Đại Kỷ Nguyên

Suốt 15 năm chăm sóc con trai bại liệt, điều người mẹ nói đã thức tỉnh lương tri của 1 người đang tràn ngập hận thù

Vài tuần sau khi được mãn hạn tù, tôi đến một bệnh viện ở thành phố để kiểm tra sức khỏe. Đó là một nơi ồn ào và hỗn loạn, nhưng trong đầu tôi chỉ tập trung tính toán kế hoạch trả thù người đã đẩy tôi vào cảnh khốn khổ này 11 năm trước…

Trong lúc ngồi ở phòng chờ, tôi nghe thấy tiếng khóc rất thương tâm của một ai đó. Tôi đưa mắt quanh phòng thì bắt gặp một cậu thanh niên khoảng 20 tuổi ngồi trên xe lăn đang gục đầu nghẹn ngào. Đến khi những tiếng nức nở của cậu vang lên ngày một nhiều thì có một người phụ nữ vội vã đi tới, vỗ về cậu cho tới khi cậu bình tĩnh lại…

Trong lòng tôi có đôi chút thắc mắc khi chứng kiến cảnh tượng ấy. Tôi không biết chàng trai trẻ ấy có vấn đề gì và người phụ nữ bên cạnh cậu là ai, nhưng dáng vẻ đau khổ của chàng trai khiến tôi cảm thấy ám ảnh, và cả gương mặt vừa dịu dàng, vừa cam chịu của người phụ nữ. Bỗng tiếng bác sỹ gọi tên tôi vang lên… Tôi vội vã bước vào phòng khám và tạm quên đi điều mình vừa chứng kiến.

Một lúc sau, trên đường chuẩn bị ra khỏi bệnh viện, tôi lại thấy trong đám đông ở phòng chờ chàng trai và người phụ nữ lúc nãy. Hai tay người phụ nữ đó cầm chiếc bánh mì kẹp và đưa cho cậu ta. Sau đó bà dịu dàng vuốt ve, dỗ dành cậu bằng những lời yêu thương và nụ cười hiền từ, cách người phụ nữ chăm sóc cậu ấy không khác gì một bà mẹ dỗ dành đứa con nhỏ bé bỏng.

Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến câu chuyện về một người họ hàng của mình, một cô bé bị dị tật bẩm sinh phải từ giã cõi đời khi mới lên 8. Em bé có tên là Sarah và cũng có một cuộc đời không mấy dễ dàng với căn bệnh hiểm nghèo. Có lần, tôi mơ thấy em, tôi thấy em được lên thiên đàng và hạnh phúc ở trên đó… Sau rất nhiều khổ đau, cuối cùng em cũng có thể thanh thản mỉm cười…

Ra khỏi dòng suy nghĩ của mình, tôi tiến lại gần người phụ nữ cùng chàng trai và hỏi:

“Chào chị! Đây là con trai chị à?”

Người phụ nữ gật đầu.

“Cháu bao nhiêu tuổi rồi?” – Tôi hỏi tiếp.

“19 tuổi” – Chị trả lời.

“Cháu tên là gì?” – Tôi tiếp tục hỏi.

“Jimmy.” – Giọng chị khe khẽ, có vẻ vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sự quan tâm của một người lạ.

Tôi trìu mến nhìn cậu bé và nói: “Cháu khỏe không Jimmy?”

Mẹ cậu bé vội vàng: “Cháu không thể trả lời được đâu, cháu bị câm.”

Tôi lặng người một lúc trước câu trả lời của chị, lại một con người đáng thương khác phải chịu đựng nỗi đau đớn do bệnh tật đem lại. Sau đó chị nói với tôi rằng tuy cậu bé không trả lời được nhưng cậu vẫn có thể nghe được lời tôi nói. Tôi mỉm cười: “Rất vui vì được gặp cháu, Jimmy!”.

Tôi muốn hiểu hơn về câu chuyện của hai mẹ con đáng thương này nên tiếp tục hỏi mẹ Jimmy liệu dị tật của cháu có phải là bẩm sinh không. Mẹ cậu nói rằng cậu không nói được từ khi lên 4… Tôi ngạc nhiên hỏi thêm: “Nghĩa là trước khi 4 tuổi, Jimmy là cậu bé bình thường như bao đứa trẻ khác?” Người phụ nữ với nụ cười trên môi nhẹ nhàng đáp lại: “Đúng vậy.”

Nghe vậy, tôi càng tò mò hơn, tôi nhìn người phụ nữ thành khẩn: “Chị có phiền không nếu chia sẻ cho tôi chuyện gì đã xảy ra với cậu bé?”

