Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang là bài toán khó cho rất nhiều quốc gia, trong đó đặc biệt phải kể đến Ấn Độ, nơi nghèo đói và phung phí xa hoa chỉ cách nhau có một bức tường rào. Không thể làm thay đổi cả một nền kinh tế, nhưng việc làm nhỏ bé mà vô cùng ý nghĩa của một chàng trai và đội nhóm của anh trong câu chuyện dưới đây lại khiến cuộc đời của bao người được thay đổi.
Vào một buổi sáng Charan Prasad, 25 tuổi sống ở thành phố Vizianagaram, thuộc bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, người đang điều hành một tổ chức từ thiện, nhận được một cuộc gọi từ một người hoàn toàn xa lạ. Người này thông báo cho anh về trường hợp một bà cụ đang sắp chết đói, bên đường gần khu BC, hai tháng nay không có gì để ăn. Ngay lập tức anh và đội nhóm của mình lên đường.
Ramulamma, tên người phụ nữ, đã sống vất vưởng ở thành phố Vizianagaram ngày từ lâu. Anh Charan kể lại: “Bà cụ đã không được ăn gì hai tháng nay, không nhà, không cửa, không họ hàng, bà con thân thích, chúng tôi cho bà ăn và lập tức đưa bà đến bệnh viện gần nhất để phục hồi sức khỏe cho bà.”
Ấn Độ là quốc gia có dân số đông thứ hai trên thế giới, với khoảng cách giàu nghèo đặc biệt lớn. Indian Express, một trong những tờ báo uy tín ở Ấn Độ, ước tính tổng số tỉ phú ở nước này có thể nhiều hơn số tỉ phú ở Anh và Canada cộng lại. Bên cạnh đó, số người nghèo đói riêng ở 8 bang nghèo nhất trong số 28 bang nghèo của Ấn Độ cũng đã có thể nhiều hơn số người nghèo của 26 nước châu Phi cộng lại.
Đăng thông tin về bà cụ suýt chết vì đói lên trang Facebook cá nhân, Charan muốn chia sẻ một thực tế: Hiện nay nhiều người trẻ, điều kiện sinh hoạt dư giả, sẵn sàng vứt bỏ thức ăn thừa, trong khi không biết rằng một chút còn lại đó thôi cũng có thể là cả một bữa ăn thịnh soạn cho những người khác.
Anh viết trên tài khoản facebook: “Sáng nay tôi nhận được một cuộc gọi từ một người không quen nói về một bà cụ già đang sống vất vưởng bên đường gần khu BC đã hai tháng và không có gì để ăn… vì thế chúng tôi lập tức tới đó để gặp bà và cho bà ăn. Sau đó chúng tôi đưa bà tới một bệnh viện công ở Vizianagaram để chữa bệnh.”
Ít lâu sau, anh đăng một tấm hình chụp với bà cụ. “Bà đã hồi phục rất nhanh… Và hiện bà rất phấn khởi vì sức khoẻ đã khá lên.” Bài viết nhanh chóng lan ra, có tới hơn 40.000 lượt chia sẻ chỉ trong vòng hai ngày.
Công bằng mà nói, có nhiều người thể hiện lòng tốt và lòng nhân đạo như thế – dù cho số người đó có tăng lên đáng kể – thì bài viết của Prasad vẫn lan tỏa với tốc độ chóng mặt, bởi lòng tốt luôn là phương thuốc quý cho tâm hồn mỗi con người. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người biết san sẻ những gì mình có cho những số phận kém may mắn hơn.
Chỉ khi con người ta biết trao tặng những điều tốt lành cho cuộc sống, họ mới thực sự sống cho chính bản thân mình. Như Theodore Dreiser đã nói:
“Nếu ta muốn kiếm một chút vui trên cõi trần, ta phải thực hành những nghĩa cử tốt đẹp, không những để lợi cho mình mà còn có lợi cho kẻ khác nữa, vì cái vui của mình tuỳ thuộc vui của kẻ khác, cũng như vui của kẻ khác tuỳ thuộc vui của mình.”
Và nếu có cơ hội được làm việc thiện trong đời, bạn đừng bao giờ trì hoãn, bởi bạn sẽ không bao giờ “trở lại con đường chúng ta đã trải qua” một lần nữa.
Xuân Dung
Xem thêm: