Sốt là một phản ứng bảo vệ giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh, tuy nhiên khi sốt quá cao hoặc sốt kéo dài thì lại “lợi bất cập hại”, nên cần phải được xử lý nhanh chóng.
Sốt là tình trạng hay gặp ở trẻ em do rất nhiều nguyên nhân. Có thể trẻ sốt do viêm họng đơn thuần, hay sốt do bệnh nhiễm trùng cấp tính, hoặc cũng có thể do mọc răng, sau tiêm văc-xin. Mặc dù các loại thuốc hạ sốt phổ biến trên thị trường khá lành tính, song nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa có đủ kiến thức dùng thuốc hạ sốt, dẫn đến dùng thuốc không đúng, có thể khiến bệnh nặng thêm, gây ngộ độc, hạ thân nhiệt v.v.
Xử trí sốt tại nhà như thế nào?
Vì sốt là phản ứng bảo vệ có lợi của cơ thể, do đó không nên tùy tiện dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, nếu không có thể cha mẹ đang khiến bệnh của trẻ nặng và kéo dài hơn. Khi xử trí trẻ bị sốt tại nhà, các bậc cha mẹ cần phải lưu ý những điểm sau:
Trước khi cân nhắc dùng thuốc hạ sốt cha mẹ cần cặp nhiệt độ cho trẻ.
Nếu nhiệt độ đo tại nách <38,5 độ C
Sử dụng các biện pháp chăm sóc (hạ sốt không dùng thuốc):
- Cởi bớt quần áo (mặc quần áo nhẹ mỏng)
- Nằm phòng thoáng mát (nhiệt độ phòng vào khoảng 22 – 24oC). Tránh ủ kín trẻ.
- Cho trẻ uống đủ nước. Chỉ truyền dịch khi trẻ không uống được hoặc bệnh nặng.
- Chườm nước ấm cho trẻ : dùng khăn nhúng nước ấm (37oC) chườm vào các vị trí trán, nách, bẹn, lật khăn và nhúng nước liên tục.
- Cặp lại nhiệt độ sau khi chườm
Nếu nhiệt độ đo tại nách >38,5 độ C
Bên cạnh các biện pháp chăm sóc như trên, trẻ cần được dùng thuốc hạ sốt. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng loại phổ biến, có tác dụng nhanh là loại chứa acetaminophen (efferalgan, paracetamol, panadol…) vừa có tác dụng hạ sốt, vừa có tác dụng giảm đau. Tuy nhiên cần chú ý uống đúng liều lượng và tuân theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Liều dùng acetaminophen: tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10mg -15mg/kg. Ví dụ: trẻ em nặng 10kg mỗi lần dùng liều 100mg – 150mg. Mỗi lần uống thuốc cách nhau 4 đến 6 giờ, trong 1 ngày không dùng quá 6 lần.
Cha mẹ cần đặc biệt chú ý tính và cho trẻ uống đúng liều lượng acetaminophen, tuân thủ khoảng thời gian giữa 2 lần dùng thuốc, vì thuốc có thể gây tổn thương gan nếu dùng quá liều.
Các dạng thuốc hạ sốt dùng cho trẻ
Thuốc hạ sốt cho trẻ em thường có 3 dạng chính, đó là dạng gói, dạng siro và dạng viên đạn.
Khi trẻ có thể uống được thì có thể sử dụng dạng gói bột hoặc si rô hạ sốt pha với nước cho trẻ uống. Ở dạng này thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn, hiệu quả hạ sốt nhanh hơn và đạt được độ an toàn cao nhất khi sử dụng
Nếu trẻ sốt li bì, trẻ nôn ói nhiều, trẻ không thể uống được, nhất là những trẻ đang ngủ say mà không muốn đánh thức trẻ, cha mẹ có thể cho trẻ dùng viên đạn nhét hậu môn để hạ sốt. Tuy nhiên cần chú ý liều lượng theo qui định ở trên và việc nhét thuốc vào hậu môn cần tiến hành nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh làm tổn thương vùng hậu môn.
Nếu có kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, trẻ cần được đi khám bác sỹ
- Sốt cao > 40 °C, sốt liên tục không giảm trong vòng 24h.
- Trẻ bị co giật, mệt li bì.
- Nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.
- Sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái, tiêu chảy, phân nhầy máu
Lưu ý: Nếu e ngại tác dụng phụ của thuốc tây, cha mẹ có thể tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ về các cách hạ sốt tự nhiên cho trẻ, ví dụ dùng lá rau diếp cá…
Đại Hải
Xem thêm:
- Rau húng chanh và 9 tác dụng kỳ diệu: chữa bệnh dạ dày, hạ sốt, ung thư… tốt hơn các thực phẩm chức năng
- Mẹo hạ sốt và chữa ho cho bé bằng rau diếp cá
- Lời tâm sự của một ni cô: Thần tích hiển linh – tôi đã khỏi ung thư dạ dày kỳ diệu như thế nào?
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.