Mẹ Jimmy kể rằng, gia đình cô có 5 người con, Jimmy là con út trong nhà. Cách đây 15 năm, cả gia đình đã chuyển tới Luân Đôn và đó là thời gian bi kịch ập đến với con trai bé bỏng của cô. Trong một lần tập đi xe đạp, Khalid chẳng may bị ngã và đập đầu xuống đất. Mặc dù những người có mặt lúc ấy đã nhanh chóng đưa em tới bệnh viện, nhưng đáng buồn thay, bác sỹ nói vết thương của em quá nặng dẫn đến chấn thương sọ não, làm liệt một số dây thần kinh và ảnh hưởng tới khả năng nói cũng như khả năng đi lại của Jimmy. Dù đã rất hy vọng vào một phép màu sẽ xảy ra, nhưng kể từ ngày hôm đó, cậu bé đã hoàn toàn không thể cất lên một âm thanh nào nữa…

Chị dừng lại, lau những giọt nước mắt vừa lăn dài trên má rồi tiếp tục kể: “Anh biết không? Khoảng thời gian sau đó thật khủng khiếp với Jimmy. Cháu còn quá nhỏ để có thể ý thức được điều gì đang diễn ra. Những lúc đòi mẹ, cháu muốn hét lên nhưng không thể, chỉ ú ớ gì đó trong miệng, rồi khi thấy mình không thể nói…cháu chỉ biết giàn giụa nước mắt…”. “Khalid rất nhạy cảm với âm nhạc, lúc mới biết nói, dù không nói được nhiều nhưng Khalid luôn muốn hát…”. Rồi người phụ nữ lại khóc nấc lên, như thể mọi nỗi đau kìm nén bấy lâu đang ồ ạt tuôn trào. Tôi đứng lúng túng, nhìn người mẹ tội nghiệp đang vừa lau những giọt nước mắt vừa kể chuyện như đang tâm sự với chính mình mà không biết phải nói gì, rồi tôi nhận ra không chỉ riêng cậu bé Jimmy phải chịu đựng những nỗi đau và sự mất mát, mà còn cả người mẹ suốt 15 năm qua ở bên tận tụy chăm sóc cậu với bao nhiêu khó nhọc… Bà đã phải canh từng giấc ngủ, chăm từng miếng ăn cái mặc cho cậu. Những lần cậu buồn rầu và khóc lóc gào thét, bà cũng phải ở bên dỗ dành cho đến khi em nguôi ngoai và chìm vào giấc ngủ. Bà không chỉ là một người mẹ, mà còn là người đồng hành của Jimmy trong suốt khoảng thời gian dài đằng đẵng ấy, khoảng thời gian mà không một ai có thể biết được là sẽ còn kéo dài đến bao giờ…

Khi Jimmy bước vào tuổi trưởng thành, đó là lúc bắt đầu những giây phút tuyệt vọng nhất của hai mẹ con. Em thường xuyên bị những đứa trẻ xung quanh trêu ghẹo vì khiếm khuyết của mình. Em không có bạn bè vì họ đều coi em như kẻ ngốc. Em chỉ biết thu mình lại và ngày càng sống khép kín. Tai nạn năm ấy đã không chỉ lấy đi giọng nói của em mà còn cả một thời niên thiếu vui vẻ và đầy sức sống. Đã 19 tuổi rồi, mà em chưa bao giờ có một người để chia sẻ nỗi lòng ngoài mẹ mình…

Rồi mẹ Jimmy ngừng khóc, cô nhìn tôi với một vẻ hơi ngượng ngùng: “Đã lâu rồi tôi không kể chuyện này với ai…” . Còn tôi lúc này đã không thể ngăn mắt mình đỏ hoe, tôi run run nói với chị: “Cuộc sống thật bất công với hai mẹ con chị… Tôi không biết rằng nếu tôi là chị hoặc Jimmy thì tôi có thể sống tiếp được không nữa.”

Nhưng trái với điều mà tôi nghĩ, mẹ Jimmy mỉm cười đáp: “Tôi tin rằng Chúa biết nỗi đau và sự chịu đựng của hai mẹ con tôi suốt 15 năm qua. Nhưng chẳng phải chính điều này đã làm cuộc sống của tôi giàu tình thương hơn? Mỗi buổi sáng tôi đều có một lý do để bắt đầu ngày mới là chăm sóc đứa con nhỏ của mình. Mỗi ngày tôi đều cho đi và san sẻ yêu thương, và nó làm cho cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa. Tôi cũng biết trân trọng những gì mình đang có và không phàn nàn về những tổn thương mất mát… Bởi vì tôi hiểu rằng, đứa con tôi còn khổ tâm hơn tôi gấp ngàn lần…”. 

Tôi ngạc nhiên nhìn người phụ nữ kiên cường này, trong lòng không khỏi thầm ngưỡng mộ… Tôi không thể ngờ được rằng cho dù thực tế cuộc sống có nghiệt ngã thế nào, thì người phụ nữ này vẫn có thể sống với một trái tim ấm áp… Lúc này dường như tôi đã hiểu được ý nghĩa nụ cười an nhiên của chị khi tôi mới thấy chị lần đầu trong bệnh viện.

