góp phần gây kháng kháng sinh và không có tác dụng diệt virus.
Cuối cùng, ăn uống sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần lạc quan, thoải mái là những nguyên tắc cơ bản để có một sức khỏe tốt. Căng thẳng sẽ làm tiêu hao các nguồn lực của cơ thể vốn dùng để chống lại tác nhân gây bệnh, do đó làm suy yếu hệ miễn dịch và dễ bị các mầm bệnh tấn công.
The Epoch Times
Video xem thêm: Mỹ hỗ trợ hàng ngàn liều thuốc HIV cho người Venezuela