Đại Kỷ Nguyên

Vụ hành hung tại Bệnh viện Xanh Pôn: Y bác sĩ kêu cứu

Đang ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người nhà bệnh nhân nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn. Sau sự việc, nhiều y bác sĩ đã lên tiếng yêu cầu xử lý và cần được bảo vệ.

Ông Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình trao đổi với Tuổi Trẻ, khoảng 23h ngày 13/4, khoa tiếp nhận một bệnh nhi 7 tuổi có vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được người thân đưa vào.

Bác sĩ C. bị đấm liên tiếp vào mặt. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Khi đang trao đổi với bác sĩ C. người nhà bệnh nhân bất ngờ đứng lên đấm vào mặt khiến người này không kịp phản ứng. Thấy vậy, một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn cũng bị này chửi mắng, tấn công.

Chỉ khi lực lượng bảo vệ và công an phường Điện Biện, quận Ba Đình có mặt, người này mới chịu dừng. Khi lực lượng chức năng và đồng nghiệp đưa bác sĩ C. ra ngoài thì, người nhà bệnh nhi tạo hiện trường giả phải lót tay bác sĩ bằng cách moi hết tiền trong ví vứt lên bàn.

Bác sĩ C. sau đó được kiểm tra sức khoẻ. Rất may cú đấm không gây tổn thương quá nặng, tuy nhiên bác sĩ C. vẫn chưa hết sốc.

Video người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ. (Nguồn clip: Bệnh viện cung cấp)

Đây là vụ hành hung bác sĩ thứ 3 trong nửa tháng 4/2018. Trước đó, khoảng 23h30 ngày 8/4, bác sĩ Nguyễn Đình Phi (công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh) đang thăm khám cho bệnh nhi thì bất ngờ từ phía sau có tiếng chửi bới.

Một người đàn ông xưng là bố bệnh nhân xông đến túm cổ áo bác sĩ Phi đấm thẳng vào mặt, làm bác sĩ vỡ kính, choáng váng ngã xuống sàn nhà. Thực tập sinh Trần Nhật Giáp (sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh) vào can ngăn cũng bị người này đấm liên tiếp vào mặt và vùng đầu.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phi bị thương khi bị người nhà bệnh nhân đánh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Thực tập sinh Trần Nhật Giáp bị rách mí mắt và đang theo dõi chấn thương sọ não. (Ảnh: Nhân Đạo & Đời Sống)

Trước tình trạng bạo lực bệnh viện ngày càng gia tăng, ngày 15/4, Facebook của giới thầy thuốc lan truyền thông điệp và yêu cầu được bảo vệ.

“Cần một hiệu ứng mạnh hơn, như một cú sốc điện mà chúng tôi phải sử dụng khi tính mạng bệnh nhân ngàn cân treo sợi tóc”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – Phó Giám đốc, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội – viết trong trang cá nhân.

Trang cá nhân của Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: Facebook nhân vật)
Trang cá nhân của Bác sĩ Ngô Đức Hùng – tác giả cuốn sách về nghề y “Để yên cho bác sĩ hiền”. (Ảnh: Facebook nhân vật)

H.H

Exit mobile version