Vì có việc gấp, nên tôi không thể nán lại lâu hơn để chia sẻ với người phụ nữ ấy. Khi tôi chuẩn bị rời đi, bà còn nói thêm:

“Cái gì cũng có giá của nó… Khi chúng ta mất mát hay phải chịu đựng điều gì đó có lẽ cũng là lúc chúng ta đang trả lại những điều mà chúng ta còn nợ. Chúng tôi gặp phải chuyện này nhất định là vì một nguyên nhân sâu sa nào đó… Chúa có kế hoạch của Ngài mà đôi khi chúng ta chưa thể hiểu được. Tôi tin rằng những điều chúng ta phải chịu đựng sẽ được đền đáp xứng đáng. Một ngày nào đó Jimmy sẽ được hạnh phúc, bệnh tật sẽ rời xa nó, và cháu sẽ lại khỏe mạnh như trước đây… Đó là điều tôi luôn tin tưởng… Và tôi luôn cảm ơn Chúa vì mọi thứ người ban cho chúng ta…”

Tôi mỉm cười lại gần xoa đầu Jimmy và chào tạm biệt hai mẹ con. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được nghị lực phi thường của người mẹ suốt 15 chăm sóc đứa con bệnh tật mà vẫn luôn thường trực một nụ cười trên môi này.

Ngày hôm ấy sau khi trở về nhà, tôi kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ với hai mẹ con ở bệnh viện cho chị gái mình. Chị gái tôi đã hỏi lại tôi rằng, sao tôi không chia sẻ lại những gì đã trải qua trong tù với hai mẹ con họ, rất có thể người mẹ với tấm lòng rộng mở ấy sẽ cho tôi những lời khuyên bổ ích.

Bất chợt, những ký ức đau thương về 11 năm tù oan của tôi hiện về… Ngày ấy tôi bị người ta hãm hại, đổ oan rằng tôi đánh đập và cướp tiền của người khác. Dù rất cố gắng nhưng tôi không thể minh oan cho bản thân mình. Cảnh sát đều bị mua chuộc. Tiền bạc đã chiến thắng công lý và kẻ phạm tội thật sự nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong suốt khoảng thời gian phải chịu những trận đòn roi và lao động khổ sai ấy, tôi chưa bao giờ quên gương mặt của kẻ đã đẩy tôi vào bước đường cùng. Tôi hận hắn và chỉ ước thời gian trôi qua thật nhanh để đến ngày tôi được trả tự do, và lên kế hoạch trả thù… Thế nhưng, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi tôi gặp hai mẹ con họ.

Những đau khổ và tổn thương tôi gặp phải trong suốt 11 năm tù lao khổ sở ấy chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì mà người mẹ kia phải chịu đựng trong suốt 15 năm… Cuộc gặp gỡ định mệnh với hai mẹ con họ là thông điệp mà Chúa dành cho tôi. Dù cuộc đời có nghiệt ngã thế nào, dù tôi cảm thấy bất công bao nhiêu với những gì đã trải qua thì đó cũng là một món nợ sâu sa tôi cần phải trả, là một thử thách tôi cần vượt qua để hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Bỗng dưng tôi cảm thấy mọi thù hận và ý nghĩ xấu xa từng có khi ở trong tù trở nên hư vô và dần tan biến. Nỗi xấu hổ vì từng bị vu oan trộm đồ và đánh đập người khác cũng trở nên không còn quan trọng nữa. Tôi nhớ tới lời của người mẹ kia nói, và tôi cũng tin rằng Thượng Đế có kế hoạch của ngài mà trong một cuộc đời này có lẽ chúng ta không thể hiểu hết. Sau 11 năm nuôi hận báo thù và luôn nghĩ rằng chỉ có trả thù mới có thể khiến mình nhẹ nhõm, tôi không ngờ việc lắng nghe câu chuyện của hai mẹ con họ lại là nút thắt hóa giải hết mọi oán giận trong lòng tôi…

Trong cuộc đời, ai cũng gặp phải những buồn phiền, lo lắng và cả những biến cố bất ngờ. Chúng ta thường cảm thấy chán ghét và than thở về những bất hạnh, nhưng mọi chuyện xảy ra đều có lý do. Chúng ta cần bình tĩnh đối mặt với điều không như ý và nhẫn nại vượt qua những khó khăn. Nếu chúng ta mở rộng tấm lòng mình quan sát thế giới xung quanh, chúng ta sẽ thấy nỗi đau của người khác còn lớn hơn nhiều điều mà chúng ta đang phải chịu đựng. Vì vậy, hãy biết trân trọng sự sống này và những gì bạn được Thượng Đế ban tặng, dù là hạnh phúc, thành công hay là đau khổ và mất mát…

Video: Con gái lấy chồng như đánh bạc

Quỳnh Nga

Xem thêm:


Exit mobile version